Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3760/BGDĐT-CTHSSV
V/v tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2011

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Theo thông báo số 391/DP-DT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng thì tình hình bệnh tay chân miệng trong 4 tháng đầu năm 2011 đang có chiều hướng gia tăng ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bến Tre. Số mắc tích lũy từ đầu năm đến nay là 3.197 trường hợp, trong đó có 09 trường hợp tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi đang đi học tại các nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh lây theo đường tiếp xúc với đồ chơi bị nhiễm bệnh, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, tiếp xúc với môi trường lớp học không sạch sẽ. Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng không lây lan trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo triển khai các nội dung công việc sau:

1. Tăng cường truyền thông giáo dục cho trẻ em, học sinh thực hiện tốt các hành vi vệ sinh cá nhân như: vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi chơi chung đồ chơi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt chú ý xử lý phân, chất thải trong trường học để tránh lây lan mầm bệnh.

2. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thầy giáo, cô giáo và cha mẹ học sinh kiến thức về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Đồng thời phải theo dõi trẻ hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời.

3. Đối với trẻ mắc bệnh tiến hành cách ly y tế tại nhà và tại các cơ sở y tế ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết các triệu chứng của bệnh. Khi có từ 2 trẻ trong một lớp trở lên bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày cần phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đề xuất phương án cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để phòng tránh lây lan mầm bệnh.

4. Vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh hàng ngày bằng nước xả phòng và lau bằng dung dịch Chloramin B 2%. Các dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc cần phải được ngâm, tráng nước sôi trước khi sử dụng.

Nhận được công văn này, đề nghị các sở giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xuất hiện dịch xảy ra tại cơ sở theo địa chỉ: Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Điện thoại/Fax: 04 38680367. E-mail: lvtuan@moet.gov.vn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT. Nguyễn Vinh Hiển (để phối hợp);
- TT. Nguyễn Thị Nghĩa (để phối hợp);
- Bộ Y tế (để phối hợp);
- Vụ: GDĐH, GDCN, GDTrH, GDTH, GDMN (để phối hợp);
- Lưu: VT, Vụ CTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quang Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3760/BGDĐT-CTHSSV về tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 3760/BGDĐT-CTHSSV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/06/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Quang Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản