Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3897/BYT-KHTC
V/v thống nhất nguồn kinh phí chi tr chi phí xét nghiệm COVID-19 khi tăng cường thực hiện xét nghiệm cho các bệnh viện.

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2021

 

Kính gửi:

- Bộ Tài chính;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, đến nay đã có 26 tỉnh, thành phố đã có lây nhiễm cộng đồng, có 9 bệnh viện phải phong tỏa. Một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Các bệnh viện là nơi đón nhận người bệnh mà những người nhiễm COVID-19 thường ít hoặc không có triệu chứng, khi bệnh viện để lọt ca nhiễm COVID-19 sẽ có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn trong khám và điều trị bệnh nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xét nghiệm, ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp ngày 10/5/2021 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, việc thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất cần thiết, sẽ ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong các bệnh viện đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiết kiệm hiệu quả.

Điều 60 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định

“1. Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Vốn viện trợ;

c) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngân sách phòng, chống bệnh truyền nhiễm không được sử dụng vào mục đích khác”.

Để có nguồn kinh phí thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính thống nhất một số nguyên tắc sau:

1. Đối với các cơ sở y tế công lập:

a) Cán bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân (nếu được ở lại chăm sóc), người bệnh không có thẻ BHYT: sẽ do NSNN chi trả theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

b) Người bệnh có thẻ BHYT: sẽ do Quỹ BHYT chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT, phần đồng chi trả do NSNN đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Đối với các cơ sở y tế tư nhân:

a) Cán bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân (nếu được ở lại chăm sóc), người bệnh không có thẻ BHYT: sẽ do cơ sở y tế tư nhân đảm bảo.

b) Người bệnh có thẻ BHYT: sẽ do Quỹ BHYT chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT, phần đồng chi trả do cơ sở y tế tư nhân đảm bảo.

3. Về việc ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương: tại Quyết định 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, không quy định ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương kinh phí xét nghiệm trong trường hợp xét nghiệm này. Đây là công tác phòng, chống dịch là một trong các hoạt động cần thiết tránh lây lan dịch bệnh. Do đó, để giúp các địa phương còn khó khăn về kinh phí cần được ngân sách trung ương hỗ trợ nên đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn sau để giúp các địa phương khó khăn có nguồn kinh phí thực hiện phòng chống dịch.

Để thống nhất hướng dẫn các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, có ý kiến để Bộ Y tế đưa vào công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục KCB, Cục YTDP; Vụ Pháp chế; Vụ BHYT;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Thuấn