- 1Quyết định 73/2011/QĐ-TTg Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- 3Thông tư 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng do Quốc hội ban hành
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4716/BYT-VPB1 | Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai
Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri phản ánh, khoản 1 Điều 79 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định “Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có nguy cơ gây tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức lực lượng ứng cứu chuyên trách hoặc bán chuyên trách theo quy định và tổ chức huấn luyện sơ cứu, cấp cứu cho người lao động”. Hiện nay các công ty xăng dầu có địa bàn hoạt động rộng, lao động phân tán, nhỏ lẻ (mỗi cửa hàng xăng dầu chỉ có từ 3 đến 5 lao động), việc tổ chức lực lượng ứng cứu chuyên trách hoặc bán chuyên trách sẽ hoạt động không hiệu quả vì khoảng cách các đơn vị rất xa nhau. Cử tri đề nghị các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản hướng dẫn đối với công tác sơ cứu, cấp cứu tại các cơ sở kinh doanh hoạt động phân tán nhỏ lẻ.
Để đáp ứng nhu cầu bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, ngày 30/6/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động. Theo Điều 7 của Thông tư này, lực lượng sơ cứu, cấp cứu phải là người lao động được phân công sơ cứu, cấp cứu hoặc người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ trách sơ cứu, cấp cứu. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu theo quy định[1]. Mỗi ca làm việc hoặc nhóm làm việc lưu động phải có người chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu. Người lao động và lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại các cơ sở này cần được huấn luyện định kỳ hằng năm để trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động tại nơi làm việc.
Như vậy, để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu, người sử dụng lao động phải bố trí người lao động chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu theo quy định tại Điều 7, Thông tư 19/2016/TT-BYT và bảo đảm có người chịu trách nhiệm theo ca hoặc nhóm làm việc. Đồng thời, cần thực hiện huấn luyện định kỳ hàng năm cho người lao động và người tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu để đảm bảo an toàn lao động. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý an toàn, vệ sinh lao động mà còn đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.
2. Cử tri phản ánh hiện nay ngành Y tế và ngành Giáo dục đều là 2 ngành được xã hội tôn vinh là Thầy. Cường độ lao động của cán bộ y tế rất cao, môi trường làm việc độc hại, luôn phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc, hóa chất, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, nhiều áp lực làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của người lao động trong ngành Y tế. Tuy nhiên, lao động ngành Y hiện nay chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề như ngành giáo dục. Cử tri đề nghị trình Chính phủ xem xét ban hành chế độ hưởng phụ cấp thâm niên của ngành Y như đối với ngành Giáo dục.
Ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, tại điểm d, mục 3.1 về nội dung cải cách chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) đã nêu: “Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức) ”. Do vậy, khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không còn chế độ phụ cấp thâm niên nghề để đề xuất thực hiện đối với cán bộ, viên chức ngành y tế.
Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định phù hợp với tình hình thực tế và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
3. Cử tri phản ánh, hiện hay, mức phụ cấp trực của nhân viên y tế thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay, cụ thể: Nhân viên y tế tuyến xã trực ngày thường được hưởng: 18.750đ/ngày (trực 16/24h) và 25.000đ/ngày (trực 24/24). Mức lương cơ sở áp dụng khi xây dựng Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg là 830.000 đồng và từ 01/7/2023 là 1.800.000 đồng. Cử tri đề nghị trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 và điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ 01/7/2023, để đảm bảo đời sống cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; và Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2024.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| BỘ TRƯỞNG |
[1] - Dưới 100 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu;
- Cứ mỗi 100 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.
- 1Quyết định 73/2011/QĐ-TTg Quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- 3Thông tư 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng do Quốc hội ban hành
Công văn 4716/BYT-VPB1 năm 2024 về trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4716/BYT-VPB1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/08/2024
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực