Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485/TANDTC-PC
V/v trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Tòa án nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021. Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã phản ánh kiến nghị của cử tri đối với hoạt động của Tòa án nhân dân. Sau đây, Tòa án nhân dân tối cao xin được trả lời nội dung kiến nghị như sau:

1. Đề nghị hướng dẫn áp dụng tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” quy định tại Chương XVI của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm sở hữu (từ Điều 168 đến Điều 180) do có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất các tình tiết này giữa các địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu xây dựng và ban hành nhiều Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, án lệ, giải đáp và công văn nghiệp vụ để hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử, trong đó có Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. Nghị quyết này cũng đã hướng dẫn về tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Trong thời gian tới, thông qua công tác tổng kết thực tiễn và giám đốc việc xét xử, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội.

2. Đề nghị hướng dẫn việc giám định và định giá “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại sẽ do cơ quan nào xác định?

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi tình tiết tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” của Bộ luật Hình sự năm 2015 thành “tài sản là di vật, cổ vật”. Việc giám định, định giá tài sản là “di vật, cổ vật” được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Giám định tư pháp năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2020), Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ, Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ và Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ. Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, giám đốc việc xét xử, Tòa án nhân dân tối cao sẽ nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn nếu xét thấy cần thiết.

3. Đề nghị hướng dẫn trường hợp trong vụ án hình sự cố ý gây thương tích, bị hại từ chối không đi giám định thương tích thì không có căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bên cạnh đó, trường hợp giám định lại nhưng Kết luận của Trung tâm giám định pháp y là khác nhau; sau khi giám định thì căn cứ vào thương tích tạm thời hay thương tích để xác định tỷ lệ thương tật giữa các khung hình phạt cũng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể.

Trường hợp bị hại từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể áp dụng biện pháp dẫn giải (khoản 2 Điều 127 của Bộ luật Tố tụng hình sự); trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 211 của Bộ luật Tố tụng hình sự; trường hợp đặc biệt thì giải quyết theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Đề nghị hướng dẫn định tội danh giữa tội “Giết người” với tội Cố ý gây thương tích nhiều trường hợp tỷ lệ thương tật thấp nhưng dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào những khu vực nguy hiểm trên cơ thể con người; giữa các địa phương có quan điểm khác nhau, có nơi xử lý về tội Giết người, có nơi xử lý về tội Cố ý gây thương tích. Hiện nay, việc phân biệt chủ yếu dựa trên cơ sở mặt chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội (đây là yếu tố rất khó xác định và sẽ tạo kẽ hở dẫn đến tình trạng xử lý không đúng tính chất mức độ của hành vi phạm tội).

Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 04 Án lệ có liên quan đến nội dung này (Án lệ số 01/2016/AL, Án lệ số 17/2018/AL, Án lệ số 18/2018/AL và Án lệ số 19/2018/AL). Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, giám đốc việc xét xử, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 123 và Điều 134 của Bộ luật Hình sự nếu xét thấy cần thiết.

5. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 330 của Bộ luật Hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”; mức độ nào thì bị xử lý hành chính, mức độ nào thì xử lý hình sự; đồng thời, kiến nghị nâng mức hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ (mức phạt cao nhất 07 năm tù đối với tội danh này là chưa tương xứng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa).

Một số nội dung kiến nghị của cử tri nêu là khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự. Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, giám đốc việc xét xử, Tòa án nhân dân tối cao sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này của Bộ luật Hình sự và tiếp tục xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn nếu xét thấy cần thiết.

Trên đây là trả lời của Tòa án nhân dân tối cao đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng. Một lần nữa, Tòa án nhân dân tối cao trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đối với công tác của Tòa án nhân dân trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện;
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH-P1.

CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình