Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3939/BTNMT-KTTVBĐKH
V/v hướng dẫn xây dựng đề xuất dự án ưu tiên theo Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC)

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn xây dựng thuyết minh đề xuất dự án đầu tư theo Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trong quá trình xây dựng các đề xuất dự án liên quan, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tham khảo, vận dụng tài liệu Hướng dẫn nêu trên, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổ chức thẩm định liên ngành xác định danh mục các dự án ưu tiên theo quy định (xin gửi kèm theo tài liệu Hướng dẫn).

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), số 8 Phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội để kịp thời phối hợp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng CP (để b/c);
- Phó Thủ tướng CP Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu VT, KTTVBĐKH, KH

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Hồng Hà

 

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG

THUYẾT MINH ĐỀ XUẤT DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (SP-RCC)
(Kèm theo Công văn số 3939/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

A. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG:

- Trang bìa: Đầu trang ghi tên cơ quan chủ quản (Bộ/Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Giữa trang ghi Thuyết minh đề xuất dự án đầu tư theo Chương trình SP-RCC [Tên dự án], Chủ đầu tư; Cuối trang ghi địa danh và thời gian lập.

- Trang thứ hai: Nội dung như bìa ngoài, có thêm chữ ký và đóng dấu của cơ quan chủ đầu tư.

- Trang thứ ba: Mục lục.

- Phần thuyết minh được trình bày trên khổ giấy A4, Font chữ Timew New Roman, cỡ chữ 14; các Paragraph cách nhau 6pt; Căn lề: trên 2cm, dưới 2cm, phải 2cm, trái 3cm; Số trang ghi bên dưới, ở giữa.

- Bản vẽ, hình ảnh (nếu có) trình bày trên khổ giấy A3, hoặc A4.

B. NỘI DUNG THUYẾT MINH ĐỀ XUẤT DỰ ÁN

1. Thông tin chung:

- Tên dự án: [Viết chữ in hoa]

- Cơ quan chủ quản:

- Cơ quan chủ đầu tư:

- Tính chất của dự án [Thích ứng với biến đổi khí hậu (với loại tác động biến đổi khí hậu: Nước biển dâng, Lũ, sạt lở đất;… hoặc/và Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Phát năng lượng; sử dụng hiệu quả năng lượng;…)]

- Lĩnh vực đầu tư: (Thí dụ: Trồng mới, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển; Sản xuất năng lượng tái tạo; Xây mới, nâng cấp đê, kè, hồ chứa,…; thuộc lĩnh vực (Nông nghiệp; hạ tầng; Quản lý tổng hợp vùng ven biển;…)

- Khu vực/địa bàn thực hiện: [Vùng núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng (nội địa); Đồng bằng sông Hồng (ven biển); Bắc Trung Bộ; Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long]

- Tổng mức đầu tư, trong đó nêu rõ Ngân sách trung ương thông qua Chương trình SP-RCC, Ngân sách trung ương thông qua nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm, Ngân sách địa phương, Nguồn vốn xã hội hóa,…

- Thời gian thực hiện dự án và dự kiến vốn cho từng năm.

2. Nội dung dự án

2.1. Bối cảnh và tính cấp thiết của dự án:

- Đề xuất dự án cần trả lời rõ câu hỏi “Tại sao cần đề xuất dự án này?”, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nào, từ bối cảnh tác động (hiện tại hoặc trong tương lai) của dạng biến đổi khí hậu nào? Chứng minh bằng cơ sở khoa học và thực tiễn dự án thuộc dạng “không thể trì hoãn”, đầu tư sẽ “không hối tiếc”, sẽ “mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài” (thí dụ: Các dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục, phát triển rừng ngập mặn ven biển; Các công trình đê kè xung yếu đe dọa thiệt hại lớn về người và tài sản; Các dự án sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, năng lượng);…

- Nêu được những yêu cầu bức thiết, cụ thể nhằm giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra (giảm tổn thất về người, tài sản, thiệt hại sinh kế) hoặc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

2.2. Mục tiêu của dự án:

- Trình bày có cơ sở lý luận và thực tiễn về các mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài, quy mô của dự án;

- Lồng ghép đa mục tiêu: Khuyến khích các đề xuất dự án có khả năng đạt nhiều mục tiêu: mang lại lợi ích đồng thời cho phát triển kinh tế, xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu. [Thí dụ đề xuất dự án “xây dựng hệ thống đê điều ứng phó với nước biển dâng hoặc lũ, lụt, kết hợp được với đường giao thông tại địa bàn”; hoặc các dự án “xây dựng thủy điện kết hợp với sử dụng tổng hợp tài nguyên nước”…]; Nêu lên mức độ gắn kết và tính bổ sung của dự án đề xuất với các kế hoạch, chương trình và các dự án đang triển khai tại ngành, địa phương. Đề xuất dự án ứng phó với biến đổi khí hậu này hỗ trợ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể nào tại địa phương, tại ngành, như kế hoạch tăng trưởng nguồn lương thực tại địa bàn; tăng sản lượng xuất khẩu; giảm thất nghiệp; Khuyến khích các dự án có khả năng góp phần bảo vệ môi trường (như gia tăng diện tích rừng; giảm ô nhiễm khí thải CO2,…), đồng thời tạo thêm sinh kế cho người nghèo (bảo vệ diện tích trồng lúa; đào tạo nghề;…), đảm bảo bình đẳng giới (chú ý hoàn cảnh thuận lợi cho phụ nữ), tăng thu nhập cho cộng đồng dễ bị tổn thương (người nghèo, trẻ em, dân tộc thiểu số).

2.3. Các hoạt động của dự án: [Trên cơ sở thực trạng, hướng tới mục tiêu của dự án, đề xuất chi tiết các hoạt động của dự án]

- Hoạt động điều tra khảo sát;

- Hoạt động đầu tư mới;

- Hoạt động đầu tư bổ sung, bổ trợ, nâng cấp, cải tạo, tăng cường năng lực …;

- Hoạt động và các biện pháp công nghệ thực hiện các hạng mục đầu tư chính của dự án;

- Hoạt động duy trì công trình sau khi kết thúc dự án.

2.4. Tiến độ và phân kỳ thực hiện dự án

- Kế hoạch tổ chức và tiến độ thực hiện triển khai cụ thể các công việc của dự án;

- Kế hoạch vốn, nhu cầu cấp vốn; khả năng huy động vốn và phương án sử dụng chủ động nguồn vốn;

- Phân kỳ thực hiện các hoạt động đầu tư và tài chính của dự án;

2.5. Tài chính cho dự án

- Tổng mức đầu tư: Phân theo Xây lắp, thiết bị, chi phí quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án, chi phí khác, chi phí dự phòng…

- Nguồn vốn: Nêu rõ cơ cấu các nguồn vốn [Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn địa phương, nguồn SP-RCC…]

2.6. Kết quả và đối tượng hưởng thụ của dự án:

- Kết quả thu được khi triển khai dự án phải rõ ràng về định tính và định lượng, hướng trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng. [Thí dụ đề xuất dự án “Nâng cấp hệ thống đê biển, đê vùng cửa sông, đê bao quanh các khu vực dân cư vùng đất thấp, nhằm tăng khả năng sống chung với lũ lụt và nước biển dâng dần”, cần đánh giá cụ thể số dân và số hộ gia đình được bảo vệ, trong đó cần nêu tỷ lệ người dân nghèo, dân tộc thiểu số.]… Ngoài ra, khuyến khích các đề xuất xác định được hiệu quả kinh tế (có chỉ số lợi ích/chi phí rõ ràng và cao) của dự án khi triển khai.

- Có sự gắn kết các biện pháp công trình/kỹ thuật với phi công trình/kỹ thuật: Tăng cường biện pháp phi công trình. [Thí dụ, trong đề xuất dự án ứng phó biến đổi khí hậu về nước biển dâng, có thể dùng giải pháp “Trồng lại rừng ngập mặn phòng hộ kết hợp với tăng cường đê biển chắn sóng, nước dâng và sóng thần, phát triển rừng phi lao trên cồn cát (đê mềm)”].

2.7. Tính khả thi của dự án: Dự án cần được phân tích tính khả thi khi triển khai về ba khía cạnh:

- Tính khả thi về thời gian và kế hoạch thực hiện: Cần mô tả rõ nội dung các hoạt động cụ thể để đạt được các mục tiêu của dự án; kế hoạch tổ chức và thời gian biểu thực hiện. Trong đó kế hoạch và thời gian biểu thực hiện cần phù hợp với tính chất, mức độ cấp thiết của dự án. Lưu ý các đề xuất dự án có thời gian thực hiện phù hợp với Chương trình SP-RCC;

- Tính khả thi về tài chính: Cần chỉ rõ sự hợp lý của tổng mức đầu tư, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình SP-RCC; kế hoạch giải ngân theo từng giai đoạn triển khai; phương thức huy động các nguồn vốn khác (nếu có), đặc biệt là sự góp vốn của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư;

- Tính khả thi về năng lực của tổ chức thực hiện: Cần mô tả cơ cấu, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ nhân lực chủ chốt thực hiện các hoạt động của dự án; các tổ chức phối hợp thực hiện; sự tham gia của cộng đồng dân cư (nếu có) [Thí dụ: Sử dụng nước hiệu quả với sự tham gia của cộng đồng].

2.8. Hiệu quả và tính bền vững của dự án:

- Dự án cần được phân tích rõ khi triển khai sẽ mang lại các lợi ích có giá trị lâu dài, không phải chỉ đem lại các lợi ích ngắn hạn [Thí dụ, phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ và vừa trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, trước mắt có thể có lợi, nhưng về lâu dài có thể gây ra các hậu quả tiêu cực về nguồn nước hạ lưu,…]. Ngoài ra, dự án sẽ được khuyến khích khi có khả năng duy trì, nhân rộng, để các địa bàn khác áp dụng [Thí dụ dự án khí sinh học thay củi nấu; sử dụng năng lượng tái tạo;…].

- Phân tích các hoạt động của dự án khi triển khai bằng các cơ sở khoa học và thực tiễn. [Thí dụ, khi đề xuất dự án ứng phó với nước biển dâng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần tìm hiểu dự báo bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản về nước biển dâng trong quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có cơ sở khoa học và tính hệ thống. Đồng thời, các giải pháp triển khai dự án cũng cần dựa trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với các điều kiện của địa bàn, tận dụng các nguồn lực và tri thức địa phương].

- Các dự án khi thực hiện cần đảm bảo tính hài hòa giữa mục tiêu Thích ứng với biển đổi khí hậu và mục tiêu Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Không chấp nhận các dự án khi triển khai tạo ra xung đột giữa hai mục tiêu này. [Thí dụ để thực hiện một dự án “Sử dụng năng lượng tái tạo là thủy điện”, phải tiến hành triệt hạ một diện tích rừng rất lớn (gây nguy cơ gia tăng tác động biến đổi khí hậu về lũ lụt cho các vùng dân cư); hoặc thực hiện dự án “Tăng cường đê biển chắn sóng, nước biển dâng và sóng thần” nhằm mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng khi triển khai lại triệt hạ rừng ngập mặn ven biển, trong khi phát triển rừng ngập mặn ven biển là biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính].

2.9. Phân tích rủi ro và các biện pháp khắc phục

- Các rủi ro khách quan và chủ quan [Có thể bao gồm các giả định, rủi ro về kinh tế, tài chính; thể chế luật pháp; phát triển công nghệ; điều kiện tự nhiên và các nhân tố khác không lường trước được].

- Phương án và các biện pháp hạn chế, khắc phục các rủi ro.

3. Các phụ lục:

- Phụ lục về Chiến lược, định hướng, quy hoạch phát triển Bộ, ngành, địa phương;

- Phụ lục về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ, ngành, địa phương;

- Phụ lục về Năng lực Chủ đầu tư;

- Phụ lục về các bảng biểu tổng hợp đề xuất dự án;

- Phụ lục về các bản vẽ, hình ảnh minh họa;

- Phụ lục về Tài liệu tham khảo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3939/BTNMT-KTTVBĐKH hướng dẫn xây dựng đề xuất dự án ưu tiên theo Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 3939/BTNMT-KTTVBĐKH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/10/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản