Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ
DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4270/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 với nội dung kiến nghị như sau:

Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

- Tại khoản 22 và khoản 23, đề nghị quy định giải thích rõ hoạt động “sửa chữa thường xuyên”, “tôn tạo” được thực hiện đối với di tích và danh lam thắng cảnh, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thống nhất với khoản 24 Điều này quy định hoạt động tu bổ (trong đó có tôn tạo) áp dụng đối với cả di tích và danh lam thắng cảnh.

- Tại khoản 25, quy định: “Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động sửa chữa mà không phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc hoặc là hoạt động chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời để ngăn chặn di tích, di tích thuộc danh mục kiểm kê di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại”. Thực tế, nếu tu sửa di tích mà “không phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc hoặc là hoạt động chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời” thì không đúng với tính chất tu sửa cấp thiết. Do đó, đề nghị sửa thành: “Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động sửa chữa mang tính cấp bách nhằm ngăn ngừa di tích thuộc danh mục kiểm kê di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại”.

- Đề nghị bổ sung giải thích các khái niệm: “Đối tượng kiểm kê di tích”, “địa điểm khảo cổ”, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

2. Về sở hữu di sản văn hóa (Điều 4)

Cần quy định rõ hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung về di sản văn hóa và quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Đồng thời quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với di sản văn hóa phát sinh giữa cá nhân, tổ chức nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng, người dân đối với di sản văn hóa.

3. Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (Điều 9)

Công ước 2003 của UNESCO phân loại di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực, bao gồm: Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, tại Điều 9 dự thảo Luật chia di sản văn hóa phi vật thể thành 6 loại hình/lĩnh vực, trong đó tách lễ hội truyền thống thành mục riêng. Đề nghị cân nhắc quy định phân loại này vì lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng.

4. Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể (Điều 13)

Tại điểm d, khoản 1 quy định: “Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết”. Đề nghị quy định rõ mức được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng là bao nhiêu; đồng thời quy định chỉ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, chi phí mai táng khi chết đối với những người không hưởng lương hưu (hoặc đã được hưởng chính sách khác).

Hiện nay, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 98/2022/NQ- NĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025, trong đó quy định hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Ưu tú, 1.500.000 đồng/người/tháng đối với Nghệ nhân Nhân dân; ngoài ra tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, chi phí mai táng khi chết đối với đối tượng này. Vì vậy, đề nghị Luật cần quy định để ngoài chính sách chung thì tỉnh có thể ban hành chính sách riêng, tạo điều kiện cho các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú hoạt động, cống hiến.

5. Về cấp độ, tiêu chí xếp hạng và hình thức xếp hạng di tích (Điều 23)

Tại điểm b, khoản 3, đề nghị bổ sung nội dung quản lý đối với trường hợp di tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh trở lên hoặc 2 tỉnh cùng xếp hạng.

6. Về dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 27)

Cần quy định đẩy mạnh việc phân cấp, giảm bớt các thủ tục hành chính theo hướng chỉ nên quy định việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ 1, trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn khu vực bảo vệ 2 nên giao cho UBND tỉnh xem xét, quyết định và không phải xin ý kiến.

7. Về dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích (Điều 28)

Đề nghị xem xét bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng tới di tích để làm cơ sở thẩm định, đánh giá tác động các công trình xây dựng, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

8. Về tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng (Điều 35)

Tại khoản 1 đề nghị thay cụm từ “phòng, chống các dấu hiệu từ nấm mốc, mối mọt, côn trùng, sinh vật gây hại” bằng cụm từ “các tác nhân gây hại đến di tích” thành:“Bảo quản định kỳ di tích là hoạt động kiểm tra, phát hiện, vệ sinh cơ học, các tác nhân gây hại đến di tích cấu kiện, thành phần kiến trúc, hiện vật, cảnh quan văn hóa của di tích nhằm bảo vệ di tích trước khi phải thực hiện tu sửa cấp thiết, sửa chữa thường xuyên di tích” vì ngoài nấm mốc, mối mọt, côn trùng, sinh vật gây hại đến di tích còn có các tác nhân khác.

9. Về giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật (Điều 39)

- Tại khoản 3 quy định: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo tàng công lập được thực hiện giám định di vật, cổ vật khi đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 2 Điều này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định”. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 6 quy định: “Di vật, cổ vật phải được giám định tại cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều này hoặc cơ sở kinh doanh giám định di vật, cổ vật quy định tại Điều 77 Luật này trước khi đăng ký”.

Như vậy, theo điểm b, khoản 6, ngoài hai chủ thể là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh còn quy định thêm “các cơ sở kinh doanh” cũng có thể thực hiện việc giám định nếu đáp ứng đủ điều kiện. Đề nghị sửa lại đảm bảo thống nhất.

- Đề nghị rà soát phạm vi hoạt động giám định di vật, cổ vật, đảm bảo thống nhất với Luật Giám định tư pháp năm 2012 về điều kiện tổ chức thực hiện giám định, chủ thể thực hiện giám định (cá nhân, tổ chức), chủ thể có thẩm quyền công nhận cá nhân giám định ...

10. Về tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng (Điều 68)

Tại điểm c, khoản 2 quy định: “Số lượng khách tham quan bảo tàng hàng năm có từ 50.000 lượt người trở lên (đối với bảo tàng có thu phí tham quan) hoặc có từ 100.000 lượt người trở lên (đối với bảo tàng không thu phí tham quan)” đối với bảo tàng hạng II; điểm c, khoản 3 quy định: “Số lượng khách tham quan bảo tàng hàng năm có từ 25.000 lượt người trở lên (đối với bảo tàng có thu phí tham quan) hoặc trên 50.000 lượt người trở lên (đối với bảo tàng không thu phí tham quan)” đối với Bảo tàng hạng III. Quy định tiêu chuẩn xếp hạng như vậy là quá cao, không phù hợp với thực tế. Đề nghị xem xét giảm tiêu chuẩn.

11. Về kinh doanh di vật, cổ vật (Điều 78)

Tại điểm b, khoản 4 quy định một trong các điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật đối với cá nhân đó là “Có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật”. Việc quy định điều kiện “am hiểu về di vật, cổ vật” còn mang tính định tính, dẫn đến khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật cho cá nhân. Đề nghị quy định đảm bảo thuận lợi, thống nhất và khả thi.

12. Về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85)

Việc số hóa di sản, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong lĩnh vực di sản văn hóa được Luật Di sản văn hóa bổ sung là vấn đề cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, đây là nội dung mới cần cập nhật được những vấn đề về quản lý, hoạt động, bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ,… Đề nghị quy định rõ để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo nền tảng công nghệ kỹ thuật số.

13. Về quỹ bảo tồn di sản văn hóa (Điều 90)

Tại khoản 1 quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách…” và tại khoản 3 quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại”.

Tuy nhiên Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do đó, đề nghị rà soát, làm rõ cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan.

14. Ngoài ra, đề nghị bổ sung một điều về các di sản, các danh nhân đã được UNESCO vinh danh và các di sản được UNESCO ghi danh, đồng thời có những chính sách đặc thù đối với các di sản, danh nhân này.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1) Về kiến nghị liên quan đến việc giải thích từ ngữ tại Điều 3 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

- Giải thích rõ hoạt động “sửa chữa thường xuyên”, “tôn tạo” tại khoản 22 và khoản 23 được thực hiện đối với di tích và danh lam thắng cảnh

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu, làm rõ các loại công trình sửa chữa, cải tạo tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 28 của Dự thảo Luật (sửa đổi); đồng thời, bổ sung, làm rõ trường hợp sửa chữa nhỏ di tích tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 36 và giao thẩm quyền cho người được giao quản lý, sử dụng di tích; chỉnh lý điểm a, điểm c khoản 1 Điều 29 “...trừ trường hợp sửa chữa nhỏ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 36 của Luật này”. Bên cạnh đó, đã phân cấp thẩm quyền quy định rõ việc thực hiện bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ cho người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích tại khoản 1 Điều 36 và tu sửa cấp thiết di tích do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh tại khoản 2 Điều 36 của Dự thảo Luật (sửa đổi).

- Về đề nghị điều chỉnh sửa khoản 25 thành “Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động sửa chữa mang tính cấp bách nhằm ngăn ngừa di tích thuộc danh mục kiểm kê di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại”

Khoản 23 Điều 3 của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định về tu sửa cấp thiết là hoạt động sửa chữa hoặc chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời để ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại nhưng không được tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích. Đối với việc tu sửa cần tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích, tác động tới yếu tố cấu thành di tích, theo quy định của Dự thảo Luật (được kế thừa từ Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009), nội dung tu sửa cần lập thành dự án, không thuộc nội hàm của tu sửa cấp thiết.

- Đề nghị bổ sung giải thích các khái niệm: “Đối tượng kiểm kê di tích”, “địa điểm khảo cổ”, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Đối với “Đối tượng kiểm kê di tích”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu, và quy định tại khoản 1 Điều 23 của Dự thảo Luật (sửa đổi).

Đối với “địa điểm khảo cổ”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, rà soát và quy định Điều 3. Giải thích từ ngữ theo hướng: Các thuật ngữ lặp đi lặp lại nhiều lần, cần giải thích để được hiểu đúng trong các quy định sẽ được quy định tại Điều 3; các thuật ngữ chỉ sử dụng tại một số điều khoản cụ thể hoặc đã rõ thì không quy định giải thích từ ngữ để tránh số lượng khái niệm phải giải thích quá nhiều. Theo đó, không giải thích từ ngữ “địa điểm khảo cổ” trong Dự thảo Luật (sửa đổi).

2) Về kiến nghị liên quan đến sở hữu di sản văn hóa tại Điều 4 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu và điều chỉnh tại dự thảo Luật (sửa đổi), theo đó xác định di sản văn hóa thuộc từng loại hình sở hữu được xác lập quyền sở hữu tại khoản 3, 4 Điều 4 của dự thảo Luật (sửa đổi). Đồng thời, quy định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa được xác định đăng ký và giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản, đất đai, quản lý sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan tại khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật (sửa đổi).

3) Về kiến nghị cân nhắc quy định phân loại lễ hội truyền thống thành mục riêng tại Điều 9 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 9 Dự thảo Luật (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu kỹ nội dung Công ước 2003 để bảo đảm tính tương thích giữa Công ước với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), vừa bảo đảm phù hợp với loại hình di sản văn hóa phi vật thể và thực tiễn công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Công ước 2003 đưa ra 05 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, Luật Di sản văn hóa hiện hành quy định 07 loại hình, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định 06 loại hình do tách riêng loại hình “lễ hội truyền thống” trong loại hình tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội” của Công ước 2003. Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có tính độc lập tương đối, có tính giao thoa với nhau, như: Trong loại hình Nghề thủ công truyền thống có cả Tri thức dân gian, Tập quán xã hội, tín ngưỡng và ngược lại; trong loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian có cả các biểu đạt và truyền khẩu truyền thống và ngược lại...

Loại hình lễ hội truyền thống là loại hình có tính tổng hợp cao nhất và bao trùm trong tất cả các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể, gắn kết tới tất cả các loại hình còn lại. Đặc thù lễ hội ở Việt Nam gồm 04 loại hình lễ hội (lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc nước ngoài), trong đó chỉ “lễ hội truyền thống” sẽ có khả năng đáp ứng tiêu chí nhận diện của di sản văn hóa phi vật thể.

Vì vậy, việc quy định 06 loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong dự thảo Luật, tách “lễ hội truyền thống” thành loại hình riêng để phù hợp với thực trạng di sản văn hóa phi vật thể, đặc thù lễ hội truyền thống của Việt Nam và để có biện pháp riêng, cụ thể và phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể là lễ hội truyền thống (Điều 20 dự thảo Luật sửa đổi).

4) Về kiến nghị Điều 13 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định để ngoài chính sách chung thì tỉnh có thể ban hành chính sách riêng, tạo điều kiện cho các nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú hoạt động, cống hiến

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội nội dung về chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân (Điều 14), cụ thể: Tại Khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định: “Ngoài các chính sách quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chế độ đãi ngộ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn” nhằm đảm bảo các tỉnh, thành phố chủ động có các chính sách phù hợp với địa phương.

5) Về kiến nghị điều chỉnh nội dung về cấp độ, tiêu chí xếp hạng và hình thức xếp hạng di tích tại Điều 23 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu và điều chỉnh thống nhất quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xếp hạng di tích, phân định rõ về thẩm quyền xếp hạng di tích trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xếp hạng di tích khi di tích phân bố trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên tại điểm a khoản 2 Điều 25 của Dự thảo Luật; hồ sơ di sản thế giới, hồ sơ di sản thế giới đa quốc gia tại điểm b khoản 3 Điều 25 của Dự thảo Luật (sửa đổi).

6) Về kiến nghị việc phân cấp, giảm bớt các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích tại Điều 27 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm rõ thẩm quyền chấp thuận triển khai đối với dự án đầu tư, xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích; dự án đầu tư xây dựng công trình kinh tế - xã hội. Theo đó, chỉ được phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh; là cơ sở để cơ quan chủ trì thẩm định, cấp phép dự án đầu tư, xây dựng công trình chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với quy định về thẩm quyền với Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Đối với quy định về thẩm quyền chấp thuận triển khai xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của tất cả các loại hình di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ việc thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại khoản 2 Điều 29 của Dự thảo Luật (sửa đổi).

7) Về kiến nghị xem xét bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng tới di tích liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích tại Điều 28 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đặc thù Di tích của Việt Nam đa dạng loại hình lịch sử - văn hoá, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, đa dạng về chất liệu gỗ, đất, đá, gạch..., quy mô; tính chất, phạm vi to, nhỏ, lớn, bé rất khác nhau (ví dụ Chùa Một Cột, danh thắng Tràng An...). Do đó, việc xác định khoảng cách tối thiểu của công trình có khả năng ảnh hưởng tới di tích tùy thuộc yếu tố gốc và yếu tố cảnh quan văn hoá, môi trường sinh thái tạo nên giá trị của di tích, khó thể có định lượng chung về khoảng cách tối thiểu mà cần căn cứ hiện trạng mỗi di tích cụ thể và yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích đó để xác định.

8) Về kiến nghị chỉnh sửa cụm từ “phòng, chống các dấu hiệu từ nấm mốc, mối mọt, côn trùng, sinh vật gây hại” bằng cụm từ “các tác nhân gây hại đến di tích” tại khoản 1 Điều 35 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu và đã điều chỉnh bổ sung tại khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật (sửa đổi) quy định về Bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích.

9) Về kiến nghị liên quan đến Điều 39 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

- Về việc điều chỉnh nội dung để đảm bảo sự thống nhất liên quan đến việc giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật tại Điều 39 dự thảo Luật (sửa đổi)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu và đã rà soát các quy định để bảo đảm sự thống nhất, cụ thể tại khoản 3 Điều 41. Giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật, như sau: “3. Cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh, bảo tàng công lập đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này hoặc cơ sở kinh doanh giám định di vật, cổ vật quy định tại khoản 1 Điều 79 của Luật này được thực hiện giám định di vật, cổ vật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định”.

- Về việc rà soát phạm vi hoạt động giám định di vật, cổ vật, đảm bảo thống nhất với Luật Giám định tư pháp năm 2012 về điều kiện tổ chức thực hiện giám định, chủ thể thực hiện giám định (cá nhân, tổ chức), chủ thể có thẩm quyền công nhận cá nhân giám định ...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu và đã rà soát các quy định, đảm bảo thống nhất với Luật Giám định tư pháp năm 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, cụ thể tại Điều 41. Giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật và đăng ký di vật, cổ vật. Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ giám định di vật, cổ vật; cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận chuyên gia giám định di vật, cổ vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giám định di vật, cổ vật.

10) Về kiến nghị giảm tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng tại Điều 68 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Các tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng sẽ không đưa vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mà sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Hà Tĩnh và sẽ nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng trong quá trình xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các đơn vị, địa phương.

11) Về kiến nghị liên quan đến điểm b khoản 4 Điều 78 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về kinh doanh di vật, cổ vật

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu và đã rà soát quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật cho cá nhân tại Điều 80, cụ thể như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân được kinh doanh di vật, cổ vật; bảo quản, phục chế di vật, cổ vật; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu di vật, cổ vật thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh di vật, cổ vật đối với cơ sở kinh doanh di vật, cổ vật;

b) Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật đối với chủ cơ sở hoặc người đại diện theo pháp luật;

c) Có trụ sở bảo đảm điều kiện để lưu giữ, bảo quản hoặc trưng bày di vật, cổ vật và các phương tiện, kỹ thuật phù hợp với ngành, nghề đăng ký.”.

Đồng thời, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

12) Về kiến nghị quy định rõ để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo nền tảng công nghệ kỹ thuật số liên quan đến Điều 85 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Các nội dung liên quan đến bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ trong lĩnh vực di sản văn hóa được quy định rõ tại khoản 3 Điều 88 dự thảo Luật (sửa đổi), cụ thể việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử thực hiện theo các quy định của Luật này, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

13) Về kiến nghị rà soát, làm rõ cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, nghiên cứu quy định rõ về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa: (i) Quỹ không sử dụng ngân sách nhà nước và Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ; (ii) Chính sách về Quỹ đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội. Hiện nay, một số Quỹ hoạt động không hiệu quả nhưng Quỹ này được thành lập nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá nhưng ngân sách Nhà nước tại một số địa phương chưa bảo đảm được, đặc biệt là di tích; (iii) Thực tế, mô hình Quỹ bảo tồn di sản văn hoá đã có thí điểm ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là mô hình mới, có cơ chế quản lý, vận động hỗ trợ bước đầu đạt hiệu quả nhất định.

14) Về kiến nghị đề nghị bổ sung một điều về các di sản, các danh nhân đã được UNESCO vinh danh và các di sản được UNESCO ghi danh, đồng thời có những chính sách đặc thù đối với các di sản, danh nhân này

- Về việc bổ sung điều về các di sản, các danh nhân đã được UNESCO vinh danh, các di sản được UNESCO ghi danh, đồng thời có những chính sách đặc thù đối với các di sản, danh nhân này: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nội dung này quy định tại Khoản 9 Điều 7: “Tổ chức, tham gia, phối hợp với UNESCO tổ chức các sự kiện văn hóa, lịch sử vinh danh, kỷ niệm ngày sinh hoặc năm mất đối với cá nhân người Việt Nam có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn đối với quốc gia, dân tộc và lan tỏa đến khu vực hoặc thế giới.”.

- Về biện pháp bảo vệ các di sản được UNESCO ghi danh, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định cụ thể ở các Chương, điều trong từng lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di sản vật thể và di sản tư liệu, đảm bảo các di sản này đều có biện pháp bảo vệ phù hợp với Công ước quốc tế và pháp luật của Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam;
- Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các Cục: DSVH, VHCS; Vụ PC; Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, VP (TKBT), PAV (15).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hùng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4270/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 4270/BVHTTDL-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/10/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/10/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản