Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 4505/UB-TM
V/v tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh theo QĐ số 138/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 1987

 

Để tiếp tục thực hiện Quyết định 138/QĐ-UB ngày 16-9-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa kinh doanh thương nghiệp - dịch vụ. Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thêm về công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm Quyết định 138/QĐ-UB như sau :

1) Thời gian kiểm tra : Kể từ ngày Sở thương nghiệp thông báo tạm ngưng việc đăng ký kinh doanh theo Quyết định 138/QĐ-UB. Sở thương nghiệp cùng với các ngành của thành phố (Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh, Chi cục thuế, Ban tổ chức chính quyền thành phố) tiến hành ngay công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về đăng ký kinh doanh đối với các đơn vị.

2) Những hành vi sau đây là vi phạm Quyết định 138/QĐ-UB :

Các tổ chức kinh tế Nhà nước dù có hay không có chức năng, đến nay chưa khai trình đăng ký hoặc đã khai trình mà chưa được cấp giấy phép lại vẫn đang hoạt động kinh doanh thương nghiệp - dịch vụ.

- Các tổ chức kinh tế Nhà nước đã được cấp giấy phép nhưng hoạt động không đúng nội dung giấy phép.

3) Các hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm và quyền xử lý vi phạm :

a) Về hình thức xử lý :

Quyết định 138/QĐ-UB đã quy định các hình thức xử lý sau đây :

- Cảnh cáo trong nội bộ ngành.

- Phạt tiền hoặc tịch thu phương tiện kinh doanh và hàng hóa.

- Thu hồi giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn.

- Truy tố trước Tòa án.

Nay quy định rõ thêm mức xử lý và việc vận dụng các hình thức xử lý như sau :

- Cho đến ngày tiến hành kiểm tra, nếu đơn vị nào vi phạm 1 trong 2 điểm (đã nói ở phần hai) hoặc vi phạm cả 2 điểm sẽ bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo trong nội bộ ngành.

- Sau khi đã áp dụng hình thức cảnh cáo trong nội bộ ngành, nếu đơn vị vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức khác đã nêu trên.

- Về phạt tiền : sẽ áp dụng với 3 mức phạt : 20.000 đồng, 50.000 đồng và 100.000 đồng, căn cứ vào tính chất của hành vi vi phạm. Nếu đơn vị vi phạm sau khi đã bị xử lý với hình thức cành cáo vẫn tiếp tục vi phạm, nhưng không phải do cố ý mà do sơ suất thì áp dụng mức phạt thấp nhất là 20.000 đồng. Nếu cố ý vi phạm hoặc có thái độ chống đối công tác kiểm tra thì tùy theo mức độ sẽ áp dụng mức xử phạt đến 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng.

Đơn vị vi phạm không được đưa số tiền phạt vào phí hoặc giá thành sản phẩm mà phải trừ vào quỹ khen thưởng của đơn vị nếu là sai lầm của toàn đơn vị hoặc phải do cá nhân vi phạm nộp nếu là sai lầm do trách nhiệm cá nhân.

Toàn bộ số tiền phạt được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Về tịch thu hàng hóa và phương tiện, sẽ áp dụng trong các trường hợp :

- Đơn vị đã bị hình thức xử phạt cảnh cáo nhưng vẫn tiếp tục vi phạm với hành vi : không đăng ký kinh doanh, hoặc đã nhân được thông báo là không được cấp giấy phép kinh doanh nhưng vẫn cố ý duy trì hoạt động kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ.

- Toàn bộ số hàng hóa và phương tiện kinh doanh bị xử lý tịch thu sẽ được giao cho các đơn vị có chức năng kinh doanh các mặt hàng đó để đưa vào kinh doanh theo giá kinh doanh thương nghiệp trừ chiết khấu. Riêng phương tiện kinh doanh sẽ được tính theo trị giá tài sản cố định. Toàn bộ trị giá hàng hóa và phương tiện kinh doanh bị xử lý tịch thu đều nộp vào ngân sách Nhà nước.

Hình thức thu hồi giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn được áp dụng trong các trường hợp :

- Đơn vị đã được cấp giấy phép kinh doanh nhưng quá trình hoạt động nhiều lần có hành vi vi phạm đã bị xử lý với các hình thức : cảnh cáo, phạt tiền, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.

- Trường hợp đơn vị vi phạm bị xử lý với hình thức thu hồi vĩnh viễn giấy phép kinh doanh thì thủ trưởng các ngành hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ về phân cấp quản lý Ủy ban nhân dân thành phố phải ra quyết định giải thể đơn vị vi phạm.

Hình thức truy tố trước Tòa án : áp dụng theo bộ luật hình sự.

b) Về quyền hạn xử lý :

Để đảm bảo việc kiểm tra và xử lý kịp thời. Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở thương nghiệp và Trưởng phòng thương nghiệp quận huyện, được xử lý các hành vi vi phạm với mức độ như sau :

- Được xử lý với hình thức cảnh cáo.

- Trưởng Phòng thương nghiệp được xử lý phạt tiền đến 20.000 đồng.

- Giám đốc Sở thương nghiệp được xử lý phạt tiền đến 50.000 đồng hoặc xử lý với hình thức thu hồi giấy phép tạm thời.

- Các hình thức xử lý khác (tịch thu hàng hóa và phương tiện kinh doanh, thu hồi hẳn giấy phép hoặc truy tố trước Tòa án). Trưởng phòng thương nghiệp các quận, huyện và Giám đốc Sở thương nghiệp lập hồ sơ đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý.

Trong thời gian chờ xử lý, Trưởng phòng thương nghiệp quận huyện và Giám đốc Sở thương nghiệp có quyền yêu cầu các đơn vị phải tạm ngưng hoạt động.

- Trường hợp đơn vị vi phạm bị xử lý phạt tiền nếu đơn vị vi phạm cố tình không chịu nộp phạt, Giám đốc Sở Thương nghiệp hoặc Trưởng phòng thương nghiệp quận, huyện có quyền yêu cầu ngân hàng can thiệp bằng hình thức nhờ thu chấp nhận sau. Ngân hàng thành phố và các quận, huyện có trách nhiệm thực hiện ngay yêu cầu này.

- Giám đốc Sở Thương nghiệp và Trưởng phòng thương nghiệp quận huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về các quyết định xử lý của mình.

4) Biện pháp tổ chức thực hiện :

Công tác tổ chức kiểm tra việc chấp hành Quyết định 138/QĐ-UB là công tác thường xuyên của ngành thương nghiệp, trước mắt cần tiến hành một đợt tập trung với thời gian 2 tháng (tháng 11 và tháng 12-87) nhằm chấn chỉnh ngay những lệch lạc trong hoạt động kinh doanh của các đơn vị.

Sở thương nghiệp cần có kế hoạch triển khai cụ thể để có sự kết hợp chặt chẽ với các ngành, các quận, huyện tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra. Các đồng chí thủ trưởng các ngành của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện cần quán triệt rõ yêu cầu và nội dung kiểm tra đối với các đơn vị trong ngành và địa phương mình để công tác kiểm tra đạt kết quả tốt.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4505/UB-TM tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh theo Quyết định 138/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 4505/UB-TM
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/11/1987
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Khắc Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản