Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4408/BGTVT-KHĐT
V/v Triển khai đầu tư một số dự án kết nối với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2016

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2242/VPCP-QHQT ngày 04/4/2016 về giải quyết kiến nghị của Tỉnh ủy Lạng Sơn tại văn bản số 30-BC/TU ngày 4/4/2016 về kết quả chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT có ý kiến về nội dung liên quan như sau:

1. Về tiến độ dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn:

Tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn, dài 63,5km, quy mô 4 làn cao tốc, tốc độ 100km/h, nền đường rộng 25m, tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng đang được Bộ GTVT triển khai thực hiện đầu tư dự án theo hình thức BOT (kết hợp thảm tăng cường mặt đường QL.1 đoạn Km1-Km108). Dự án khởi công tháng 7/2015, hoàn thành năm 2017, hiện đang thi công thảm mặt đường trên QL.1.

Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của tỉnh Lạng Sơn và đang chỉ đạo Nhà đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn nói riêng, khu vực phía Đông Bắc nói chung.

Để đẩy nhanh tiến độ, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn thành xây dựng khu tái định cư và hỗ trợ, phối hợp với Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.

2. Về chủ trương triển khai đường sắt đoạn Hà Nội - Lạng Sơn:

Tuyến đường sắt mới kết nối Hà Nội - Lạng Sơn (Đồng Đăng) đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ), chiều dài Khoảng 156km, khổ 1435mm điện khí hóa và dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2030 và sau năm 2030 tùy theo khả năng huy động nguồn lực.

Trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn vốn để sớm đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Trường hợp có Nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện nay, kết nối Hà Nội - Lạng Sơn bằng đường sắt có tuyến Hà Nội - Lạng Sơn hiện hữu, khổ 1000mm và 1435mm (đường lồng), đã được đầu tư nâng cấp vào cấp kỹ thuật bằng nguồn vốn tín dụng, hoàn thành năm 2012, đảm bảo tốc độ chạy tàu trung bình trên tuyến Khoảng 50km/h, nên trước mắt có thể tiếp tục khai thác ổn định.

3. Nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu

Bộ GTVT thống nhất cần thiết đầu tư nâng cấp các tuyến đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn, tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực.

Hệ thống các tuyến đường ra cửa khẩu, đường tuần tra biên giới do UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng quản lý, đầu tư, vì vậy đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chủ động cân đối bố trí vốn và làm việc với Bộ Quốc phòng để sớm triển khai đầu tư hoàn thành hệ thống các tuyến đường này.

Trường hợp do nguồn vốn ngân sách địa phương khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ, Bộ GTVT sẽ có văn bản ủng hộ đề nghị của tỉnh Lạng Sơn khi nhận được yêu cầu.

Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Tỉnh ủy Lạng Sơn;
- Sở GTVT Lạng Sơn;
- Lưu VT, KHĐT (03 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4408/BGTVT-KHĐT năm 2016 triển khai đầu tư dự án kết nối với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 4408/BGTVT-KHĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/04/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Hồng Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản