Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4848/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Chính phủ có quy định về sử dụng sim số điện thoại phải được đăng ký chính chủ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, còn nhiều số điện thoại lừa đảo với nhiều hình thức như: trúng thưởng, cho vay, nhận hàng từ nước ngoài... nhằm đánh vào lòng tham của người dân. Kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp mạnh hơn nữa trong việc quản lý sử dụng sim số điện thoại, tránh việc người dân bị lợi dụng và xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo này.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Thời gian qua, đúng là có hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng công nghệ, trong đó có sử dụng SIM có thông tin đăng ký không đúng quy định (mà xã hội hay gọi là “SIM rác”), SIM được mua bán mà không thực hiện chuyển quyền, sang tên theo quy định để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao, xử lý các đối tượng lợi dụng SIM thuê bao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật cụ thể như:

- Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó đã bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 01 tháng đến 12 tháng do thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Đây là hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.

- Năm 2020, Bộ đã tổ chức thanh tra xử phạt 04 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile) với tổng số tiền là 360.000.000 đồng. Các Sở TT&TT đã xử phạt 12 chi nhánh với tổng số tiền là 190.300.000 đồng, xử phạt 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 226.950.000 đồng. Tịch thu 6.900 sim đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ.

- Đầu năm 2022, các đơn vị của Bộ đã phối hợp với Bộ Công an (Cục A05) yêu cầu các doanh nghiệp chặn dịch vụ của 1465 SIM có dấu hiệu được sử dụng để tuyên truyền, sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm việc sử dụng trong các game bài, cờ bạc) và các doanh nghiệp đã triển khai theo đúng yêu cầu;

- Trong năm 2022, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an thành lập các Đoàn kiểm tra công tác quản lý thông tin thuê bao tại 07 doanh nghiệp viễn thông di động (gồm Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty MobiFone, Công ty Vietnamobile, Công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu - Gtel, Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương - Itelecom, Công ty cổ phần Mobicast). Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tổng số tiền các doanh nghiệp, đại lý của doanh nghiệp sẽ phải nộp phạt do vi phạm các quy định về quản lý, đăng ký thông tin thuê bao theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP và Nghị định 15/2020/NĐ-CP là gần 3 tỷ đồng, trong đó:

Xử phạt các doanh nghiệp di động: 1,155 tỷ đồng (cao nhất là Vietnamobile: 440 triệu; 03 doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone mỗi doanh nghiệp bị xử phạt 170 triệu; Itel, Mobicast mỗi doanh nghiệp 90 triệu và Gtel: 20 triệu);

Xử phạt 39 đại lý của các doanh nghiệp với tổng số tiền là 1,770 tỷ đồng (12 đại lý của Mobifone, 10 đại lý của Viettel; 6 đại lý của VNPT, 9 đại lý của Itelecom và 2 đại lý của Vietnamobile).

Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông phải chịu mức xử phạt cao như vậy.

- Phối hợp với các Bộ, ngành (Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước) tổ chức các đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí để nâng cao cảnh giác của người dân.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp chuẩn hóa, nâng cao tính chính xác của thông tin thuê bao (từ tháng 9/2021, các doanh nghiệp di động (Viettel, VNPT, MobiFone) đã tổ chức thực hiện việc hòa mạng tập trung kết hợp với thực hiện xác thực thông qua eKyC, cuộc gọi có hình (video call) khi đăng ký TTTB, ...), theo đó: đến tháng 6/2022, các nhà mạng đã triển khai các biện pháp chuẩn hóa, bảo đảm 100% thuê bao (gần 125 triệu) có thông tin đúng quy định - hợp lý, hợp lệ (thời điểm tháng 9/2021, qua rà soát toàn mạng còn hơn 7 triệu SIM có thông tin thuê bao có dấu hiệu chưa hợp lý, hợp lệ).

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp triển khai biện pháp:

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc để chuẩn hóa thông tin thuê bao SIM điện thoại.

- Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý thông tin thuê bao (sửa đổi Nghị định 25/2011/NĐ-CP) bao gồm việc rà soát để quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm đối với các cá nhân sử dụng thuê bao để nâng cao ý thức của người dân, người dùng khi sử dụng, chuyển nhượng thuê bao.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tăng cường áp dụng công nghệ (eKyC, video call, đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) trong quá trình xác thực thông tin thuê bao trước khi cung cấp SIM tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

- Thúc đẩy triển khai đăng ký dịch vụ cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo chính danh (có Tên định danh theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP).

- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc sử dụng mạng viễn thông để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

- Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ.

Câu 2: Các thế lực chống phá Việt Nam thời gian qua chúng dùng nhiều thủ đoạn, thông qua nhiều hình thức khác nhau trên các trang thông tin đại chúng, mạng xã hội để tuyên truyền, kích động không đúng sự thật. Trong khi đó, số lượng người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội rất lớn, những người ở vùng nông thôn, ít tiếp nhận các nguồn thông tin chính thống, am hiểu còn hạn chế, khi tiếp cận các thông tin tuyên truyền của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta thì tâm lý ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Đề nghị có biện pháp để hạn chế tình trạng này và có giải pháp xử lý căn cơ.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Thông tin tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta, thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật chủ yếu tập trung trên các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook, Youtube và gần đây là Tiktok. Hiện nay, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để quản lý các nội dung thông tin trên mạng, như sau:

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan:

- Bổ sung các phương án xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường mạng tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

- Quy định trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan quản lý để loại bỏ nội dung thông tin vi phạm theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

- Quy định về các hành vi đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội là những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 Luật Báo chí ngày 05/4/2016; Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP trong đó bổ sung các quy định về quảng cáo xuyên biên giới như: Bộ TT&TT là đầu mối quản lý các hoạt động quảng cáo trực tuyến trong đó có quảng cáo xuyên biên giới; Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải tuân thủ quy định về quảng cáo như doanh nghiệp trong nước; phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu; Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm; Bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo.

- Hiện nay, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp thông tin trên mạng xã hội trong nước và các mạng xã hội nước ngoài hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam.

- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí 2016 để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có các quy định cụ thể về việc quản lý thông tin trên môi trường mạng

2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức người dân để chủ động phòng tránh tin giả, tin sai sự thật, đồng thời áp dụng các quy tắc ứng xử phù hợp trên mạng:

- Tăng cường chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương tuyên truyền mạnh mẽ các chủ trương, chính sách, của Đảng, Chính phủ, Chính quyền địa phương nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

- Phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân, giúp người sử dụng có thể nhận biết và cảnh giác hơn với các thông tin giả mạo, sai sự thật.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch thông qua việc duy trì hiệu quả cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại định kỳ hằng tháng.

- Đặt hàng các cơ quan báo chí tuyên truyền đẩy mạnh phát triển văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và giám sát các nội dung thông tin trên môi trường mạng:

- Bộ TT&TT đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao theo hướng: (1) Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các địa phương chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính); trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở TT&TT phối hợp với Công an tỉnh, thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); (2) Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, thì các địa phương phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

- Bộ TT&TT vận hành “Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia” để chủ động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng và giám sát an toàn không gian mạng, chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả việc phát tán thông tin xấu, độc, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, lợi dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 35 các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai rà quét, đánh giá xu hướng về các luồng thông tin được dư luận quan tâm, thông tin xấu độc.

4. Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm:

Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước; thông tin độc hại với trẻ em; triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok...) tuân thủ pháp luật Việt Nam

5. Bộ TT&TT cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý tin giả tại tên miền www.tingia.gov.vn. Trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực, tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ, ngành về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu độc trên môi trường mạng.

Câu 3: Cử tri kiến nghị quản lý tốt hơn nữa công tác quảng cáo trên mạng Internet, truyền hình để tránh những nội dung, hình ảnh phản cảm không tốt ảnh hưởng đến trẻ em.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Để hạn chế tình trạng này Bộ TT&TT đã khẩn trương triển khai các giải pháp như sau:

- Bổ sung quy định pháp luật, chế tài xử lý để siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới:

Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới, trong đó bổ sung các quy định mới đáng chú ý như: (1) Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ TT&TT; (2) Các báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử, người quảng cáo có quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm; (3) Yêu cầu các báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử, đại lý quảng cáo trong nước không hợp tác quảng cáo với các trang tin/nền tảng quảng cáo không tuân thủ luật pháp Việt Nam.

- Thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo nhạy cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt trên 02 nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook và Google. Đối với trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

- Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn các quảng cáo vi phạm, nhất là các quảng cáo vi phạm pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Thực hiện phương án kỹ thuật chặn tên miền đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới có sai phạm nhưng không hợp tác ngăn chặn theo yêu cầu của Bộ TT&TT.

- Yêu cầu nhà phát hành quảng cáo trong nước (báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp) và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo xuyên biên giới; triển khai các biện pháp để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm; không hợp tác quảng cáo với các website/nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT (hiện nay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT đã công bố 25 website vi phạm pháp luật không được gắn quảng cáo).

- Tiến hành công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam có hợp tác kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới với các nền tảng nước ngoài Google, Facebook, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã kiểm tra đột xuất 02 doanh nghiệp quảng cáo và có kế hoạch tiếp tục kiểm tra 04 doanh nghiệp quảng cáo trong thời gian cuối năm 2022.

- Tổ chức làm việc 10 doanh nghiệp là các nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube và các doanh nghiệp quảng cáo của các nhãn hàng này. Dựa trên kết quả làm việc, xác minh, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính 03 doanh nghiệp quảng cáo với tổng số tiền 45 triệu đồng; nhắc nhở 06 doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT dự kiến tiếp tục đẩy mạnh các công tác sau đây:

- Tăng cường thực thi các quy định của Nghị định 70/2021/NĐ-CP; yêu cầu các đơn vị quảng cáo xuyên biên giới cung cấp giải pháp kỹ thuật để nhà phát hành quảng cáo trong nước chủ động gỡ bỏ thông tin vi phạm; phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các đơn vị có liên quan để rà soát và xử lý quảng cáo vi phạm.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an để rà soát, đánh giá, thẩm định các nội dung quảng cáo nhạy cảm, chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, gây ảnh hưởng không tốt với người xem, nhất là đối với lứa tuổi học sinh để có biện pháp xác định đối tượng quảng cáo và xử lý theo quy định.

- Nâng cao vai trò của các Sở TT&TT các địa phương trong việc rà soát, phát hiện và gửi yêu cầu gỡ bỏ các nội dung quảng cáo phản cảm trên môi trường mạng.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4848/BTTTT-VP năm 2022 về sử dụng sim số điện thoại phải được đăng ký chính chủ và xử lý thông tin sai sự thật trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 4848/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/09/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản