Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 382/TY-KD
V/v Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2012/TT-BTC về thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm dịch

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2012

 

Kính gửi:

- Các Cơ quan Thú y vùng;
- Các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng;
- Chi cục Thú y các tỉnh được Cục Thú y ủy quyền công tác kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới.

 

Ngày 03/01/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BTC hướng dẫn việc thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm dịch (sau đây gọi là Thông tư 01). Nhằm tăng cường quản lý đối với động vật, sản phẩm động vật (bao gồm cả thủy sản, sản phẩm thủy sản) nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, Cục Thú y hướng dẫn các Cơ quan Thú y vùng, các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y và Chi cục Thú y các tỉnh được Cục Thú y ủy quyền công tác kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới thực hiện việc kiểm dịch, quản lý giám sát hàng hóa được quy định tại một số điểm trong Thông tư 01 như sau:

I. Đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

1. Tại cửa khẩu nhập, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện:

a) Kiểm tra hồ sơ kiểm dịch theo quy định hiện hành, xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm dịch (Mẫu 3) ban hành kèm theo Quyết định số 86/2005/QĐ-BNN ngày 26/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi là Quyết định 86) để chủ hàng đăng ký mở tờ khai với cơ quan hải quan.

- Đối với các lô hàng trung chuyển qua một nước khác được bốc dỡ gửi kho ngoại quan, đóng gói lại, thay đổi Công - tơ - nơ chứa hàng, chủ hàng nộp cho cơ quan kiểm dịch động vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan kiểm dịch nước trung chuyển cấp (kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu).

- Đối với các lô hàng sản phẩm thủy sản nhập từ các tàu thu mua, đánh bắt trên biển (trực tiếp cập cảng Việt Nam) không có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất, chủ hàng phải có văn bản giải trình với cơ quan kiểm dịch động vật (gửi kèm hồ sơ của tầu liên quan đến việc đánh bắt, mua bán trên biển).

b) Kiểm tra thực trạng, điều kiện bảo quản hàng hóa; niêm phong phương tiện vận chuyển hàng hóa (sử dụng niêm phong kẹp chì hoặc dây niêm phong có mã số của cơ quan kiểm dịch động vật);

c) Sau khi kiểm tra hồ sơ, điều kiện bảo quản hàng hóa, nếu đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch động vật:

- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho chủ hàng: Mẫu 24, 25 ban hành kèm theo Quyết định 86 đối với động vật, sản phẩm động vật; Mẫu 8 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 (sau đây gọi là Thông tư 06) đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản.

- Giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ tên hàng, khối lượng; biển kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng (đối với xe tải, xe lạnh), mã số của Công - tơ - nơ tương ứng với mã số dây niêm phong kiểm dịch. Trường hợp lô hàng có nhiều phương tiện vận chuyển hàng hoặc Công - tơ - nơ, cơ quan kiểm dịch động vật lập danh sách mã số (kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch);

- Mỗi giấy chứng nhận kiểm dịch chỉ sử dụng để xuất hàng qua 01 cửa khẩu (phù hợp với tờ khai Hải quan);

d) Số lượng giấy chứng nhận kiểm dịch cấp cho lô hàng như sau:

- 03 bản Original (01 bản lưu tại cơ quan kiểm dịch động vật, 02 bản giao cho chủ hàng);

- 02 bản Copy (01 bản lưu tại cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu xuất, 01 bản để giao lại cho cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập sau khi xác nhận lô hàng đã xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam).

đ) Thông báo cho cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu xuất những thông tin về lô hàng ngay sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch (qua điện thoại hoặc E.mail).

2. Trường hợp có nhu cầu thay đổi cửa khẩu xuất hàng, chủ hàng gửi văn bản đề nghị xin đổi cửa khẩu xuất hàng cho cơ quan kiểm dịch động vật.

- Trường hợp lô hàng vẫn còn lưu tại cửa khẩu nhập, chủ hàng gửi văn bản cho cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập để chỉnh sửa hoặc đổi lại giấy chứng nhận kiểm dịch;

- Trường hợp lô hàng đã vận chuyển hoặc đã đến cửa khẩu xuất hàng, chủ hàng gửi văn bản tới cơ quan kiểm dịch động vật quản lý cửa khẩu xuất. Cơ quan kiểm dịch động vật xác nhận (có chữ ký, đóng dấu) về việc đồng ý thay đổi cửa khẩu xuất hàng (01 bản giao lại cho chủ hàng, 01 bản lưu).

3. Tại cửa khẩu xuất, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện:

- Kiểm tra hồ sơ kiểm dịch theo quy định hiện hành.

- Kiểm tra thực trạng, điều kiện bảo quản hàng hóa; biển kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hoặc mã số của Công - tơ - nơ, mã số niêm phong kiểm dịch;

- Phối hợp với Hải quan giám sát việc mở niêm phong kiểm dịch và tái xuất hàng hóa;

- Xác nhận kiểm dịch sau khi toàn bộ hàng hóa đã được xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

- Thông báo cho Cục Thú y, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập về những trường hợp vi phạm và biện pháp xử lý.

II. Đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm hàng hóa nhập khẩu, nhập khẩu gia công hàng xuất khẩu, tái nhập).

1. Đối với hàng hóa thực hiện kiểm dịch tại cửa khẩu nhập, sau khi thực hiện việc kiểm dịch theo quy định hiện hành, cơ quan kiểm dịch động vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu (Mẫu 22, 23 ban hành kèm theo Quyết định 86 đối với động vật, sản phẩm động vật; Mẫu 7 ban hành kèm theo Thông tư 06 đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản) để chủ hàng làm thủ tục thông quan hàng hóa. Số lượng giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp như sau:

- 03 bản Original (02 bản giao cho chủ hàng, 01 bản lưu tại cơ quan kiểm dịch động vật);

- 02 bản Copy (giao cho chủ hàng).

2. Đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu.

a) Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập thực hiện:

- Kiểm tra hồ sơ kiểm dịch, điều kiện bảo quản hàng hóa theo quy định hiện hành.

- Niêm phong phương tiện vận chuyển hàng (sử dụng niêm phong kẹp chì hoặc dây niêm phong có mã số của cơ quan kiểm dịch động vật);

- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu vận chuyển về khu cách ly kiểm dịch (Mẫu 20, 21 ban hành kèm theo Quyết định 86 đối với động vật, sản phẩm động vật; Mẫu 06 ban hành kèm theo Thông tư số 06 đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản) (03 bản Original). Giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ tên hàng, khối lượng; biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển (đối với xe tải, xe lạnh) hoặc mã số của Công - tơ - nơ; mã số dây niêm phong.

Trường hợp lô hàng có nhiều phương tiện vận chuyển hoặc nhiều Công - tơ - nơ, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập lập danh sách (kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch).

b) Tại cửa khẩu đến, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thực hiện theo mục II.1 của bản hướng dẫn này.

3. Đối với hàng hóa được đưa về khu cách ly kiểm dịch, kho bảo quản để thực hiện kiểm dịch:

a) Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập thực hiện theo mục II.2.a của bản hướng dẫn này;

Trường hợp lô hàng vận chuyển về kho ngoại quan tại khu vực cửa khẩu nhập, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập xác nhận lô hàng đủ điều kiện nhập vào Việt Nam tại Mẫu 3 ban hành kèm theo Quyết định 86;

b) Sau khi kết thúc thời gian cách ly kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện theo mục II.1 của bản hướng dẫn này.

4. Đối với hàng hóa nhập khẩu phi mậu dịch (mang theo người hoặc gửi qua bưu điện) phục vụ cho nhu cầu cá nhân, hàng mẫu.

a) Chủ hàng chỉ khai báo kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu nhập (không phải đăng ký kiểm dịch với Cục Thú y), với số lượng cụ thể như sau:

- Đối với động vật: Số lượng không quá 02 con, với mục đích để nuôi làm cảnh, sinh hoạt trong gia đình, hoặc đi du lịch, công tác, quá cảnh;

- Đối với sản phẩm động vật đã qua chế biến, xử lý ở nhiệt độ cao: Khối lượng không quá 05 kg.

b) Nội dung kiểm dịch thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 19 của Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với động vật, sản phẩm động vật; Điều 26 của Thông tư 06 đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản.

c) Đối với trường hợp sản phẩm đã qua chế biến được đóng gói có đầy đủ nhãn mác theo quy định (quà tặng, mua tại cửa hàng) không có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện:

- Kiểm tra cảm quan, bao bì, nhãn mác hàng hóa;

- Lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y khi nghi ngờ hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị gửi văn bản về Cục Thú y để xử lý kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- TTr Diệp Kỉnh Tần (để b/c);
- Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- Tổng cục Hải quan;
- Lưu VT, KD.

Q. CỤC TRƯỞNG




Hoàng Văn Năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 382/TY-KD hướng dẫn Thông tư 01/2012/TT-BTC về thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm dịch do Cục Thú y ban hành

  • Số hiệu: 382/TY-KD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/03/2012
  • Nơi ban hành: Cục Thú y
  • Người ký: Hoàng Văn Năm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản