Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4371/LĐTBXH-TTr
V/v hướng dẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2019

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động (sau đây gọi tắt là Nghị định 24/2018/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018. Trong đó, các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo căn cứ Luật Tố cáo năm 2011. Cụ thể, tại Điều 39 quy định: “Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội” trên cơ sở quy định tại Điều 31 Luật Tố cáo năm 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác ”.

Tuy nhiên, Luật Tố cáo năm 2018 đã được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2019 thay thế Luật Tố cáo năm 2011, trong đó, Khoản 1 Điều 41 quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết”.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 4 Điều 154 và Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”, “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, quy định tại Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Để đảm bảo việc giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động đúng quy định của pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động căn cứ theo Khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo năm 2018.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc xin gửi ý kiến về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Thanh tra) để được hướng dẫn, giải đáp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, TTr.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4371/LĐTBXH-TTr năm 2019 về hướng dẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo trong lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 4371/LĐTBXH-TTr
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/10/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản