Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 461/TCT-CS | Hà Nội, ngày 9 tháng 2 năm 2011 |
Kính gửi: Cục thuế thành phố Hà Nội
Trả lời công văn số 15245/CT-HTr ngày 20/08/2010 của Cục thuế thành phố Hà Nội đề nghị hướng dẫn về việc xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Trường hợp 1:
Căn cứ Khoản 1.c Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định: "Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận thì còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau: 1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán trị giá hàng hoá, nguyên liệu đầu vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, được hoàn".
Theo hướng dẫn trên, trường hợp cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ không có tình tiết giảm nhẹ hoặc không chứng minh được lỗi vi phạm hoá đơn bất hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số tiền thuế gian lận. Nếu người nộp thuế có các tình tiết quy định tại khoản 2,3,4,5 Điều 14 thì cơ quan thuế căn cứ vào các tình tiết để xử phạt theo quy định.
2. Trường hợp 2:
Tại Khoản 1.e, 1.i, 1.n Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định: "e) Sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn đã hết hạn sử dụng, hoá đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và khai không đầy đủ số thuế phải nộp, nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 13 Nghị định này;
i) Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán khống giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế miễn, số tiền thuế giảm, số tiền thuế được hoàn;
n) Sử dụng hoá đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn".
Theo hướng dẫn trên, trường hợp cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có hành vi sử dụng hoá đơn giá, hoá đơn đã hết hạn sử dụng, hoá đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán khống giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào; sử dụng hoá đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn thì bị phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số tiền thuế gian lận.
3. Trường hợp 3:
Tại Điều 8 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định: "Xử phạt đối với hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế: Hành vi khai không đúng, không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 31 của Luật Quản lý thuế (trừ trường hợp người nộp thuế được khai bổ sung theo quy định) bị phát hiện sau thời hạn quy định nộp hồ sơ khai Tại điểm d Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định: Xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn:
"d) Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, nhưng khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hoá đơn bất hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định".
Tại điểm 2.1.4 công văn số 7333/BTC-TCT ngày 24/6/2008 của Bộ Tài chính gửi Cục thuế các địa phương hướng dẫn về xử lý cơ sở kinh doanh sử dụng hoá đơn bất hợp pháp: "Trường hợp Cơ Sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến thiếu thuế, gian lận thuế, trốn thuế thì cơ sở kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cụ thể:
- Trường hợp việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến thiếu thuế, gian lận thuế, trốn thuế nhưng chưa đủ căn cứ để yêu cầu cơ quan điều tra để xử lý hình sự thì đối với những trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trước ngày 1/7/2007 cơ quan thuế thực hiện xử phạt theo quy định tại Chương II Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; đối với trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp từ ngày 1/7/2007 cơ quan thuế thực hiện xử phạt theo quy định tại Mục III, Mục IV Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế và có đủ căn cứ để xử lý hình sự thì cơ quan thuế chuyển hồ sơ của cơ sở kinh doanh vi phạm cho cơ quan công an để thực hiện xử lý hình sự theo quy định".
Theo các quy định trên, Cục thuế thành phố Hà Nội căn cứ vào từng thời điểm xảy ra hành vi nêu trên để xử phạt đối với hành vi sử dụng hoá đơn chứng từ bất hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hoá dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, mà người mua có hồ sơ, tài liệu, chứng từ; hoá đơn chứng minh được lỗi vi phạm hoá đơn bất hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.
Đối với trường hợp cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có các hành vi sau: kê khai hoá đơn GTGT đầu vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu quá thời hạn quy định; phân bổ không đúng thuế GTGT của hàng hoá vừa phục vụ sản xuất kinh doanh chịu thuế và không chịu thuế GTGT; trên hoá đơn hàng hoá, dịch vụ mua vào không ghi đầy đủ các tiêu thức, sai mã số thuế, sai địa chỉ. Việc loại trừ thuế GTGT đầu vào của cơ quan thuế không làm phát sinh số thuế phải nộp (mà chỉ làm giảm số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và người nộp thuế chưa được hoàn thuế GTGT) thì người nộp thuế bị xử phạt về hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế theo quy định tại điểm Điều 8 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP nêu trên.
4. Trường hợp 4:
Cục thuế TP Hà Nội nêu ví dụ: tình huống phát sinh sau thanh tra, kiểm tra người nộp thuế như sau: thời kỳ kiểm tra quyết toán thuế từ năm 2007 đến năm 2009, thời gian kiểm tra, thanh tra tháng 6/2010, số thuế GTGT chuyển sang năm 2010 trước thanh tra, kiểm tra là 1 tỷ đồng, số thuế sau thanh tra, kiểm tra là 300 triệu đồng : Do số thuế GTGT còn được khấu trừ đầu kỳ năm 2010 theo số liệu kiểm tra là 300 triệu đồng nên sau khi điều chỉnh kê khai theo số kiểm tra thì đến tháng 3/2010 đơn vị phát sinh số thuế GTGT phải nộp (chẳng hạn 100 triệu)
Cục thuế TP Hà Nội đề suất: căn cứ tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định: "Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế chỉ bị xử phạt một lần" nên trường hợp này người nộp thuế chỉ phải nộp phạt nộp chậm kể từ thời điểm phát sinh số thuế GTGT phải nộp khi thực hiện hiện điều chỉnh.
Tuy nhiên, Cục thuế TP Hà Nội không nêu rõ đối với số tiền 300 triệu đồng là số liệu sau kiểm tra, thanh tra chuyển sang năm 2010 của người nộp thuế đã bị xử phạt chưa. Do đó, đề nghị Cục thuế TP Hà Nội căn cứ hướng dẫn trên và các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Trường hợp còn vướng mắc Cục thuế TP Hà Nội báo cáo cụ thể để Tổng cục Thuế có cơ sở trả lời được thống nhất và phù hợp.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế thành phố Hà Nội được biết và căn cứ vào từng hồ sơ cụ thể để hướng dẫn thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật thuế./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Luật quản lý thuế 2006
- 2Nghị định 98/2007/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế
- 3Thông tư 61/2007/TT-BTC hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về thuế do Bộ Tài Chính ban hành
- 4Nghị định 100/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
- 5Công văn số 7333/BTC-TCT về việc xử lý cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp do Bộ Tài chính ban hành
- 6Công văn 1373/TCT-CS về thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 461/TCT-CS về thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 461/TCT-CS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 09/02/2011
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Vũ Thị Mai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra