Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3877/BNN-TCLN
V/v: trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thị Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2010

 

Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Lê Thị Dung;
- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- Ban công tác Đại biểu Quốc hội.

 

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận được Giấy ghi chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII số 202/CXV-KH8 ngày 15/11/2010 của Văn phòng Quốc hội, xin được trả lời như sau:

Câu hỏi:

Cử tri ngành Lâm nghiệp đề nghị tăng suất đầu tư cho bảo vệ rừng mức 500.000đ/ha thay vì 100.000đ/ha đồng thời có chính sách cho hộ dân được vay vốn ưu đãi sản xuất lâm nông kết hợp dưới tán rừng, để hộ dân nâng cao thu nhập, gắn bó thật sự với rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đồi núi.

Mặt khác, cử tri cũng đề nghị tăng mức tiền lẫn diện tích nhận khoán trồng rừng phòng hộ đồi núi cho mỗi hộ dân, đi đôi với chính sách trợ giá cho người trồng rừng tràm, vì cây tràm xuống giá thấp nhiều năm liền không thúc đẩy việc trồng rừng tràm cũng như bảo vệ giữ diện tích hiện có, diện tích rừng sẽ ngày càng thu hẹp, sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong vùng.

Rất mong Bộ trưởng xem xét đề xuất những nguyện vọng của cử tri ngành lâm nghiệp An Giang đến Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan và thông tin cho cử tri được biết.

Xin cám ơn Bộ trưởng.

Trả lời:

1. Về tăng suất đầu tư bảo vệ rừng và trồng rừng:

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015; theo đó định mức cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đã tăng lên đáng kể. Cụ thể:

- Khoán quản lý bảo vệ rừng bình quân 200.000đ/ha/năm, tăng 100.000đồng/ha so với trước đây (mức cụ thể do UBND tỉnh, thành phố quyết định).

- Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: tối đa 15 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng/ha so với trước đây (mức cụ thể do UBND tỉnh, thành phố quyết định).

- Hỗ trợ trồng rừng sản xuất bình quân 3 triệu đồng/ha (mức cụ thể do UBND tỉnh, thành phố quyết định và thực hiện theo Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015).

Ngoài ra các địa phương có thể hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương.

- Đối với việc tăng diện tích khoán trồng rừng phòng hộ đồi núi cho mỗi hộ dân, tùy thuộc vào từng địa phương căn cứ quỹ đất lâm nghiệp và nhu cầu của người dân để giao khoán nhưng mức tối đa không quá 30 ha.

2. Về vốn vay ưu đãi:

Các chủ đầu tư thực hiện dự án trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện dự án. Về thời gian trả nợ gốc và nợ lãi, chủ đầu tư trả nợ một lần sau khi khai thác, không tính lãi gộp.

3. Về cây tràm:

Những năm qua, chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và lực lượng kiểm lâm của tỉnh An Giang đã tổ chức tốt việc bảo vệ diện tích rừng tràm được quy hoạch là rừng phòng hộ, về cơ bản các diện tích này được bảo vệ không bị chặt phá, xâm hại, đảm bảo chức năng phòng hộ và môi trường sinh thái của vùng.

Riêng diện tích rừng sản xuất là rừng tràm của tỉnh được quy hoạch là 5.000 ha. Trong thời gian gần đây, do giá tràm sụt nên người dân chuyển khoảng 1.000 ha sang trồng các loại cây khác. Để hỗ trợ duy trì diện tích rừng tràm ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong đó có An Giang, Bộ đang phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch các cơ sở chế biến và tiêu thụ gỗ rừng tràm đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Xin cảm ơn đại biểu đã quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn và hỗ trợ cho Bộ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng CP;
- Văn phòng Bộ;
- Lưu VT, TCLN.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3877/BNN-TCLN trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thị Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3877/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/11/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản