Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4367/UBND-KGVX
V/v tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2023

 

 

Kính gửi:

- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện, thị xã.

Thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024; Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 06/12/2023 của Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn Thành phố; Văn bản số 700-CV/BCSĐ ngày 12/12/2023 của Ban Cán sự Đảng Thành phố về việc triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, đảm bảo việc tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đúng quy định; phát huy giá trị, ý nghĩa của lễ hội, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:

1.1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 12/01/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố.

1.2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích, của lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.

1.3. Các cấp ủy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò quản lý nhà nước, hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn, tăng cường sự phối hợp trong quản lý hoạt động lễ hội đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng quy định, các hoạt động lễ hội diễn ra đảm bảo trang trọng, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Quản lý tốt tiền công đức theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

1.4. Quán triệt, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và Thành phố về quản lý, tổ chức lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị.

2. Giao các Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

2.1. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024; hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động lễ hội theo thẩm quyền, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các biện pháp chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, gây chia rẽ mất đoàn kết, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; các hành vi mê tín, dị đoan.

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các địa phương tiếp tục đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác tổ chức lễ hội.

2.2. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tổ chức lễ hội. Tuyên truyền, giới thiệu giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội. Phản ảnh, biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội.

2.3. Sở Du lịch

Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã có di tích là điểm đến du lịch nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, văn minh du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế tham dự lễ hội năm 2024; tuyên truyền về giá trị di tích, lễ hội; về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, đảm bảo các điều kiện về công tác lưu trú, nâng cao chất lượng dịch vụ, cam kết không tăng giá dịch vụ trong thời gian diễn ra hoạt động tại một số lễ hội lớn, tiêu biểu của Thành phố.

2.4. Công an thành phố Hà Nội

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn chính quyền địa phương, các Ban quản lý di tích, lễ hội, nắm chắc tình hình, xây dựng phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng phương án phòng chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; giải pháp phòng chống thảm họa, thiên tai và các tình huống phát sinh xảy ra tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội. Có phương án thu gom, kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, đeo bám gây bức xúc, phản cảm cho du khách.

2.5. Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các điểm, vị trí, điểm nút giao thông gây mất an toàn giao thông và có biện khắc phục; bố trí người trực tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Tăng cường quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội, đặc biệt là các lễ hội có hoạt động trên sông nước; kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động các bến, bãi trái phép, phương tiện, thiết bị không bảo đảm tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn, chở quá số người cho phép, không mặc áo phao theo quy định.

2.6. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát công tác cấp cứu, sơ cứu người bị nạn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích, lễ hội; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2.7. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích; tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng môi trường, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn Thành phố; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật và Thành phố.

2.8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động, thu dung đảm bảo tại khu vực lễ hội, di tích không có các đối tượng xin ăn, xin tiền, lang thang cơ nhỡ đeo bám du khách.

2.9. Các Sở: Tài chính, Công Thương

Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn việc niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận về giá, phí dịch vụ, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

2.10. Sở Nội vụ

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố quán triệt tổ chức thực hiện tốt quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh các hoạt động biến tướng lợi dụng tâm linh, tôn giáo để trục lợi.

3. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội

3.1. Ban Tuyên giáo Thành ủy

Chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và du khách khi tham gia lễ hội, phát hiện những hạn chế, biểu hiện không đúng, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; kịp thời cổ vũ, biểu dương các địa phương, cơ sở, cá nhân thực hiện tốt, nhắc nhở những nơi thực hiện chưa tốt, vi phạm các quy định pháp luật và chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

3.2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội

Phối hợp, chỉ đạo tổ chức thành viên các cấp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các quy định về quản lý lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường vai trò của cơ quan, tổ chức giám sát, phản biện xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện, chủ động phối hợp đảm bảo lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bí thư Thành ủy;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các cơ quan báo, đài thuộc Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP ; Các phòng chuyên môn, Trung tâm TTĐT Thành phố ;
- Lưu: VT, KGVX Dg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thu Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4367/UBND-KGVX năm 2023 tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024

  • Số hiệu: 4367/UBND-KGVX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/12/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản