Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4169/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh gửi tới trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Đề nghị phối hợp với Bộ Công an tăng cường quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm việc đối tượng sử dụng sim rác gọi điện thoại đòi nợ gây phiền hà cho người dân.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Việc một số đối tượng sử dụng thuê bao, sử dụng sim rác gọi điện thoại đòi nợ gây phiền hà cho người dân thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hành vi này có mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Người dân khi bị làm phiền có thể thông báo tới:

Tổng đài 5656 (với trường hợp cuộc gọi rác) để Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) yêu cầu các nhà mạng xử lý (chặn/khóa) số điện thoại có liên quan theo quy định tại khoản 3, Điều 6 và khoản 4, Điều 9 của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác;

Sở TTTT (Thanh tra Sở) để xem xét, xử lý theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP (phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” - điểm g, khoản 3, Điều 102);

Cơ quan quản lý ngân hàng, tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN đã yêu cầu các công ty tài chính “không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”;

Cơ quan công an tại địa phương: tùy vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự: tội làm nhục người khác (Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc vu khống người khác (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác và công văn gửi các doanh nghiệp viễn thông liên quan đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với các số điện thoại di động sử dụng vào việc quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với Bộ Công an tham gia đoàn kiểm tra tại 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhằm chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng thông tin thuê bao không chính xác (nguyên nhân gây ra tình trạng sử dụng sim rác).

Ngày 27/01/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức cuộc họp với đơn vị chuyên môn của Bộ Công an và doanh nghiệp viễn thông để trao đổi, xử lý đối với một số phản ánh, kiến nghị về chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông do thuê bao sử dụng các số điện thoại di động vào việc quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 14/3/2022, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp Viễn thông báo cáo, xử lý khiếu nại chấm dứt dịch vụ đối với các số điện thoại được sử dụng vào việc quảng cáo cho các hành vi vi phạm pháp luật và gửi doanh nghiệp Quy trình xử lý phản ánh khiếu nại.

Trong thời gian tới, triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 01/6/2022 (Thông báo kết luận số 174/TB-VPCP ngày 15/6/2022) về kết nối tin thuê bao (trừ thông tin mật) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác..., Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai kết nối, đối soát giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc. Sau khi các thuê bao điện thoại di động được rà soát, chính xác lại theo thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp chuẩn hóa thông tin thuê bao SIM điện thoại, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi quấy rối.

Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, triển khai truyền thông đến người sử dụng dịch vụ về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, giúp nâng cao cảnh giác, nhận biết, tránh bị lừa đảo và có biện pháp phòng tránh.

Câu 2: Đề nghị các bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp để tăng cường công tác quản lý không gian mạng để đảm bảo điều kiện cho các em học sinh khi tham gia học trực tuyến và có biện pháp xử lý những đối tượng gây rối, quy phá trong thời gian học sinh tham gia học tập trên hệ thống trực tuyến.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Bên cạnh những mặt tích cực, Internet và mạng xã hội cũng đưa đến nhiều vấn đề, tệ nạn xã hội mà các cơ quan chức năng cần quan tâm xử lý. Đặc biệt là việc lợi dụng mạng xã hội để phát tán nội dung, hình ảnh tiêu cực, xấu độc ảnh hưởng đến người sử dụng mà trong đó trẻ em sẽ là nhóm đối tượng chịu tác động nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển tâm hồn trẻ nhỏ. Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt “Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” (Chương trình). Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình có “mục tiêu kép” gồm: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Mục tiêu thứ hai, chương trình duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo, được nhận định có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của Bộ TT&TT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an. Ngoài ra, Chương trình cũng nhận được sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cũng tham gia, triển khai Chương trình. Việc ban hành chương trình nói trên là cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Động thái này cũng là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ bảo vệ thế hệ công dân số tương lai, hướng tới xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em thỏa sức sáng tạo.

Bộ TT&TT chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và ban hành Công văn số 1545/CATTT-NCSC ngày 05/11/2021 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy, học trực tuyến. Tài liệu đã bao gồm nội dung hướng dẫn cho các em học sinh nhận biết các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng, trong quá trình học trực tuyến để từ đó tự bảo vệ mình, bảo vệ lớp học của mình trên không gian mạng tránh những đối tượng gây rối, quấy phá trong thời gian học sinh tham gia học tập trên hệ thống trực tuyến.

Bộ TT&TT cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tới các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ Internet; chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP), nội dung thông tin số triển khai các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đồng thời, trong thời gian tới các đơn vị liên quan của Bộ TT&TT tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý những đối tượng gây rối, quấy phá trong thời gian học sinh tham gia học tập trên hệ thống trực tuyến.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4169/BTTTT-VP năm 2022 về tăng cường công tác quản lý không gian mạng đảm bảo điều kiện học trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 4169/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản