Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4301/BNV-ĐT
V/v hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022

Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ tình hình, kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với hoạt động quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng

a) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là địa phương).

b) Chủ động cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho địa phương. Xây dựng, ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.

c) Chủ động biên soạn, quản lý các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền. Tập trung biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm. Nội dung chương trình, tài liệu phải bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tăng cường tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế.

d) Quản lý cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên theo thẩm quyền. Thực hiện đúng các quy định hiện hành và giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ thuộc thẩm quyền quản lý cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu có đủ điều kiện theo quy định.

đ) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền.

2. Tổ chức thực hiện

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tại chỗ, kết hợp tăng cường trí thức trẻ trong phát triển bền vững khu vực biên giới đất liền” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (nếu trong phạm vi Đề án).

b) Tổ chức bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

c) Thí điểm bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa. Trên cơ sở các quy định về tổ chức bồi dưỡng theo loại hình tập trung, tiến hành bổ sung các quy trình, thủ tục và lựa chọn mô hình triển khai phù hợp với yêu cầu, điều kiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đối với loại hình từ xa thực hiện theo Thông tư số 36/2018/TT- BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp xử lý, gửi về Bộ Nội vụ.

d) Tổ chức thực hiện các các văn bản, quyết định: Quyết định số 163/QĐ- TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức”; Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi;…

3. Về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng

1. Bảo đảm kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022.

2. Xây dựng kế hoạch và cân đối bố trí ngân sách địa phương để thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã (theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung theo yêu cầu của Quốc hội đối với triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

3. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Trương Hải Long;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, ĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Hải Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4301/BNV-ĐT năm 2021 về hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 4301/BNV-ĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/09/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Trương Hải Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản