- 1Luật bảo hiểm y tế 2008
- 2Luật an toàn thực phẩm 2010
- 3Luật Quảng cáo 2012
- 4Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo
- 5Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế
- 6Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 7Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo
- 8Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020
- 9Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4481/BYT-VPB1 | Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Hiện nay, tình trạng thuốc chữa bệnh gia truyền, các thực phẩm chức năng, dược liệu, ... được quảng cáo, buôn bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa được cơ quan chức năng thẩm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đề nghị Bộ Y tế cần kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý những hành vi buôn bán, quảng cáo không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến dân; đồng thời, triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên.
Hiện nay, việc quảng cáo thực phẩm được quy định chặt chẽ tại Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để được xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định về quảng cáo thực phẩm như: quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện hoặc quảng cáo vượt tính năng, công dụng đã được phê duyệt. Trong thời gian qua, các trường hợp phát hiện vi phạm quảng cáo thực phẩm đều được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định và được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nội dung quảng cáo. Bộ Y tế đã thực hiện giám sát, kiểm tra, thu thập và chuyển các bằng chứng, đường dẫn chứa nội dung vi phạm sang Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử), Bộ Công Thương (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) để xử lý theo thẩm quyền. Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động bán hàng trên các trang thương mại điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo và buôn bán thuốc chữa bệnh gia truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Các biện pháp cụ thể mà Bộ Y tế đã triển khai bao gồm:
- Làm việc trực tiếp với Công ty Meta (trước đây là Facebook Inc) để thông báo các quy định pháp luật của Việt Nam về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và yêu cầu phối hợp xử lý các trang Facebook vi phạm.
- Tổ chức nhiều buổi làm việc với các cơ quan chức năng như: Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử và Thanh tra - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số - Bộ Công Thương; Cục Văn hóa Cơ sở và Thanh tra - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Cục An ninh mạng - Bộ Công an; Trung tâm Dịch vụ và Quảng cáo - Đài Truyền hình Việt Nam; Trung tâm Dịch vụ và Quảng cáo - Đài Tiếng Nói Việt Nam; Vụ Báo chí Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thành lập Tổ phản ứng nhanh để phối hợp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
- Ban hành một số Công văn gửi các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã ban hành Công văn số 734/ATTP-NĐTT ngày 08/4/2024 về việc tăng cường quản lý thông tin quảng cáo các sản phẩm thực phẩm gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên trang vfa.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn. Thường xuyên phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, cảnh báo về an toàn thực phẩm, khuyến cáo người tiêu dùng biết rằng: Không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào thay thế thuốc chữa bệnh; khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và dược điều trị kịp thời. Đề xuất đưa vào văn bản quy phạm pháp luật trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm; tạm dừng các thủ tục hành chính khi có sản phẩm của tổ chức, cá nhân có sản phẩm vi phạm; cho phép thu hồi các giấy chứng nhận liên quan khi vi phạm có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng thuộc phạm vi quản lý.
2. Cử tri kiến nghị cần xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế đối với vợ và con của thương binh, bệnh binh.
Bảo hiểm y tế thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế. Về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn, được tính toán dựa vào khả năng đóng góp của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế. Theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công và Luật bảo hiểm y tế, các đối tượng sau đây được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Đối với vợ và con của thương binh, bệnh binh nếu không thuộc các đối tượng nêu trên có thể tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng (người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng người thứ nhất) nếu các thành viên hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Bên cạnh đó, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế và không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 4480/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 4482/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 4479/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
Công văn 4481/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4481/BYT-VPB1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 02/08/2024
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực