Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4363/TCHQ-PC
V/v xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2012

 

Kính gửi:

- Ban Cải cách hiện đại hóa;
- Cục Giám sát quản lý;
- Cục Thuế xuất nhập khẩu;
- Ban Quản lý rủi ro;
- Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

 

Tiếp theo công văn số 3935/TCHQ-PC ngày 31/7/2012 của Tổng cục Hải quan về việc tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2012. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại công văn số 1718/PTN-HVĐT của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 06/8/2012 gửi Lãnh đạo Bộ Tài chính về việc chuẩn bị cho các Hội nghị đối thoại về Thuế, Hải quan và công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó có nêu phản ánh kiến nghị của các doanh nghiệp về lĩnh vực hải quan.

Để có cơ sở giải trình Bộ Tài chính về những phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp phục vụ Hội nghị đối thoại, Tổng cục yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

1. Rà soát, tổng hợp những phản ánh của doanh nghiệp đối với nội dung liên quan đến phạm vi quản lý theo dõi của đơn vị (theo Phụ lục đính kèm); những vướng mắc, kiến nghị của tổ chức cá nhân mới phát sinh; báo cáo giải trình, đề xuất nội dung, thời gian, biện pháp giải quyết đối với những phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp.

2. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố quán triệt đơn vị thuộc, trực thuộc Cục và cán bộ công chức của đơn vị, giải quyết thủ tục hải quan nhanh chóng; khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp phải bảo đảm có văn hóa, tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả cao; thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền về chính sách pháp luật cho cán bộ, công chức trong đơn vị cũng như hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp; mọi phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp phải được tiếp thu giải quyết triệt để tại đơn vị, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay cấp trên để giải quyết kịp thời.

3. Thực hiện báo cáo:

Ban Cải cách hiện đại hóa, Cục Giám sát quản lý, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Ban Quản lý rủi ro, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh gửi báo cáo kết quả nội dung 1 công văn này về Tổng cục Hải quan trước ngày 25/8/2012 (qua Vụ Pháp chế). Báo cáo gửi kèm bản word vào địa chỉ hộp thư: vupc@customs.gov.vn

Đề nghị các đơn vị nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT. Nguyễn Ngọc Túc (thay b/c);
- Các PTCT (để theo dõi, chỉ đạo);
- Lưu: VT, PC (02b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo công văn số 4363/TCHQ-PC ngày 20/8/2012 của Tổng cục Hải quan)

1. Nội dung liên quan đến Ban Cải cách hiện đại hóa:

1.1. Phản ánh của doanh nghiệp:

- Phần mềm khai hải quan điện tử còn bất cập nên doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi tiếp cận. Hệ thống phần mềm cho hải quan điện tử không ổn định.

- Doanh nghiệp khai điện tử, vừa phải khai đầy đủ trên hệ thống, vừa phải xuất trình hồ sơ giấy.

Doanh nghiệp khai điện tử, hệ thống lỗi phải liên hệ với nhiều nơi mới xử lý được, làm chậm quá trình thông quan.

Làm thủ tục hải quan điện tử còn gặp vướng mắc do việc truyền số liệu, cập nhật dữ liệu, đối chiếu giữa máy của Hải quan và doanh nghiệp để xử lý phạt. Chứng từ giấy đối với các lô hàng luồng xanh, luồng đỏ còn nhiều.

- Trong quá trình khai báo hải quan điện tử, đôi khi phản hồi từ Hải quan còn chậm nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ xuất, nhập khẩu hàng hóa.

- Tài khoản hàng nhập kinh doanh: có tờ khai trị giá khi khai qua mạng từ xa không khớp với giao diện nào cả.

1.2. Kiến nghị của doanh nghiệp:

- Nâng cấp phần mềm hải quan điện tử.

- Nâng cấp đường truyền dữ liệu để giảm tối thiểu hiện tượng lỗi mạng trong quá trình khai báo hải quan điện tử.

- Khi doanh nghiệp mở tờ khai điện tử gửi Hải quan, đề nghị bộ phận tiếp nhận cố gắng phản hồi sớm để doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ thủ tục và lấy hàng.

- Cần khắc phục và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu thực tế, hệ thống mạng cần ổn định để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.

- Cần có bộ phận giải quyết các sự cố về phần mềm, lỗi mạng cho doanh nghiệp.

- Trong quá trình khai hải quan điện tử, đôi khi bị gián đoạn do đường truyền hoặc máy móc gặp sự cố. Đề nghị trang bị thêm hệ thống dự phòng.

- Hiện nay các doanh nghiệp đã được khai báo qua mạng điện tử nhưng vẫn chưa được thông quan qua mạng điện tử.

- Ứng dụng tối đa tính năng của công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin, liên lạc với doanh nghiệp. Sửa biểu mẫu tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu cho phù hợp khai báo điện tử. Rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai điện tử qua mạng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế.

- Đề nghị Hải quan đẩy nhanh thời gian phân luồng để việc xuất nhập được nhanh chóng.

- Cần cải tiến công tác truyền dữ liệu khai báo hải quan điện tử, công tác tiếp nhận và phản hồi của cán bộ Hải quan.

2. Nội dung liên quan đến Cục Giám sát quản lý:

2.1. Phản ánh của doanh nghiệp:

- Hồ sơ xuất hàng sản xuất xuất khẩu quá rườm rà.

- Thủ tục chuyển cửa khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu.

- Mặc dù đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử nhưng có thủ tục thông quan và kiểm tra hàng hóa trước lúc thông quan vẫn còn nhiều bất cập và tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp cũng như cho cán bộ Hải quan.

- Đối với mặt hàng hộp đầu nối cáp, doanh nghiệp nói riêng và doanh nghiệp khác trong tập đoàn nói chung đã thực hiện nhập khẩu nhiều lần qua các cửa khẩu tuy nhiên khi thực hiện nhập khẩu tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, mặt hàng này được Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất đề nghị giám định bởi cơ quan chuyên ngành.

- Vừa qua Hải quan có thay đổi bản mẫu tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu nhưng tờ khai này rất phức tạp, có một số thông tin khó khăn cho việc kê khai (đã tạm dừng biểu mẫu này cho đến 01/01/2013).

- Các Thông tư hướng dẫn về khai báo, thủ tục hồ sơ hải quan không rõ ràng, khó hiểu khi áp dụng, ngay cả cán bộ Hải quan cũng không nắm vững để hướng dẫn cụ thể.

- Việc xuất khẩu hàng hóa qua địa điểm thu gom hàng hóa tập trung (CFS) và vận đơn xuất khẩu là chứng từ (Forwarder cargo receipc) của đại lý giao nhận xác nhận đã nhận hàng hóa để xếp lên phương tiện vận tải xuất khẩu. Tuy nhiên, theo quy định của Hải quan (Thông tư 194/2010/TT-BTC) cơ sở xác định hàng thực xuất khẩu là vận đơn đã xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất. Vướng mắc này đã ảnh hưởng đến thanh khoản hồ sơ phát sinh nợ thuế quá hạn. Đề nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ giải quyết.

2.2. Kiến nghị của doanh nghiệp:

- Thủ tục thông quan và kiểm tra hàng hóa trước lúc thông quan cần đơn giản hơn, tránh lãng phí nhiều thời gian của doanh nghiệp cũng như của cán bộ Hải quan.

- Hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa trong công tác xuất nhập khẩu, nhất là hàng gia công đơn giản (không có thuế), cải cách về mặt công nghệ thông tin sử dụng trong quá trình làm thủ tục hải quan hơn nữa.

3. Nội dung liên quan đến Cục Thuế xuất nhập khẩu:

3.1. Phản ánh của doanh nghiệp:

- Các vướng mắc liên quan đến thủ tục hoàn thuế.

- Mạng Hải quan về phần nợ thuế của doanh nghiệp chưa tốt, doanh nghiệp đã nộp số thuế đó trên mạng hải quan đã gở bỏ, hôm sau kiểm tra lại thấy hiện lên doanh nphiệp vẫn nợ thuế, gây khó cho doanh nghiệp; việc chậm nộp thuế GTGT nhập khẩu, thuế nhập khẩu hải quan cập nhật chậm trên mạng, quan liêu, phức tạp.

- Doanh nghiệp nộp thuế chuyển khoản do doanh nghiệp hoặc ngân hàng chuyển tiền sai sót rất khó điều chỉnh và ngân hàng nhà nước (ngân hàng nhận tiền), Kho bạc, Hải quan không chịu phối hợp điều chỉnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lập tờ khai nhận hàng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã nộp thuế nhưng do sai sót, Hải quan chưa nhận hoặc chậm nhận được báo có của ngân hàng. Giảm bớt thủ tục và tạo thông thoáng cho doanh nghiệp mở tờ khai, bớt các chi phí thủ tục.

- Doanh nghiệp bán hàng xuất khẩu giá CIF nhưng khi kê khai trên tài khoản hải quan, nhân viên Hải quan lại yêu cầu đơn giá trên tài khoản hải quan lại khai giá FOB.

- Việc phân loại hàng hóa theo Quyết định 12551/BTC-TCHQ còn nhiều khó khăn. Phản hồi Online còn chậm, chưa rõ ràng.

- Thuế Giá trị gia tăng hàng tạm nhập tái xuất mặt hàng cá tra đông lạnh.

- Thủ tục hoàn thuế, khấu trừ thuế còn phức tạp đòi hỏi phải có chứng từ gốc trong khi đã có hải quan điện tử rồi.

- Lệ phí hải quan (20.000đ/Tờ khai) đề nghị cho nộp bằng tiền mặt, yêu cầu nộp bằng giấy nộp tiền riêng cho từng tờ khai, mất rất nhiều thời gian và phí giao dịch ngân hàng.

Khó khăn về nộp lệ phí tờ khai hải quan phải chuyển khoản số tiền lệ phí hải quan gây khó khăn cho doanh nghiệp phải chuyển khoản.

3.2. Kiến nghị của doanh nghiệp:

- Hàng xuất của doanh nghiệp bị trả lại không nên tính thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho doanh nghiệp.

- Khi doanh nghiệp mở các tài khoản có phát sinh thuế, doanh nghiệp mong muốn nhận được thông báo thuế để kiểm toán tiến hành nộp thuế đúng hạn, tránh bị quá hạn, dẫn đến phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp mở tài khoản bị chậm.

- Đề nghị cơ quan Hải quan xem lại hệ thống cập nhật thuế doanh nghiệp đã nộp cho các tờ khai nhập khẩu để tránh tình trạng phạt chậm nộp cho tờ khai khi doanh nghiệp đã hoàn tất việc nộp thuế đúng hạn.

- Các biểu thuế xuất nhập khẩu và văn bản sửa đổi, bổ sung cần up - date công khai trên trang web của cơ quan Hải quan, các công văn văn bản trả lời vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cũng cần công khai trên trang web để các doanh nghiệp khác có vướng mắc giống như vậy dễ dàng có biện pháp xử lý.

- Đề nghị Hải quan khi áp mã số thuế cần lưu ý tới nhóm mặt hàng trên (Máy biến áp môi lỏng) tùy theo công suất sử dụng không quá 1KVA, khác hẳn với công suất sử dụng dưới 5KVA mà các thiết bị này Việt Nam hiện chưa sản xuất được, ứng dụng triển khai chữ ký điện tử để giảm tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

- Thay đổi về nộp lệ phí tờ khai hải quan cho dán tem theo trước đây sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp.

- Thanh khoản các hợp đồng gia công và sản xuất xuất khẩu có biện pháp xử lý số liệu cho chính xác giữa mã hải quan với mã của doanh nghiệp khi truyền dữ liệu.

4. Nội dung liên quan đến Vụ Pháp chế:

4.1. Phản ánh của doanh nghiệp:

Cách tính phạt vi phạm hành chính đối với việc nộp hồ sơ hoàn thuế chậm như hiện nay khiến doanh nghiệp bị phạt khá lớn. Đề nghị tính phạt như trước đây.

4.2. Kiến nghị của doanh nghiệp:

- Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và Hải quan trong quá trình thực hiện chính sách thuế định kỳ 1 năm đến 2 lần.

- Luật Hải quan khi được sửa đổi, bổ sung cũng nên thường xuyên được cập nhật cho doanh nghiệp.

- Thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin văn bản hải quan có liên quan đến thủ tục khai báo hải quan, hoàn thiện chứng từ hải quan và khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

- Các chính sách cụ thể, sát với thực tế của doanh nghiệp về Thuế, Hải quan.

5. Nội dung liên quan đến Ban Quản lý rủi ro:

Phân loại doanh nghiệp để quản lý rủi ro, đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa, giảm bớt giấy tờ bằng việc thông quan điện tử.

6. Nội dung liên quan đến các Cục Hải quan địa phương

6.1. Phản ánh của doanh nghiệp:

- Bộ phận hải quan giám sát tại Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) lâu trả lời tờ khai hải quan cho doanh nghiệp sau khi hàng đã được thực xuất.

- Đối với mặt hàng hộp đầu nối cáp, doanh nghiệp nói riêng và doanh nghiệp khác trong tập đoàn nói chung đã thực hiện nhập khẩu nhiều lần qua các cửa khẩu tuy nhiên khi thực hiện nhập khẩu tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, mặt hàng này được Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất đề nghị giám định bởi cơ quan chuyên ngành.

- Về biểu mẫu thay đổi quá nhiều, doanh nghiệp khó cập nhật và thay đổi kịp. Cán bộ Hải quan cần nắm rõ các văn bản và chính sách để hướng dẫn cho doanh nghiệp một cách chính xác nhanh chóng, tránh làm đi, làm lại do không hiểu về văn bản pháp quy.

- Cán bộ Hải quan không đồng nhất trong cách mở tờ khai hải quan, dẫn đến việc khó có quy định thống nhất đối với doanh nghiệp.

- Cách xử lý của Hải quan quá phức tạp, rườm rà, không dứt khoát khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.

6.2. Kiến nghị của doanh nghiệp:

- Thụ lý và giải quyết hồ sơ phải nhanh chóng hơn.

- Cán bộ Hải quan cần hướng dẫn doanh nghiệp với thái độ nhiệt tình hơn, nhanh chóng và đồng nhất quan điểm.

- Thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin văn bản hải quan có liên quan đến thủ tục khai báo hải quan, hoàn thiện chứng từ hải quan và khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

- Cần tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để triển khai các quy định mới cũng như phổ biến các văn bản, Nghị định vừa được ban hành để doanh nghiệp cập nhật kịp thời và áp dụng đúng.

- Giải quyết các thủ tục theo tình hình thực tế của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết phải tính đến tính cấp bách của tiến độ sản xuất - giao hàng cho khách hàng.

- Khi phát sinh, điều chỉnh chính sách, quy trình thủ tục cần phải thông báo trực tiếp cho doanh nghiệp bằng văn bản.

- Cán bộ Hải quan tránh quan liêu và hỗ trợ các doanh nghiệp tốt trong công tác, phối hợp các bộ phận có liên quan để giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nên giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện nhập khẩu: đồng thời hướng dẫn cho doanh nghiệp các thay đổi trong chính sách hải quan.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4363/TCHQ-PC xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 4363/TCHQ-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/08/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Hoàng Việt Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản