Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3834/TCCB-TCLĐTL
V/v Hướng dẫn xếp hạng và xếp lương đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong các chi nhánh, công ty thuộc các NHTMNN.

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2005

 

Kính gửi:

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Ngân hàng Thương mại Nhà nước.

 

Vừa qua, Liên Bộ: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/8/2005 về việc hướng dẫn xếp hạng và xếp lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng công ty nhà nước. Để thực hiện Thông tư Liên Bộ nói trên, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc xếp hạng và xếp lương đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng thương mại Nhà nước, cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN XẾP HẠNG CHI NHÁNH:

1. Đối tượng áp dụng

- Các chi nhánh cấp I (sau đây gọi tắt là chi nhánh) trực thuộc Hội sở chính, Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ, Sở giao dịch của các Ngân hàng thương mại Nhà nước.

- Các công ty cho thuê tài chính của các Ngân hàng thương mại

2. Điều kiện áp dụng: Các chi nhánh thuộc các Ngân hàng thương mại Nhà nước phải có đủ 2 điều kiện sau đây mới được xếp hạng doanh nghiệp:

a. Được xếp hạng theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp ban hành kèm theo công văn này (Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02).

b. Năm xếp hạng không nằm trong danh sách chuyển đổi hình thức sở hữu: (cổ phần hóa, giao, bán); thay đổi phương thức quản lý (khoán, cho thuê); tổ chức lại (sáp nhập, hợp nhất, chia tách); giải thể, phá sản.

II. CÁCH XẾP HẠNG, THỦ TỤC HỒ SƠ ĐỂ XẾP HẠNG DOANH NGHIỆP

1. Cách xếp hạng:

a. Các căn cứ xếp hạng:

* Căn cứ tiêu chuẩn xếp hạng tại phụ lục số 01 (đối với các chi nhánh trực thuộc Hội sở chính, Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ, Sở giao dịch của các Ngân hàng thương mại Nhà nước) và phụ lục số 02 (đối với các công ty cho thuê tài chính). (Trường hợp đặc thù các chỉ tiêu trong bảng xếp hạng chưa phù hợp với tính chất hoạt động của chi nhánh, Sở giao dịch đề nghị các Ngân hàng Thương mại Nhà nước có văn bản gửi Liên Bộ xem xét thỏa thuận riêng).

Riêng đối với các công ty trực thuộc Hội sở chính như: Công ty vàng bạc, công ty chứng khoán, công ty in thương mại dịch vụ … hiện nay chưa có bảng tiêu chuẩn xếp hạng, đề nghị Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ đạo tiến hành xây dựng tiêu chuẩn xếp hạng hoặc vận dụng các bảng tiêu chuẩn đã có trong Thông tư số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/8/2005 của Liên Bộ để xếp hạng. Việc ban hành bảng tiêu chuẩn mới hoặc vận dụng các bảng tiêu chuẩn đã có để xếp hạng, đề nghị các Ngân hàng thương mại Nhà nước phải có văn bản gửi Liên Bộ và Ngân hàng Nhà nước thỏa thuận trước khi thực hiện.

b. Xác định giá trị và tính điểm chỉ tiêu xếp hạng:

- Xác định giá trị từng chỉ tiêu: Căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 2 năm trước liền kề, ước thực hiện hoặc thực hiện 6 tháng của năm xếp hạng, đơn vị xác định giá trị từng chỉ tiêu xếp hạng theo hệ thống tài khoản quy định. (Số hiệu các tài Khoản tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo công văn này). Cụ thể:

* Vốn huy động:

- Đối với các chi nhánh và Sở giao dịch: Vốn huy động bao gồm các loại tiền gửi của khách hàng, không kể vốn vay.

- Riêng Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam do không có vốn huy động từ khách hàng nên lấy vốn huy động bình quân trên các tài khoản tiền gửi của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, tiền vay trên thị trường tiền tệ liên Ngân hàng: Vay Ngân hàng Nhà nước (vay cầm cố, vay chiết khấu, vay thế chấp hợp đồng tín dụng), vay từ các Ngân hàng khác, Tài trợ thương mại và tiền gửi các công ty trực thuộc (trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam).

* Dư nợ cho vay khách hàng.

- Đối với các chi nhánh và Sở giao dịch: Dư nợ cho vay khách hàng bao gồm các loại tài khoản cho vay từ các tổ chức trong và ngoài nước; chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác; các khoản trả thay khách hàng; cho vay vốn đặc biệt; cho vay thanh toán công nợ; cho vay đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch Nhà nước.

- Riêng Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam lấy từ các tài khoản đầu tư giấy tờ có giá, cho vay các công ty trực thuộc, cho vay các chi nhánh trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho vay các tổ chức tín dụng, tài chính trong và ngoài nước.

* Doanh thu và thu nhập khác lấy từ các tài khoản loại 7 (Thu nhập) trên cân đối.

* Số lao động là lao động bình quân thực tế sử dụng của các chi nhánh.

* Lợi nhuận thực hiện là hiệu số giữa doanh thu và chi phí trong đó doanh thu lấy từ các tài khoản loại 7 (Thu nhập), chi phí lấy từ các tài khoản loại 8 (Chi phí) trên cân đối. Trường hợp lợi nhuận của chi nhánh không tính đúng theo nguyên tắc trên, có sự điều chỉnh của Hội sở chính Ngân hàng thương mại Nhà nước thì đơn vị phải có báo cáo giải trình cụ thể.

* Tỷ lệ nợ quá hạn được tính bằng tỷ lệ nợ xấu: Theo quy định về phân loại “nợ xấu” tại Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.

- Tỷ lệ nợ xấu được xác định là các khoản nợ thuộc nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ), nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trên tổng dư nợ.

- Riêng Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tỷ lệ nợ quá hạn được thay bằng việc thực hiện hạn mức rủi ro; hạn mức lỗ kinh doanh ngoại tệ theo quy định của Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vượt quá hạn mức theo quy định không được điểm; dưới hạn mức đạt điểm tối đa.

* Lợi nhuận bình quân/người/năm bằng lợi nhuận thực hiện chia số lao động bình quân thực tế sử dụng.

c. Tính giá trị từng chỉ tiêu:

- Nếu giá trị của chỉ tiêu xác định được bằng hoặc lớn hơn giá trị tối đa trong tiêu chuẩn thì điểm của chỉ tiêu đó là điểm tối đa trong tiêu chuẩn;

- Nếu giá trị của chỉ tiêu xác định được nhỏ hơn giá trị tối thiểu trong tiêu chuẩn thì điểm của chỉ tiêu đó là điểm tối thiểu trong tiêu chuẩn. Riêng các chi nhánh, công ty bị lỗ thì điểm của chỉ tiêu lợi nhuận và lợi nhuận bình quân trên đầu người bằng 0 điểm.

- Nếu giá trị của chỉ tiêu xác định được nằm trong giới hạn giá trị tối thiểu và giá trị tối đa của bảng tiêu chuẩn thì điểm của chỉ tiêu đó được xác định theo công thức sau:

Đct =

 

Tct - Tmin

x (Đmax – Đmin)

+ Đmin

Tmax - Tmin

Trong đó:

+ Đct: Điểm theo chỉ tiêu của chi nhánh, công ty

+ Tct: Giá trị tính điểm chỉ tiêu của chi nhánh, công ty.

+ Tmax: Giá trị tối đa của chỉ tiêu tính điểm trong bảng tiêu chuẩn.

+ Tmin: Giá trị tối thiểu của chỉ tiêu tính Điểm trong bảng tiêu chuẩn.

+ Đmax: Điểm tối đa của chỉ tiêu tính điểm trong bảng tiêu chuẩn.

+ Đmin: Điểm tối thiểu của chỉ tiêu tính điểm trong bảng tiêu chuẩn.

Khi xác định giá trị của các chỉ tiêu vốn huy động, dư nợ cho vay khách hàng, doanh thu và thu nhập khác, lợi nhuận, lợi nhuận bình quân trên đầu người, nộp ngân sách nhà nước phải loại trừ yếu tố trượt giá so với năm ban hành tiêu chuẩn xếp hạng, năm 2004.

Việc loại trừ yếu tố trượt giá theo chỉ số giá cả chung do Tổng cục Thống kê công bố, theo công thức sau:

Txs =

Txt

Hcg

Trong đó:

+ Txs là chỉ tiêu x sau khi loại trừ yếu tố trượt giá;

+ Txt là chỉ tiêu x chưa loại trừ yếu tố trượt giá;

+ Hcg là chỉ số giá của năm xác định giá trị các chỉ tiêu xếp hạng so với năm 2004.

Ví dụ: Theo quyết toán tài chính, năm 2005 chi nhánh Ngân hàng Công thương A đạt doanh thu 200 tỷ đồng và năm 2006 đạt 250 tỷ đồng. Tháng 2/2007, chi nhánh A xem xét xếp lại hạng. Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá của các năm sau:

+ Tháng 12/2005 bằng 1,05 (tăng 5%) so với tháng 12/2004.

+ Tháng 12/2006 bằng 1,07 (tăng 7%) so với tháng 12/2005.

Như vậy chỉ tiêu doanh thu để tính điểm theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng đối với công ty B sau khi loại trừ yếu tố trượt giá theo các năm là:

Năm 2005:

Txs =

200

= 190,5 tỷ đồng

1,05

Năm 2006:

Txs =

250

= 222,5 tỷ đồng

1,05 x 1,07

Sau khi xác định được tổng số điểm, chi nhánh, công ty xác định yếu tố dưới đây để được xem xét cộng thêm điểm:

+ Chi nhánh, công ty (trụ sở của chi nhánh, công ty) đóng trên địa bàn có phụ cấp khu vực mức 0,3; 0,4 và 0,5 được cộng thêm 1 điểm; mức từ 0,7 trở lên được cộng thêm 2 điểm.

+ Riêng Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm chính việc quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ được cộng thêm 1 điểm vào tổng điểm nếu không vi phạm quy định tại quyết định số 1081/2002/QĐ-NHNN ngày 7/10/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về trạng thái ngoại tệ/tổng vốn tự có của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; không vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về dự trữ bắt buộc.

d. Việc định hạng: Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các chỉ tiêu theo từng năm và đối chiếu với khung điểm xếp hạng trong tiêu chuẩn quy định để định hạng chi nhánh, công ty theo quy định sau:

- Đối với các chi nhánh, công ty đã được xếp hạng phải thực hiện xếp lại hạng theo quy định tại văn bản này và chậm nhất trong vòng 01 năm kể từ khi công văn này có hiệu lực phải tổng hợp số liệu xếp hạng của 02 năm liền kề và dự kiến kế hoạch hoặc thực hiện 6 tháng của năm xếp hạng và kết quả chấm điểm theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng, gửi về Ngân hàng Nhà nước xem xét để thực hiện định lại hạng đang xếp.

- Đối với các chi nhánh, công ty đã thành lập nhưng hiện nay chưa được xếp hạng thì phải tiến hành tổng hợp số liệu xếp hạng của hai năm, năm 2004 và 2005; kết quả chấm điểm theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng, gửi về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét xếp hạng.

- Đối với các chi nhánh, công ty thành lập mới chưa đủ số liệu 2 năm làm cơ sở xem xét xếp hạng có thể đề nghị tạm xếp hạng. Sau 01 năm kể từ ngày tạm xếp hạng phải thực hiện việc chấm điểm để xếp hạng chính thức.

đ. Sau 03 năm (tròn 36 tháng) kể từ ngày có quyết định xếp hạng, các chi nhánh, công ty của các Ngân hàng thương mại Nhà nước phải định lại hạng và trình Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định. Việc định lại hạng được căn cứ vào số liệu của 02 năm liền kề năm xếp lại hạng.

Đối với chi nhánh, công ty xếp hạng tạm thời, nếu hạng được xếp bằng hoặc nhỏ hơn khi xếp tạm thời thì thời hạn định lại hạng của công ty được tính từ khi xếp tạm thời.

2. Hồ sơ đề nghị xếp hạng gồm có:

- Công văn đề nghị của Ngân hàng thương mại nhà nước;

- Bảng tính điểm theo các chỉ tiêu xếp hạng của 2 năm trước liền kề năm xếp hạng và kế hoạch năm xếp hạng.

- Cân đối kế toán 2 năm trước liền kề.

III. XẾP LƯƠNG THEO HẠNG

Các chức danh lãnh đạo quản lý chi nhánh, công ty từ cấp Phó trưởng phòng và tương đương trở lên được xếp lương chức vụ theo hạng doanh nghiệp hoặc được hưởng phụ cấp chức vụ tương ứng theo hạng doanh nghiệp được duyệt.

1. Nguyên tắc xếp lương theo hạng:

Xếp lương theo hạng doanh nghiệp đối với Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng của chi nhánh, công ty quản lý theo nguyên tắc sau:

a. Chi nhánh, công ty được xếp hạng nào thì tùy theo chức danh đảm nhận để xếp lương tương ứng vào hạng đó theo bảng lương của Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng. Khi hạng chi nhánh, công ty thay đổi (nâng hạng hoặc xuống hạng) thì việc xếp lương cũng được thay đổi theo.

b. Khi viên chức quản lý không còn đảm nhận các chức danh nói trên thì phải xếp lại lương theo công việc mới đảm nhận, không bảo lưu mức lương theo hạng đã được xếp trước đây;

c. Cấp nào quyết định bổ nhiệm các chức danh nói trên thì cấp đó quyết định xếp lương.

2. Xếp lương:

Việc xếp lương thực hiện theo quy định sau:

a. Khi hạng chi nhánh, công ty không thay đổi, viên chức quản lý đang hưởng bậc lương tương ứng với chức danh nào thì giữ nguyên bậc lương đó.

b. Khi chi nhánh, công ty được nâng từ hạng dưới lên hạng trên, viên chức quản lý đang hưởng bậc lương tương ứng với chức danh nào thì xếp lương vào chức danh đó theo quy định như sau:

- Bậc 1 hạng dưới xếp vào bậc 1 hạng trên, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi có quyết định xếp lương bậc 1 hạng trên;

- Bậc 2 hạng dưới xếp vào bậc 1 hạng trên, nếu có thời gian giữ bậc 2 hạng dưới dưới 3 năm, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi có quyết định xếp lương bậc 2 hạng dưới;

- Bậc 2 hạng dưới xếp vào bậc 2 hạng trên, nếu có thời gian giữ bậc 2 hạng dưới từ 3 năm trở lên hoặc hệ số lương chức vụ bậc 2 hạng dưới cộng với hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) cao hơn hệ số lương bậc 1 hạng trên.

Trường hợp viên chức quản lý có hệ số lương chức vụ cộng hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) cao hơn hệ số lương bậc 2 hạng trên thì được chuyển xếp vào bậc 2 hạng trên và hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu tính lại theo lương đã chuyển xếp vào hạng (nếu có).

c. Khi chi nhánh, công ty từ hạng trên hạ xuống hạng dưới, viên chức quản lý đang hưởng bậc lương tương ứng với chức danh nào thì xếp vào chức danh đó theo quy định sau:

- Bậc 1 hạng trên xếp vào bậc 1 hạng dưới, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp bậc 1 hạng trên;

- Bậc 2 hạng trên xếp vào bậc 2 hạng dưới.

d. Đối với viên chức quản lý mới được bổ nhiệm, đảm nhận chức danh nào thì xếp vào chức danh đó theo hạng chi nhánh, công ty theo quy định sau:

- Xếp vào bậc 1, nếu hệ số lương trước khi bổ nhiệm bằng hoặc thấp hơn hệ số lương bậc 1. Thời gian nâng bậc lương tính từ khi xếp lương bậc 1. Trường hợp mức chênh lệch giữa hệ số lương trước khi bổ nhiệm và hệ số lương bậc 1 nhỏ hơn 70% khoảng chênh lệch giữa hệ số lương bậc 1 và bậc 2 thì thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp mức lương trước khi bổ nhiệm;

- Xếp vào bậc 2 nếu hệ số lương trước khi bổ nhiệm cao hơn hệ số lương bậc 1.

đ. Đối với viên chức quản lý không còn đảm nhận các chức danh nói trên thì xếp lại lương theo công việc, chức vụ mới, không bảo lưu hệ số lương cũ hoặc chuyển ngang sang hệ số lương mới tương ứng.

Ví dụ, Bà Nguyễn Thị A, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương X, đang xếp lương bậc 2, Giám đốc chi nhánh hạng II có hệ số lương 6,31 (trước khi xếp lương chức vụ bà A xếp lương chuyên môn bậc 4 ngạch chuyên viên chính có hệ số lương 4,10 từ tháng 12/1996). Tháng 10/2005 bà A được điều động làm Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thì việc chuyển xếp lương của bà A thực hiện như sau:

Lấy hệ số lương chuyên môn của bà A trước khi xếp lương chức vụ là chuyên viên chính, bậc 4 hệ số 4,10 chuyển xếp lương mới hệ số 4,99, thời gian giữ hệ số lương 4,10 đến khi thôi giữ chức vụ quản lý là 8 năm 10 tháng (tháng 12/1996 đến tháng 10/2005) nên bà A được chuyển xếp lương vào ngạch chuyên viên chính, bậc 6 có hệ số lương 5,65 và hưởng phụ cấp giữ chức vụ Trưởng phòng của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Thời gian còn lại chưa đủ xếp lên 1 bậc nữa (8 năm 10 tháng – 6 năm/2 bậc = 2 năm 10 tháng) được bảo lưu đến khi đủ 3 năm (36 tháng) thì nâng tiếp thêm 1 bậc, thời gian giữ bậc để nâng lương lần sau tính từ ngày nâng bậc lương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc xếp lại hạng cho các chi nhánh, công ty thuộc các Ngân hàng thương mại Nhà nước quy định tại công văn này được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2006. Các chi nhánh, công ty của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trong quý I/2006 tổng hợp số liệu thực hiện năm 2004, 2005 và ước thực hiện năm 2006; chấm điểm theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng quy định tại công văn này.

2. Căn cứ vào tổng số điểm chi nhánh, công ty đạt được các Ngân hàng thương mại Nhà nước làm văn bản đề nghị xếp hạng theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng mới:

- Đối với chi nhánh, công ty đạt điểm xếp hạng I, phải làm văn bản riêng gửi Liên Bộ: Ngân hàng Nhà nước - Bộ Lao động Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính xem xét, thỏa thuận xếp hạng chính thức.

- Đối với chi nhánh, công ty đạt điểm xếp hạng II và hạng III, làm văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.

- Đối với chi nhánh, công ty mới thành lập, chưa có đủ số liệu 2 năm tính điểm xếp hạng, các Ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ vào quy mô, hiệu quả tương quan trong nội bộ có văn bản đề nghị Liên Bộ tạm thời xếp hạng I hoặc đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạm thời xếp hạng từ hạng II trở xuống. Sau 1 năm tạm xếp hạng, chi nhánh, công ty tổng hợp số liệu thực hiện, chấm điểm theo bảng tiêu chuẩn xếp hạng và làm văn bản đề nghị Liên Bộ (nếu đủ điểm hạng I) hoặc Ngân hàng Nhà nước (nếu đủ Điểm xếp hạng II hoặc III) xem xét, thỏa thuận xếp hạng chính thức.

3. Các văn bản hướng dẫn về xếp hạng các chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước trước đây trái với nội dung công văn này đều hết hiệu lực thi hành.

Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Ngân hàng Thương mại Nhà nước chỉ đạo các bộ phận chức năng triển khai thực hiện xếp lại hạng cho các chi nhánh, công ty theo bảng tiêu chuẩn mới.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên cứu giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu TCCB1.

TL. THỐNG ĐỐC
VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ




Nguyễn Quang Thép

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3834/TCCB-TCLĐTL về việc hướng dẫn xếp hạng và xếp lương đối với Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong các chi nhánh, công ty thuộc các Ngân hàng thương mại Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 3834/TCCB-TCLĐTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/12/2005
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Quang Thép
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản