Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 489/BHXH-BT
V/v hướng dẫn một số nội dung về thu BHXH, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ BHXH

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2016

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.

 

Căn cứ quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014; Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014; Luật Việc làm năm 2013; Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động (Nghị định số 05/2015/NĐ-CP); Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (Nghị định số 122/2015/NĐ-CP); Công văn số 26/LĐTBXH-BHXH ngày 05/01/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2014; BHXH Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và giải quyết một số chế độ BHXH như sau:

1. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

a) Từ ngày 01/01/2016 trở đi, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.

Tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; đóng BHXH, BHYT cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2016 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP.

Tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần đến hết năm 2015 đang thực hiện tiền lương làm căn cứ đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì từ ngày 01/01/2016 phải thực hiện xây dựng, chuyển xếp lương, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điểm a Mục 1 Công văn này; trường hợp chưa hoàn thành xây dựng thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động thì:

- Thực hiện tạm thu BHXH, BHYT, BHTN trên tiền lương tháng hiện đang đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (ghi bằng tiền đồng Việt Nam, không ghi theo hệ số lương), không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

- Khi công ty hoàn thành việc phê duyệt thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động thì điều chỉnh mức thu BHXH, BHYT, BHTN và mức hưởng chế độ BHXH của người lao động đảm bảo theo đúng quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Giải quyết một số chế độ BHXH

Căn cứ quy định tại Luật BHXH năm 2014, Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện và các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

Đối với trường hợp nêu tại Mục 1 Công văn này, khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH thì tiền lương tháng đóng BHXH kể từ ngày 01/01/2016 được tính theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Đối với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Trong thời gian từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2016 (Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ban hành trước ngày 01/01/2016. Riêng về thủ tục hồ sơ giám định đối với người lao động được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát: Căn cứ Điểm 5 Điều 18 và Điều 23 Luật BHXH, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, hồ sơ giám định đối với người lao động được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia BHXH bắt buộc nhưng bỏ thành phần hồ sơ: Giấy giới thiệu của cơ quan BHXH.

3. Tổ chức thực hiện

a) BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân

- Thông báo và hướng dẫn đơn vị tham gia về tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN theo nội dung trên và trách nhiệm của đơn vị trong việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động; chuyển xếp tiền lương; rà soát, bổ sung, điều chỉnh hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể làm căn cứ trả lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

- Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và các cơ quan có liên quan ở địa phương, Bộ, ngành để kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về lao động, tiền lương và BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

b) BHXH Việt Nam

Trung tâm Công nghệ thông tin sửa đổi, nâng cấp các phần mềm quản lý thu và giải quyết hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân thực hiện theo các nội dung trên. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ánh về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: LĐTBXH, TC, YT;
- Tổng Giám đốc;
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH VN;
- Lưu: VT, BT (05b).

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thị Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 489/BHXH-BT năm 2016 hướng dẫn nội dung về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 489/BHXH-BT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/02/2016
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản