Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 467/BTP-PLQT
V/v Xúc tiến đàm phán và ký kết Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 620/BTC-TCHQ ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Quý Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian (sau đây gọi là dự thảo Hiệp định), Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Sự cần thiết của việc ký kết Hiệp định

Bộ Tư pháp nhận thấy việc ký kết Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian là cần thiết nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác chính thức giữa Hải quan hai nước để tạo thuận lợi cho thương mại song phương.

2. Về tính hợp hiến và mức độ phù hợp của dự thảo Hiệp định với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan

Bộ Tư pháp nhận thấy, dự thảo Hiệp định không trái với Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan đến lĩnh vực hải quan như: Luật Hải quan năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Bên cạnh đó, nội dung của dự thảo Hiệp định phù hợp với Điều 1 (Các mục tiêu), Điều 2 (Các nguyên tắc) của Hiến chương ASEAN năm 2007 cũng như các cam kết của Việt Nam với WTO.

3. Về nội dung của dự thảo Hiệp định

Về cơ bản, Bộ Tư pháp nhất trí với các nội dung đã được nêu trong dự thảo Hiệp định. Tuy nhiên, để dự thảo Hiệp định hoàn thiện hơn đề nghị Quý Bộ cân nhắc thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ cân nhắc khái niệm “Pháp luật hải quan” tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Hiệp định để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật trong nước có liên quan.

Thứ hai, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ cân nhắc trao đổi với phía A-déc-bai-gian xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian.

Thứ ba, về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định, đề nghị Quý Bộ bổ sung thêm quy định về việc giữ nguyên hiệu lực của các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực hải quan giữa các bên đang triển khai khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực nhằm thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.

Thứ tư, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ rà soát tổng thể để đảm bảo tính logic, chặt chẽ của các điều khoản tại dự thảo Hiệp định, ví dụ như:

- Điều 4 có tiêu đề: “Các hình thức và hỗ trợ lẫn nhau”. Điều này chỉ quy định về việc trao đổi thông tin, trong khi việc hợp tác, hỗ trợ còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nữa như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật (quy định tại Điều 14 dự thảo Hiệp định).

- Điều 5 đến Điều 9 dự thảo Hiệp định quy định về các trường hợp cung cấp các loại thông tin khác nhau. Tuy nhiên, riêng Điều 7 dự thảo Hiệp định lại có tiêu đề chung là cung cấp thông tin. Bộ Tư pháp nhận thấy tên gọi của Điều 7 chưa thực sự hợp lý. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp.

Thứ năm, về mặt kỹ thuật, đề nghị Quý Bộ rà soát, chỉnh lý các lỗi kỹ thuật trong dự thảo Hiệp định.

4. Về thủ tục ký kết Hiệp định

Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian là điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ. Do đó, thủ tục ký kết Hiệp định này cần được Quý Bộ thực hiện theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (Điều 12, Điều 20, Điều 27).

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Hiệp định hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian, xin gửi để Quý Bộ tham khảo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc (để b/c);
-  Lưu VT, Vụ PLQT (N).

TL. BỘ TRƯỞNG
Q. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ




Bạch Quốc An