Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3708/BNN-TCCB
V/v sơ kết tình hình triển khai Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

 

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Bình đẳng giới)

Thực hiện Công văn số 3111/LĐTBXH-BĐG ngày 21/8/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sơ kết tình hình triển khai Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) báo cáo như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2011-2020 VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Tình hình triển khai

1.1. Công tác xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

Trong giai đoạn 2011-2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành mới các văn bản chỉ đạo, quản lý đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong phạm vi quản lý của Bộ:

- Quyết định số 3036/QĐ-BNN-TCCB ngày 12/12/2011 phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kèm theo Quyết định là bản Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị.

- Báo cáo số 08/BC-BNN-TCCB ngày 04/1/2011: Báo cáo Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2010 trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT.

- Báo cáo số 97 BC/BCS ngày 12/7/2011: Báo cáo Ban tổ chức Trung ương về công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

- Báo cáo số 3863/BNN-TCCB ngày 30/12/2011: Báo cáo Bộ Nội vụ về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.

-Báo cáo số 277/BNN-TCCB ngày 10/2/2012: Báo cáo Ủy ban về các vấn đề xã hội theo trách nhiệm quy định tại Luật bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008, Nghị định số 48/2009; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015.

- Báo cáo số 1952/BNN-TCCB ngày 28/6/2012: Báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 của Ban VSTBPN Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Báo cáo số 2144/BNN-TCCB ngày 13/7/2012: Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

- Báo cáo số 3719/BNN-TCCB ngày 30/10/2012: Báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về 5 năm tình hình thực hiện luật bình đẳng giới.

- Báo cáo số 715/BNN-TCCB ngày 1/3/2013: Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

- Báo cáo số 717/BNN-TCCB ngày 1/3/2013: Báo cáo Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam về các vấn đề xã hội theo trách nhiệm quy định tại Luật bình đẳng giới, Nghị định số 70/2008, Nghị định số 48/2009; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020; Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015.

- Quyết định số 2275/QĐ-BNN-TCCB ngày 4/10/2013: Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.2. Công tác lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện kế hoạch

Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn xác định vấn đề bình đẳng giới là một trong những nội dung quan trọng khi xây dựng chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, Bộ luôn đảm bảo sự tham gia của nữ cán bộ, công chức trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án có liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

Các chỉ tiêu xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch đã được lồng ghép giới được thể hiện trong Bộ chỉ số xây dựng, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch ngành như chỉ tiêu về chênh lệnh bình quân dân cư nông thôn của chủ hộ nữ so với chủ hộ nam, chỉ tiêu tỷ lệ lao động nữ đang làm việc ở nông thôn... nhằm đánh giá thực trạng vai trò của nữ giới và mục tiêu nâng cao vị thế của người phụ nữ trong nông nghiệp, nông thôn.

Các chỉ tiêu về bình đẳng giới đã được đề cập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch của Bộ, ngành. Nhìn chung, hầu hết các chỉ tiêu có thể lồng ghép nội dung bình đẳng giới đều đã được đưa vào và hướng dẫn trong quá trình xây dựng kế hoạch của từng chương trình, dự án, cơ quan, đơn vị. Ví dụ như đối với dự án khoa học công nghệ nông nghiệp (2007-2011) đã lồng ghép vấn đề giới trong nội dung các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề. Kết quả kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện dự án cho thấy các lớp tập huấn về khuyến nông, xây dựng mô hình trong các đề tài nghiên cứu tổ chức tại các xã, huyện tham gia dự án đều có tỉ lệ phụ nữ tham gia đạt từ 35-45%. Trong các đề tài nghiên cứu của dự án có 3.748 hộ nông dân tham gia, trong đó 48,75% phụ nữ được hưởng lợi (chỉ tiêu đề ra là 40%); Các lớp tập huấn của dự án có 8.260 người tham gia trong đó nữ chiếm 52%. Đào tạo sau đại học ở nước ngoài nữ chiếm tỉ lệ 26% (chỉ tiêu đề ra là 10%). Năm 2009, 2010, 2011 và đầu năm 2012 đã có 60 lớp tập huấn về chính sách an toàn tại các tỉnh thuộc trong vùng dự án. Các lớp tập huấn này do các chuyên gia tư vấn quốc tế giảng và học viên là các Chủ tịch xã, huyện và các cán bộ phụ nữ huyện, xã tỉ lệ nữ chiếm khoảng 45%. Bình đẳng giới đã được các chuyên gia quốc tế và chuyên gia về giới của Ngân hàng Phát triển Châu Á giảng trong các tập huấn và cán bộ chính sách an toàn của Ban quản lý dự án Trung ương đã đến từng xã, huyện trong vùng dự án để tuyên truyền.

Năm 2011-2012 đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược giới ngành nông nghiệp và PTNT”. Đề tài đã đề xuất được một số điểm cần lưu ý khi xây dựng các chỉ tiêu về chiến lược giới và kế hoạch hành động về bình đẳng giới đến năm 2015.

1.3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ được thường xuyên thực hiện bằng cách lồng ghép với hoạt động của các chương trình, dự án, cũng như thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn.

Thực hiện Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 4/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Tiểu đề án 1 “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân nông thôn”. Các nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã được thực hiện lồng ghép thông qua hoạt động của Tiểu Đề án.

Năm 2011, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ cũng đã tuyên truyền và gửi tài liệu “Hệ thống các văn bản quy định hiện hành về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” đến thành viên của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như các Cục, Vụ, Trung tâm thuộc Bộ.

Năm 2012, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ đã tuyên truyền, phổ biến về nội dung và ý nghĩa của cuộc thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” đến các đơn vị thuộc Bộ. Tổng số có 19 đơn vị thuộc Bộ (7 trường đại học/cao đẳng/trung học chuyên nghiệp; 3 Viện Nghiên cứu; 9 Tổng cục/Cục/Trung tâm) với hơn 100 cá nhân đã gửi bài dự thi.

Năm 2013, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ đã khôi phục lại trang tin về Vì sự tiến bộ của phụ nữ trên website của Bộ để cập nhật các văn bản pháp luật và các hoạt động có liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Trong 03 năm qua, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách đối với lao động nữ, Bộ luật lao động, Luật an toàn lao động, Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Pháp lệnh dân số... Công tác tuyên tuyền được thực hiện đến tận cơ sở nhằm trang bị thêm cho nữ cán bộ công chức, viên chức những vấn đề cơ bản để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và công tác. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua hội nghị, tọa đàm, tập huấn, họp chi bộ, họp công đoàn, đăng trên bảng tin, tạp chí nội bộ. Một số đơn vị có những hoạt động cụ thể:

+ Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam đã tổ chức 01 lớp tập huấn cho 60 người về Chương trình hành động về bình đẳng giới và có văn bản chỉ đạo các cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền tại cơ sở.

+ Tổng Công ty Cà phê Việt Nam: từ năm 2011 đến nay, có 132 cuộc tuyên truyền với 15 nghìn lượt người tham gia. Công tác tuyên truyền không chỉ cho nữ giới mà cả cho nam giới để góp phần thay đổi nhận thức về giới. Tổng công ty đã trực tiếp truyền đạt Luật bình đẳng giới, những kỹ năng ứng xử để hạn chế bạo lực gia đình và tuyên truyền bình đẳng giới trong kế hoạch hóa gia đình cho 23 cơ sở tại khu vực Đắk Lắk và 13 cơ sở tại khu vực Gia Lai - Kon Tum.

+ Tổng Công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam: đã tổ chức 02 hội nghị tọa đàm về công tác bình đẳng giới cho cán bộ lãnh đạo các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chuyên môn, các đoàn thể quần chúng các cấp và nữ công nhân viên, lao động với trên 500 lượt người tham dự.

+ Tổng cục Lâm nghiệp: đã tổ chức Hội thảo với chủ đề vai trò của giới trong quản lý rừng và thực hiện sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng cho 70 cán bộ công chức, viên chức thuộc khối cơ quan của Tổng cục. Mời báo cáo viên về báo cáo các vấn đề giới và hạnh phúc gia đình nhân dịp 8/3 và 20/10.

+ Trường Cao đẳng nghề cơ điện và công nghệ thực phẩm Hà nội: Tổ chức tập huấn và thành lập mạng lưới tuyên truyền gồm 05 chị để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Trường luôn duy trì “Ngày pháp luật” hàng tháng và lồng ghép tuyên truyền Luật bình đẳng giới, các văn bản pháp luật có liên quan.

+ Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10: Phối hợp với các ban, ngành, địa phương phát tài liệu “Sổ tay công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới”; “Hướng dẫn lồng ghép phổ biến chính sách về bình đẳng giới trong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật”; Phát tờ rơi vì sự tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới trong gia đình; Thực hiện các buổi tọa đàm chuyên đề về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ với ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nơi đóng trụ sở của đơn vị; Tổ chức tư vấn về giới.

1.4. Công tác thống kê, thu thập thông tin, số liệu tách biệt giới

Hầu hết các chương trình, hoạt động đều đã lưu ý đến công tác thu thập thông tin, số liệu tách biệt giới (công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm...).

Hàng năm, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ đều tiến hành tổng kết và gửi báo cáo về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đến Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ. Tuy nhiên, số liệu tách biệt giới chưa được đầy đủ và đồng bộ nên công tác thống kê, thu thập thông tin số liệu về bình đẳng giới còn gặp nhiều khó khăn.

1.5. Công tác kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ

Ngày 29/9/2011 đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ tại đơn vị cơ sở của Bộ Nông nghiệp và PTNT là Viện Di truyền nông nghiệp tại Hà Nội và Trạm thực nghiệm chuyển giao công nghệ tại Hưng Yên.

Ngày 9-10/11/2011, trên cơ sở phân công của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ, đ/c Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Thành viên của Ủy ban quốc gia và đại diện thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ tại Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 11/6/2012 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam tại Bộ để báo cáo công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ.

Hàng năm, phối hợp với công tác chuyên môn, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ tiến hành công tác kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ tại một số đơn vị cơ sở. Ví dụ: trong quá trình thanh tra, kiểm tra các quy định về an toàn vệ sinh lao động đối với các đơn vị thuộc Bộ đều quan tâm kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người lao động nữ, đặc biệt là về điều kiện và môi trường làm việc của các lao động nữ.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng có hình thức kiểm tra các cơ sở cấp dưới rất phong phú và cụ thể: kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, chế độ nghỉ thai sản, các ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, việc sắp xếp công việc cho những nữ cán bộ trong thời gian nuôi con nhỏ...

1.6. Tổ chức bộ máy thực hiện công tác bình đẳng giới

Hiện tại, tổ chức bộ máy thực hiện công tác bình đẳng giới của Bộ do Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đảm nhiệm.

Ngày 17/5/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định số 982/QĐ-BNN-TCCB về việc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo cơ cấu tổ chức: 01 đồng chí Thứ trưởng là Trưởng ban, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là Phó Ban và 01 đồng chí Phó Vụ trưởng là thường trực Ban, thành phần Ban có sự tham gia của lãnh đạo các Tổng cục và có sự bổ sung các thành viên mới thay thế các thành viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Ngày 4/6/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định số 1257/QĐ-BNN-TCCB về việc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ theo cơ cấu tổ chức mới: 01 Thứ trưởng là trưởng ban, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là Phó trưởng Ban, 01 Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là thường trực Ban; Thành phần Ban có sự tham gia của thủ trưởng các Vụ, Trung tâm, Công đoàn Bộ, Công đoàn ngành và Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT I. Riêng các Tổng cục tham gia thành viên Ban là đại diện 01 Phó Tổng cục trưởng. Để tăng cường đội ngũ nhân lực thực hiện các hoạt động của Ban, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ mới được thành lập có tổ giúp việc gồm 10 thành viên.

2. Kết quả đạt được

2.1. Thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm

Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia xây dựng những chính sách chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong đó có tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn”, từ đó nâng cao khả năng của người lao động, đặc biệt là người phụ nữ trong tìm việc làm và có thu nhập tốt hơn.

Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về tuyển dụng, sắp xếp tinh giản đội ngũ cán bộ đều phải chú ý đến vấn đề giới: Quy định các đơn vị không được phân biệt đối tượng tuyển dụng nữ trong khi xác định nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan đơn vị; Loại bỏ mọi hình thức phân biệt giới không phù hợp trong tuyển dụng ở các đơn vị hành chính sự nghiệp; Nếu 2 ứng cử viên thi tuyển vào cùng một vị trí có điểm bằng nhau sẽ ưu tiên tuyển cán bộ nữ; Tạo điều kiện cho các cán bộ nữ được ổn định việc làm và được hưởng các chính sách trong khuôn khổ quy định của nhà nước....

Các đơn vị của Bộ có nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho nữ cán bộ công chức, viên chức:

- Một số đơn vị tạo điều kiện cho các giảng viên có con nhỏ dưới 36 tháng được giảm định mức chuyên môn hoặc ưu tiên sắp xếp giảng dạy ở gần trường, không phải đi giảng dạy tại các đơn vị liên kết ở xa và được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định, không phải làm ca đêm, có chế độ tăng thu nhập để nữ cán bộ yên tâm công tác.

- Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Thủy lợi có chính sách ưu tiên tuyển dụng những phụ nữ đã có chồng hiện đang công tác ở trường.

- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có những chương trình tạo việc làm, ưu tiên tuyển dụng lao động nữ, đặc biệt là người dân tộc địa phương. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp của Tập đoàn đã vận động Ban nữ công, các công đoàn cơ sở xây dựng chương trình tiết kiệm, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình. Công ty TNHH MTB Cao su Chư Parh đã giúp nữ công nhân khai thác của đơn vị vay vốn không tính lãi với tổng số tiền lên đến 23,6 tỷ đồng mua phân bón vào vườn cây nhận khoán ngoài suất đầu tư của Công ty, điều này đã giúp năng suất vườn cây được nâng lên rõ rệt đồng thời giải quyết khó khăn cho nữ cán bộ công nhân viên của công ty.

Kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra:

- Tỷ lệ nữ công chức, viên chức chiếm 38% (9.383/15.134) trong tổng số công chức, viên chức. Tỷ lệ đạt được vượt chỉ tiêu đề ra là 35%.

- Tỷ lệ nữ công chức, viên chức được tuyển mới năm 2012 cũng vượt chỉ tiêu đề ra là 40%, cụ thể:

Tuyển dụng viên chức: nữ chiếm tỉ lệ 51,7%

Tuyển dụng công chức: nữ chiếm tỷ lệ 45%

2.2. Thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ

Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn coi trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chính Phủ và Bộ đề ra.

Khi lập kế hoạch và triển khai các chương trình, đào tạo đều ưu tiên đối tượng học viên là nữ. Ngày 3/6/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1251/QĐ-BNN-TCCB phê duyệt Đề án ”Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”. Trong Đề án đã nêu mục tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ công chức, viên chức được đào tạo bồi dưỡng chiếm từ 40% trở lên.

Khuyến khích các đơn vị và các cán bộ nữ tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường bồi dưỡng trình độ chính trị cao cấp và hành chính cao cấp để có điều kiện đề bạt cán bộ nữ vào cấp lãnh đạo. Một số đơn vị của Bộ đã có những hoạt động thiết thực để động viên các cán bộ nữ học tập nâng cao trình độ như tạo điều kiện giảm định mức công tác chuyên môn cho cán bộ nữ đi học sau đại học (100% đối với hình thức học tập trung và 50% đối với hình thức học bán tập trung).

Đối với các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng bậc, nâng ngạch công chức, viên chức đều có khuyến nghị các đơn vị ưu tiên cử cán bộ nữ nếu có cùng tiêu chuẩn và trình độ tương đương. Hội đồng xét thi nâng ngạch của Bộ khi xem xét cử cán bộ dự thi nâng ngạch cũng xem xét, ưu tiên đến cán bộ nữ.

Kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra:

Tỷ lệ nữ công chức, viên chức được đào tạo sau đại học năm 2012 là 39% (chỉ tiêu: từ 35% trở lên)

Tỷ lệ nữ công chức, viên chức được tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ (dài hạn và ngắn hạn) phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn, chức danh đạt 42 % (chỉ tiêu: từ 40% trở lên).

2.3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực để tăng số phụ nữ được bầu và tham gia lãnh đạo các cấp

Bộ Nông nghiệp và PTNT có chủ trương quan tâm phát triển cán bộ nữ trong quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Đồng thời Ban cán sự Đảng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện chủ trương thông qua những hoạt động chuyên môn.

Công tác qui hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ: Ban cán sự Đảng Bộ có chủ trương quan tâm phát triển cán bộ nữ trong quy hoạch. Cụ thể là các trường hợp cán bộ nữ có tỉ lệ phiếu giới thiệu trên 40% sẽ được Ban cán sự xem xét đưa vào danh sách quy hoạch (tỉ lệ này đối với nam là trên 50%). Có hướng dẫn cụ thể các đơn vị cơ sở thực hiện qui hoạch cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng và có tổ chức kiểm tra, đánh giá hàng năm.

Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới được quan tâm, trong đó chú trọng tới đảng viên nữ. Khuyến khích tăng tỉ lệ cán bộ cấp ủy là nữ.

Đối với Công đoàn các đơn vị đông nữ thì Trưởng Ban Nữ công đều được cơ cấu trong Ban Thường vụ công đoàn.

Kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra:

TT

Tỷ lệ cán bộ nữ

Chỉ tiêu

Kết quả

1

Tỷ lệ nữ là cán bộ cấp Vụ

10% trở lên

5,6% (diện Bộ quản lý)

2

Tỷ lệ cán bộ nữ trong danh sách quy hoạch cấp Vụ và tương đương

15% trở lên

15,9% (giai đoạn 2011-2015) 17,9% (giai đoạn 2016-2011)

3

Tỷ lệ các cơ quan, đơn vị có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo đơn vị

30% trở lên

25% (số liệu thống kê khối quản lý nhà nước và khối hành chính sự nghiệp)

4

Tỷ lệ nữ trong Ban chấp hành Đảng Bộ

15% trở lên

12,1% (nhiệm kỳ 2010-2017)

5

Tỷ lệ nữ tham gia trong BCH Công đoàn

30% trở lên

29,3% (BCH Công đoàn Bộ nhiệm kỳ 2008-2013)

6

Tỷ lệ nữ tham gia trong BCH Đoàn TNCS HCM

30% trở lên

20,7% (BCH Đoàn TNCSHCM Bộ nhiệm kỳ 2012-2017)

2.4. Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai luật bình đẳng giới và luật phòng chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao sự bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Công tác chăm lo sức khỏe cho lao động nữ được cấp ủy, công đoàn các đơn vị quan tâm thường xuyên như việc đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn nơi làm việc.

Hàng năm các đơn vị đều tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Đối với những đơn vị có số lao động nữ đông việc chăm sóc khỏe cũng được lãnh đạo các đơn vị rất quan tâm, ví dụ như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có lực lượng lao động nữ rất lớn (52.184 người, chiếm 42,31% lực lượng lao động của Tập đoàn) nhưng hàng năm đều tổ chức khám phụ khoa cho chị em từ 01 đến 02 lần, số chị em mắc bệnh được điều trị kịp thời, kinh phí cho việc khám chữa bệnh trong 03 năm qua lên trên 03 tỷ đồng. Nhờ vậy mà tỷ lệ bệnh phụ khoa đã giảm dần từng năm, từ 26,65% năm 2007 đến năm 2012 chỉ còn 19%. Ngoài các chế độ chính sách chung, các đơn vị đông lao động nữ của Tập đoàn đã thực hiện tốt các chính sách riêng cho lao động nữ theo Nghị định 23/CP của Chính Phủ, trong 05 năm qua đã có 344.517 lượt chị được hưởng các chế độ chính sách này, với tổng kinh phí lên đến 48 tỷ đồng.

Kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra:

100 % nữ công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ được tiếp cận các dịch vụ y tế.

100% nữ cán bộ, công chức và người lao động thuộc Bộ được tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

2.5. Tăng cường năng lực hoạt động công tác bình đẳng giới

Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về sự tiến bộ phụ nữ và triển khai các hoạt động về đến các cơ sở.

Hàng năm Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đều cử đại diện tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở trong nước và nước ngoài:

- Tập huấn về giới và lồng ghép giới trong công tác tổ chức do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2011.

- Hội thảo tập huấn về xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 từ ngày 30/8-1/9/2011 tại Hải Phòng.

- Hội thảo mạng lưới cán bộ tham mưu, tư vấn về giới quý III vào tháng 9 năm 2011 tại Hà Nội.

- Tập huấn nâng cao kiến thức về Giới và Biến đổi khí hậu tổ chức vào tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội.

- Hội thảo của Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2012 - Bình đẳng giới và Phát triển tổ chức vào tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội.

- Cuộc họp thường niên lần thứ 13 của Mạng lưới thúc đẩy giới trong phát triển nghề cá được Tổ chức tại Thái Lan vào tháng 6 năm 2012.

- Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về lồng ghép giới trong lĩnh vực thủy sản vùng đồng bằng sông Mê kông tại Lào năm 2012.

- Cuộc họp cấp cao khu vực Châu Á Thái Bình Dương về giới, an ninh lương thực và dinh dưỡng đảm bảo bình đẳng giới tổ chức tại Thái Lan vào tháng 7 năm 2013.

- Hội thảo về lồng ghép giới của Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức tại Hòa Bình vào tháng 7 năm 2013.

- Tập huấn nghiệp vụ về hoạt động bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và tiến bộ của Phụ nữ do Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức tại Bắc Kạn, Vĩnh Long, Đắc Lắc vào tháng 7 và tháng 8 năm 2013.

Kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra:

Mặc dù Bộ đã tích cực cử cán bộ tham gia các hội thảo và tập huấn có liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, tuy nhiên số lượng cán bộ được cử tham dự hội thảo, tập huấn là quá ít so với số lượng rất đông cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tập huấn kiến thức, huấn luyện về kỹ năng hoạt động bình đẳng giới là chưa đạt được.

3. Đánh giá chung

3.1. Thuận lợi

Từ khi bắt đầu triển khai Chiến lược và Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự ủng hộ và phối kết hợp của Đảng ủy, chính quyền và tổ chức công đoàn đặc biệt là Công đoàn ngành nông nghiệp và PTNT, các hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ và các Ban cơ sở được triển khai tương đối tốt. Các hoạt động giới bước đầu được lồng ghép vào chương trình công tác của đơn vị, vào quá trình xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách, vào một số các hoạt động của các dự án đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đặc biệt trong khu vực nông thôn.

Thành tích đạt được một phần được thể hiện qua các chỉ tiêu đã nêu ở trên về tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức; Tỷ lệ tuyển dụng nữ công chức, viên chức; Tỷ lệ nữ công chức, viên chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; Tỷ lệ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo.... và một phần được thể hiện qua việc các tập thể và cá nhân từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được tặng các giải thưởng của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Bộ Khoa học công nghệ. Cụ thể các giải thưởng đã nhận được trong 03 năm qua:

• Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam:

- Tập thể

Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Viện VAAS.

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện VAAS.

- Cá nhân:

Nguyễn Thị Yên Hưng, UVTV Công đoàn Nông nghiệp & PTNT Việt Nam - Chủ tịch Công đoàn Viện VAAS.

GS. TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng Bộ môn Di truyền chọn giống, Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện VAAS

Giải thưởng VIFOTEC của Bộ Khoa học công nghệ:

- Tập thể

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, thuộc Viện VAAS.

- Cá nhân:

GS.TS. Nguyễn Thị Lang - Viện lúa đồng bằng sông Cửu long, Viện VAAS.

TS. Hà Thị Thúy - Viện Di truyền nông nghiệp, Viện VAAS.

• Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ của Tổng liên đoàn Lao động VN:

- Tập thể

Bộ môn chọn tạo giống chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Viện VAAS.

- Cá nhân:

PGS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện VAAS.

TS. Phan Thị Vân, Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1.

• “Ngày phụ nữ sáng tạo” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam:

- Tập thể:

Năm 2013 với chủ đề “Tăng quyền và nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ: Trong tổng số 8 đề án có ý tưởng sáng tạo và khả thi nhất đã đoạt giải và nhận được hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2014 có 02 đề án của các đơn vị thuộc Bộ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là Viện Nghiên cứu lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư Quảng Nam.

- Cá nhân được nhận bằng khen:

Tạ Thị Bích Duyên, Viện Chăn nuôi

TS. Hà Thị Thúy, Viện Di truyền, Viện VAAS.

PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

3.2. Khó khăn, vướng mắc

Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, Bộ đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2015 trên cơ sở các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Cho đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đạt được 1 một số kết quả nhất định theo như kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành, đặc biệt là chỉ tiêu liên quan đến tỉ lệ nữ lãnh đạo nữ các cấp do chưa có những biện pháp mang tính pháp quy nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia vào cấp ủy, chính quyền như trong chính sách quy hoạch, đào tạo, nâng ngạch.

Các thành viên của Ban làm việc kiêm nhiệm, công việc chuyên môn chi phối nhiều nên khó có thời gian dành cho hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ được phân công.

Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo các cấp và số cán bộ công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ còn quá thấp so với kế hoạch đặt ra.

Các số liệu thống kê cơ bản còn tản mạn, không cập nhật đầy đủ thường xuyên và chưa tách biệt giới nên rất khó khăn trong việc đánh giá thực trạng bất bình đẳng giới, kết quả tình hình thực hiện hoạt động hàng năm và xây dựng điều chỉnh kế hoạch.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP CHO CÁC NĂM TIẾP THEO

1. Tiếp tục lồng ghép giới vào các chương trình, dự án, xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị và công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.

2. Tăng tỉ lệ cán bộ nữ được quy hoạch, tỉ lệ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định.

3. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho toàn ngành; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức giới cho cán bộ đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo và cán bộ tham mưu về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin, tài chính của các tổ chức quốc tế, các chương trình dự án trong và ngoài nước nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới.

5. Tuyên dương khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

6. Tổ chức thăm quan học hỏi kinh nghiệm thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và giữa các Bộ ngành.

7. Tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện kế hoạch hành động vì bình đẳng giới của Bộ Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011-2015 theo các nhiệm vụ đã được phân công cho các đơn vị đảm bảo góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015./

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ




Nguyễn Thị Xuân Thu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3708/BNN-TCCB năm 2013 sơ kết tình hình triển khai Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3708/BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuân Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản