Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3859/BCT-CT
V/v hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương được giao là đơn vị chủ trì xây dựng Báo cáo hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương.

Ngày 13 tháng 12 năm 2021, Bộ Công Thương đã có Công văn số 7934/BCT-CT báo cáo Thủ tướng Chính phủ vệ hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương (kèm theo Báo cáo số 113/BC-BCT ngày 13 tháng 12 năm 2021).

Ngày 12 tháng 01 năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 265/VPCP-TCCV về việc hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính và cơ quan liên quan thống nhất về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các giải pháp cụ thể kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương, hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngày 08 tháng 4 năm 2022, Bộ Công Thương đã gửi công văn các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính xin ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Công văn số 1808/BCT-CT).

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hoàn thiện Báo cáo như sau:

1. Về phạm vi, đối tượng báo cáo

Tại Báo cáo số 113/BC-BCT ngày 13 tháng 12 năm 2021 về hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương, Bộ Công Thương đã mở rộng phạm vi, đối tượng báo cáo, đưa tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đối tượng báo cáo trên cơ sở quy tại Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu đáp ứng một số điều kiện thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 47 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010Điều 34 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm: Bộ Công Thương (ở trung ương); Ủy ban nhân dân các cấp (ở địa phương); Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Do đó, để đảm bảo phạm vi, đối tượng tập trung là cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ, phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật hiện hành, nội dung của “Báo cáo hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương” có phạm vi, đối tượng gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương (Bộ Công Thương); cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã); cơ quan quản lý nhà nước khác (các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

2. Về giải pháp kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương

Thực hiện Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ngày 08 tháng 6 năm 2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 3203/TTr-BCT về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trên cơ sở điều chỉnh về phạm vi, đối tượng của Báo cáo, Bộ Công Thương đã bám sát vào các đề xuất về sửa đổi nội dung quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương.

Đồng thời, các giải pháp kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương đảm bảo trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo không tăng thêm đầu mối, không thành lập mới các tổ chức trung gian. Các giải pháp cụ thể như sau:

2.1. Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật

2.1.1. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương, vấn đề đặt ra đầu tiên là việc hoàn thiện chế tài về vai trò, trách nhiệm, tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua năm 2023 cần tập trung, hoàn thiện theo hướng:

Thứ nhất, điều chỉnh, bổ sung thêm quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương theo hướng quy định trách nhiệm chung về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm quản lý ngành. Trong đó, đối với trách nhiệm quản lý ngành tập trung vào một số nội dung:

- Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

- Ban hành quy chế giám sát việc thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực công thương;

- Quản lý hoạt động khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực được phân công quản lý...

Thứ hai, quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có bổ sung quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật và thực hiện chức năng giám sát thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ ba, điều chỉnh, bổ sung thêm quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng:

- Quản lý hoạt động khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trên địa bàn; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

- Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

- Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương...

Thứ tư, bổ sung quy định giải quyết tranh chấp tại Tòa án là cơ sở để giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ năm, điều chỉnh, bổ sung quy định về hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định cụ thể tôn chỉ, mục đích, quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2.1.2. Pháp luật chuyên ngành

Trên cơ sở chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được điều chỉnh, bổ sung và chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các bộ, ngành sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong pháp luật chuyên ngành để đảm bảo tính tương thích của quy định pháp luật và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

2.2. Giải pháp nâng cao năng lực thực thi cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương.

2.2.1. Bộ Công Thương

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình quốc gia, kế hoạch tổng thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Đặc biệt, trong thời gian tới, cần tập trung nguồn lực nhằm xây dựng, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến trong tháng 5 năm 2023.

Thứ hai, chủ động cơ cấu, bố trí nguồn lực nhằm đảm bảo tổ chức, hoạt động của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, có việc bố trí đơn vị chuyên trách, bổ sung nguồn nhân lực trên cơ sở vị trí việc làm được phê duyệt và nguồn kinh phí ngân sách cấp hàng năm để tổ chức hoạt động hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ ba, xây dựng vị trí việc làm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tích cực, chủ động hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn tại các địa phương.

Thứ tư, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chung trên cả nước; đảm bảo kết nối thông tin, liên lạc từ trung ương tới địa phương đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách toàn diện, thống nhất.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt các hoạt động hợp tác song phương, đa phương để nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam với tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế và khu vực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2.2.2. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương

Lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực hiện phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương từ rất sớm, điều này phản ánh đúng bản chất của hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần quản lý ở cấp độ sâu và rộng, mang tính chất toàn diện.

Do đó, tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương, cũng như xây dựng nền tảng cho các địa phương tăng cường tính chủ động trong công tác quản lý, cần tập trung vào những nội dung sau:

2.2.2.1. Giải pháp chung

Thứ nhất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để tạo cơ chế đồng thuận, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Thứ hai, xây dựng vị trí việc làm công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Thứ ba, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

2.2.2.2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh;

Thứ hai, thống nhất việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phòng thực hiện chức năng quản lý thương mại tại các Sở Công Thương trên toàn quốc;

Thứ ba, chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động quản lý.

Thứ tư, tùy thuộc vào thực tiễn, điều kiện phát triển của từng địa phương, tiến tới thành lập các tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng tại địa phương.

Thứ năm, tăng cường công tác xã hội hóa tại các địa phương, mỗi địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn xây dựng cơ chế huy động sự chung tay của cộng đồng, xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, thực hiện việc giao nhiệm vụ quản lý và tạo điều kiện cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; hỗ trợ, đảm bảo nguồn kinh phí cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao tại địa phương.

2.2.2.3. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Thứ hai, tổ chức, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật tại địa phương; bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động quản lý.

Thứ ba, tùy thuộc vào thực tiễn, điều kiện phát triển của từng địa phương, tiến tới thành lập các tổ chức hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức triển khai nhiệm vụ tiếp nhận, giải yêu cầu của người tiêu dùng tại địa phương theo thẩm quyền.

Thứ tư, tăng cường công tác xã hội hóa tại các địa phương, mỗi địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn xây dựng cơ chế huy động sự chung tay của cộng đồng, xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương đảm bảo quy định của pháp luật.

2.2.2.4. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

Thứ hai, tổ chức, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật tại địa phương; bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ ba, tăng cường công tác xã hội hóa tại các địa phương, mỗi địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn xây dựng cơ chế huy động sự chung tay của cộng đồng, xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương đảm bảo quy định của pháp luật.

2.3. Các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong thời gian tới, để phát huy tối đa vai trò của các bộ, ban, ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành chủ động, phối hợp trong việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa các bộ, ngành để tổ chức thực thi hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, phối hợp Bộ Công Thương trong việc xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình quốc gia, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ ba, tăng cường cơ chế tham vấn, hỗ trợ, giải quyết triệt để các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý.

Thứ tư, bố trí nguồn nhân lực, ngân sách để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ rà soát sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21 tháng 4 năm 2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội, trong đó xem xét quy định cơ chế coi Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là các hội hoạt động có tính chất đặc thù.

Thứ sáu, Bộ Tài chính thẩm định và cấp kinh phí cho hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương, đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương xin gửi kèm theo: (i) Báo cáo hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương;(ii) Bảng tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến các cơ quan liên quan.

Bộ Công Thương kính trình và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính;
- UBND tỉnh, thành phố;
- Các Vụ: TCCB; PC;
- Lưu: VT; CT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3859/BCT-CT năm 2022 về hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 3859/BCT-CT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Sinh Nhật Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản