Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3863/CV-KTAT
Về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn công nghiệp

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2002

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Tổng công ty 90, 91
- Các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ,

 

Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên, ngành Công nghiệp đã đạt mức tăng trưởng tương đối đồng đều trong các ngành sản xuất và ở các địa phương.

Ngành điện đã đẩy mạnh đầu tư, lần lượt đưa vào sử dụng nguồn lưới điện mới, đưa điện lưới quốc gia tới các huyện vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống văn hoá xã hội. Ngành khai thác khoáng sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là khai thác than. Số lượng vật liệu nổ công nghiệp sử dụng trong toàn quốc ngày càng tăng, phần lớn do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu khác cũng đạt hoặc vượt kế hoạch với mức tăng trưởng cao.

Đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng tăng và để đảm bảo an toàn sản xuất công nghiệp, hệ thống tổ chức quản lý kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đã từng bước được củng cố, góp phần giúp Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và chỉ đạo công tác này ngày càng hiệu quả hơn. Công tác soạn thảo và ban hành các văn bản liên quan đến kỹ thuật an toàn đã được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn được tiến hành thường xuyên, hạn chế sự cố cháy nổ. Các doanh nghiệp đã chú trọng từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh đối với người lao động, giảm thiểu sự cố kỹ thuật và tai nạn lao động.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động đã được đẩy mạnh. Thiết bị, công nghệ sản xuất và hệ thống kỹ thuật an toàn được tăng cường và đổi mới đã giúp cho công tác huấn luyện đào tạo, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trong sản xuất công nghiệp hiện vẫn còn những tồn tại dẫn tới tình trạng xảy ra sự cố kỹ thuật, tai nạn lao động. Thiết bị, công nghệ tuy có được đầu tư đổi mới, nhưng tỷ lệ còn thấp. Nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng những máy móc, thiết bị lạc hậu, thời hạn sử dụng đã lâu năm.

Sự cố kỹ thuật, tai nạn lao động trong sản xuất công nghiệp từng nơi, từng lúc còn xảy ra khá trầm trọng làm chết nhiều người trong khai thác khoáng sản, nhất là khai thác than. Các tai nạn xảy ra phổ biến nhất là do sự cố sập tầng, sập hào, đổ lò, cháy khí, ngạt do khí độc.

Tai nạn chết người do sự cố điện giật trong sử dụng điện, xây dựng công trình điện vẫn còn xảy ra, số người chết do điện giật ở nông thôn vẫn còn nhiều. Theo thống kê của các Sở công nghiệp, trong năm 2001 ở 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có 180 người chết vì điện giật, trong đó đa số là do người dân thiếu hiểu biết về điện, sử dụng điện không đúng mục đích (dùng điện để chống trộm, bẫy chuột...). Tai nạn không chỉ xảy ra ở những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa mà còn xảy ra cả ở những tỉnh đồng bằng và ở các thành phố.

Nạn vận chuyển, mua bán, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trái phép thường diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các địa phương.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn công nghiệp, Bộ Công nghiệp đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban, ngành có liên quan phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, các Tổng công ty 90, 91, các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn công nghiệp theo các nội dung sau đây:

1. Tăng cường xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động trong các lĩnh vực hoạt động công nghiệp.

2. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác an toàn lao động có đầy đủ năng lực và phẩm chất để đảm nhiệm công việc được giao trong các cơ quan quản lý Nhà nước và trong các doanh nghiệp công nghiệp.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; sử dụng, vận chuyển, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; cung ứng, truyền tải, sử dụng điện; quản lý và kiểm tra các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; xử lý kịp thời và nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn công nghiệp.

4. Tăng cường công tác tuyên truyền Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đối với người lao động. Có kế hoạch và từng bước đầu tư đổi mới công nghệ máy móc, cải thiện điều kiện làm việc bảo đảm môi trường, môi sinh và hạn chế sự cố kỹ thuật, tai nạn lao động trong sản xuất.

Giao Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp làm đầu mối phối hợp và tổng hợp thường xuyên báo cáo Bộ về tình hình thực hiện các nội dung trên.

 

Đỗ Hải Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3863/CV-KTAT của Bộ Công nghiệp về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn công nghiệp

  • Số hiệu: 3863/CV-KTAT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/10/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Đỗ Hải Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/10/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản