Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 354/BNN-TT
V/v thí điểm xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh phía Bắc

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phía Bắc

Ngày 26/3/2011 tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa tại các tỉnh Nam Bộ. Chủ trương này đã được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân hưởng ứng tích cực, bước đầu thu được kết quả quan trọng. Vụ hè thu 2011 tại 13 tỉnh diện tích “cánh đồng mẫu lớn” đạt 7.803 ha, 6.400 hộ nông dân tham gia; vụ Đông Xuân 2012 có 20 tỉnh tham gia, diện tích đạt gần 19 nghìn ha.

Lợi ích từ “Cánh đồng mẫu lớn” là nông dân được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và tiêu thụ sản phẩm theo đặt hàng về chủng loại, số lượng, chất lượng. Thông qua thực hiện các dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch, quản lý dịch hại và áp dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất nên giảm chi phí nhân công, giảm số lần phun thuốc, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ. Xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” cũng là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được nêu trong Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác.

Trong điều kiện ở phía Bắc, “Cánh đồng mẫu lớn” cần hướng tới các tiêu chí chủ yếu là có diện tích đủ lớn, được “dồn điền, đổi thửa”, cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ; có doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu. Trên “Cánh đồng mẫu lớn” nông dân được tổ chức lại, cùng nhau áp dụng giống mới, quy trình sản xuất mới phù hợp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; cùng nhau quản lý sản xuất, thực hiện các dịch vụ chung thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông dưới sự quản lý của của chính quyền địa phương. Từ “Cánh đồng mẫu lớn” dần hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường, ghi chép hạch toán hiệu quả sản xuất, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.

Để mở rộng phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thí điểm xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” với một số nội dung sau:

1. Xây dựng kế hoạch thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” tại địa phương trong năm 2012 và các năm sau, trong đó ưu tiên cây lúa và các cây trồng có thị trường, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trên cơ sở nông dân tự nguyện và sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông, đảm bảo hài hòa quyền lợi nông dân, cũng như của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia.

2. Trên cơ sở điều kiện cụ thể của địa phương, cụ thể hóa quy mô, tiêu chí “ cánh đồng mẫu lớn” cho phù hợp với tiêu chí chung; xác định các bước đi phù hợp theo hướng từng bước hoàn thiện, đảm bảo khả thi, hiệu quả của mô hình thí điểm.

3. Chủ động kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, khuyến nông tham gia thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tư vấn tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, cũng như giới thiệu, áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trên “Cánh đồng mẫu lớn”.

4. Tổ chức vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa”, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi trên “Cánh đồng mẫu lớn”. Tập hợp liên kết nông dân, tạo sự đồng thuận thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”. Khuyến khích triển khai và quản lý các hoạt động dịch vụ do hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong các khâu làm đất, giống, vật tư nông nghiệp từ gieo trồng đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng và hài hòa lợi ích giữa các bên.

5. Xây dựng các quy trình canh tác phù hợp trên cơ sở thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm...; hướng dẫn nông dân ghi chép và in ấn sổ tay ghi chép quá trình sản xuất để nông dân làm quen và từng bước biết quản lý, hạch toán sản xuất.

6. Ưu tiên ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cơ sở áp dụng các chính sách đã có của Trung ương và địa phương về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, thông tin thị trường, đào tạo tập huấn; đồng thời xem xét ban hành các chính sách mới để triển khai thí điểm “Cánh đồng mẫu lớn” đạt kết quả tốt.

Các địa phương thường xuyên theo dõi, tổng kết các mô hình tốt để phổ biến, triển khai mở rộng; kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, bổ sung tiêu chí, các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Cục: TT, BVTV (để phối hợp thực hiện);
- Vụ KHCN&MT, TTKN QG, Viện KHNN VN (để thực hiện);
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng