Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3945/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 88/2013/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2015

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa.

Trong quá trình triển khai Thông tư số 88/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013, Bộ Tài chính đã nhận được vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn xăng dầu Petrolimex. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Xăng dầu chứa chung bồn bể tại kho Vân Phong.

Thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 88/2013/TT-BTC. Theo đó, xăng dầu của một hoặc nhiều chủ hàng có thể được chứa chung bồn bể thuộc kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong nhưng phải đáp ứng điều kiện về cùng chủng loại, chất lượng với xăng dầu, nguyên liệu đang chứa trong bồn bể đó và trên cơ sở hợp đồng với chủ hàng.

2. Pha chế xăng dầu

2.1. Về đối tượng thực hiện pha chế xăng dầu

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 88/2013/TT-BTC thì thương nhân nước ngoài (chủ hàng) có hợp đồng thuê kho hoặc hợp đồng dịch vụ pha chế, chuyển loại xăng dầu được đưa xăng dầu và nguyên liệu vào kho Vân Phong để tồn chứa, pha chế, chuyển loại xăng dầu.

2.2. Về nguyên liệu pha chế

Căn cứ Điều 32 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, xăng dầu chỉ được lưu thông trên thị trường nội địa khi chất lượng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Theo đó:

Trường hợp xăng dầu chỉ lưu giữ tại kho Vân Phong sau đó thực hiện tái xuất hoặc pha chế, làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, sau đó tái xuất (không được chuyển cửa khẩu và không được lưu thông trên thị trường nội địa) thì chưa yêu cầu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng về chất lượng.

Trường hợp, xăng dầu pha chế, sau đó chuyển tiêu thụ nội địa thì phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng về chất lượng.

3. Về hình thức pha chế (pha chế trên tuyến ống).

Doanh nghiệp thực hiện các hình thức pha chế theo phương án pha chế trên tuyến ống với điều kiện Kho xăng dầu VPT phải cung cấp cho Chi cục Hải quan Vân Phong đầy đủ các số liệu về số lượng, chủng loại các nguyên liệu/phụ gia/thành phẩm đầu vào khi pha chế cũng như các số liệu về số lượng, chủng loại, chất lượng, tỷ lệ hao hụt của các nguyên liệu/thành phẩm là sản phẩm của quá trình pha chế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng trước, sau quá trình pha chế và tỷ lệ hao hụt trong quá trình pha chế.

4. Sử dụng sản phẩm xăng dầu sau pha chế làm nguyên liệu để tiếp tục pha chế.

Công ty Liên doanh TNHH Kho xăng dầu Vân Phong (VPT) được sử dụng sản phẩm xăng dầu sau khi pha chế vào quá trình pha chế để tạo ra sản phẩm mới và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng trước, sau quá trình pha chế và tỷ lệ hao hụt trong quá trình pha chế.

Về hồ sơ pha chế, ngoài hồ sơ, chứng từ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 88/2013/TT-BTC, doanh nghiệp nộp bổ sung bản sao bộ hồ sơ đã pha chế đối với phần sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu pha chế.

5. Chuyển quyền sở hữu trong kho Vân Phong.

Việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan do chủ hàng hóa thực hiện khi có hành vi mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại. Chủ kho ngoại quan có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan về việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa đang gửi kho ngoại quan để quản lý theo dõi, không phải làm thủ tục nhập, xuất kho ngoại quan. Thời hạn hàng hóa gửi kho ngoại quan được tính kể từ ngày hàng hóa đưa vào kho ngoại quan theo hợp đồng thuê kho ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng cũ.

6. Mua bán xăng dầu qua trung gian.

6.1) Trường hợp hàng từ Kho ngoại quan xuất đi nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 9 Thông tư số 88/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính;

6.2) Trường hợp hàng hóa trong Kho Vân Phong bán cho thương nhân và đã giao hàng qua lan can tàu tại cảng Vân Phong thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 6.1 khoản này. Sau đó, khách hàng nước ngoài tiếp tục giao ngay cho một doanh nghiệp Việt Nam tại chính con tàu đã xếp hàng tại cảng Vân Phong thì thực hiện thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Chương II Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.

7. Vướng mắc về vận đơn.

Bộ hồ sơ nhập khẩu xăng dầu (thực hiện pha chế hoặc không thực hiện pha chế) từ kho Vân Phong vào nội địa không phải nộp vận đơn hoặc chứng từ vận tải.

8. Thủ tục tạm nhập - tái xuất xăng dầu.

8.1. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục tạm nhập tại Chi cục Hải quan Vân Phong:

a) Xăng dầu tạm nhập được lưu giữ tại kho chứa xăng dầu trong nội địa thuộc địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan Vân Phong thì thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định Chương III Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.

b) Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm nhập - tái xuất khi tái xuất có thể sử dụng nguồn xăng dầu cùng chủng loại với nguồn xăng dầu tạm nhập trong hệ thống kho nội địa của mình.

c) Đối với lượng xăng dầu không tái xuất hết phải chuyển tiêu thụ nội địa:

c.1) Nếu Doanh nghiệp thực hiện tái xuất tại Chi cục Hải quan Vân Phong thì làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa (loại hình nhập kinh doanh) tại Chi cục Hải quan Vân Phong theo quy định tại Chương IV Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.

c.2) Nếu Doanh nghiệp thực hiện tái xuất tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho chứa xăng dầu trong nội địa xuất khẩu thì thực hiện như sau:

c.2.1) Hồ sơ hải quan: thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 139/2013/TT-BTC.

c.2.2) Chi cục Hải quan Vân Phong thực hiện:

- Có văn bản thông báo gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho chứa xăng dầu nội địa xuất khẩu về số lượng xăng dầu doanh nghiệp dự kiến chuyển tiêu thụ nội địa và đề nghị Chi cục ngoài cửa khẩu giám sát việc lấy mẫu xác định chất lượng cũng như giám định khối lượng;

- Sau khi nhận được kết quả giám định có xác nhận của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu thì thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Chương IV Thông tư số 139/2013/TT-BTC .

c.2.3) Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu xuất khẩu thực hiện:

- Tiếp nhận văn bản đề nghị theo quy định tại điểm c.2.2 nêu trên do Chi cục Hải quan Vân Phong chuyển đến;

- Giám sát việc doanh nghiệp lấy mẫu để xác định chất lượng, khối lượng đối với lượng xăng dầu không tái xuất hết, xác nhận kết quả giám định khối lượng, chủng loại đối với lượng xăng dầu không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa;

- Lưu bản chụp và chuyển bản chính kết quả giám định có xác nhận cho Chi cục Hải quan Vân Phong thực hiện tiếp thủ tục theo quy định.

8.2. Trường hợp Doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục tạm nhập tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu tạm nhập:

a) Nếu lưu giữ xăng dầu tại hệ thống kho xăng dầu nội địa ngoài địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan Vân Phong thì đăng ký và làm thủ tục tại Chi cục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu;

b) Thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định Chương III Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu xuất khẩu;

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm nhập - tái xuất khi tái xuất có thể sử dụng nguồn xăng dầu cùng chủng loại với nguồn xăng dầu tạm nhập trong hệ thống kho nội địa của mình.

c) Đối với lượng xăng dầu không tái xuất hết phải chuyển tiêu thụ nội địa thì làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa (loại hình nhập kinh doanh) tại Chi cục Hải quan nơi đã làm thủ tục tạm nhập theo quy định tại Chương IV Thông tư số 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính.

Hồ sơ thực hiện thủ tục nhập khẩu trong trường hợp này tương tự như hướng dẫn tại điểm c.2.1 nêu trên.

9. Điều kiện giao hàng đối với xăng dầu từ kho Vân Phong đưa vào nội địa.

a) Về điều kiện giao hàng:

Trường hợp mua bán hàng hóa có điều kiện giao hàng là FOB Vân Phong và doanh nghiệp chứng minh được giá FOB là tương đương trị giá tính thuế theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì khai báo như sau:

a1) Khai ô “điều kiện giá hóa đơn” là CFR, đồng thời tại ô “chi tiết khai trị giá” khai điều kiện giao hàng thực tế FOB và giải trình rõ lý do giá FOB = CFR;

a2) Ô “tổng trị giá hóa đơn” nhập tổng giá trị trên hóa đơn.

Việc ký hợp đồng theo điều kiện giao hàng FOB Vân Phong được thực hiện cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.

b) Về trị giá tính thuế:

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

10. Thủ tục hải quan cho việc xuất hàng bằng đường bộ.

Việc giám định về khối lượng, trọng lượng, chủng loại và kiểm tra nhà nước về chất lượng được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 88/2013/TT-BTC.

Theo đó, cho phép việc giám định về khối lượng, trọng lượng, chủng loại và kiểm tra nhà nước về chất lượng được thực hiện tại bể chứa dùng để chứa hàng nhập vào nội địa bằng đường bộ, sau đó bể chứa này sẽ được công chức hải quan niêm phong. Cơ quan hải quan làm thủ tục và thông quan hàng hóa cho lượng xăng dầu dự định nhập khẩu tại bể chứa này. Xăng dầu sau thông quan sẽ được đưa vào nội địa theo từng chuyến xe ô tô, có phiếu xuất kho theo tương ứng với từng chuyến xe nhận hàng để công chức Hải Quan giám sát và đối chiếu với tổng lượng hàng đã làm thủ tục thông quan. Sau khi kết thúc xuất hết lượng hàng đã được làm thủ tục thông quan, phải có chứng thư giám định khối lượng cho tổng lượng hàng đã xuất này (có chi tiết từng chuyến xe) theo quy định tại tiết b, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC.

11. Vướng mắc trong thực hiện niêm phong.

Căn cứ kết quả giám định độc lập trong biên bản bàn giao:

a) Trường hợp xăng dầu được giám định độc lập về chủng loại khi xếp hàng lên tàu tại Kho Vân Phong và sau đó được chuyển đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan nhập vào nội địa, lại được giám định độc lập trước khi làm thủ tục hải quan thì không phải niêm phong. Chi cục Hải quan Vân Phong, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan nhập vào nội địa căn cứ vào kết quả giám định để lập biên bản bàn giao và làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp giám định độc lập chịu trách nhiệm về kết quả giám định.

b) Các trường hợp khác: thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 8 Điều 10 Thông tư số 88/2013/TT-BTC.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn để Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Cục HQ các tỉnh, thành phố (để t/h);
- Lưu: VT, GSQL (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3945/TCHQ-GSQL năm 2015 về vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 88/2013/TT-BTC do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3945/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/05/2015
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản