Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3537/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 65/2013/CV-VASEP ngày 10/4/2013 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam về việc vướng mắc khi thực hiện loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu; về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Khó khăn về việc xây dựng và thông báo định mức sử dụng; định mức tiêu hao; tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đối với loại hình nhập khẩu nguyên liệu vật tư để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu

a) Đối với loại hình nhập SXXK

* Về kê khai định mức:

Về nguyên tắc, khi sản xuất sản phẩm xuất khẩu doanh nghiệp phải xây dựng định mức sử dụng nguyên liệu, định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt cho từng đơn vị sản phẩm. Do vậy, khi thông báo định mức, doanh nghiệp thực hiện thông báo định mức sử dụng nguyên vật liệu rõ ràng để cơ quan hải quan có căn cứ kiểm tra khi cần thiết.

* Về vướng mắc tại khoản 2 Điều 34 của Thông tư 194/2010/TT-BTC: Tổng cục Hải quan ghi nhận phản ánh của Hiệp hội và đã đưa vào sửa đổi tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010.

* Đối với loại hình gia công

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ về nội dung của hợp đồng gia công có thể bao gồm các điều khoản: "… định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công;...". Như vậy, về nguyên tắc trong hợp đồng gia công hai bên phải có thỏa thuận cụ thể về định mức sử dụng nguyên vật liệu. Nghị định số 12/2006/NĐ-CP không quy định định mức trong hợp đồng gia công là định mức tạm tính. Quá trình sản xuất nếu có sự thay đổi về định mức sử dụng thì doanh nghiệp được phép điều chỉnh định mức.

2. Thời gian gia hạn thanh khoản khi chưa có đủ chứng từ thanh toán

Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của Hiệp hội và đã đưa vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 194/2010/TT-BTC cụ thể: trường hợp người nộp thuế chưa nộp đủ thuế (áp dụng đối với cả trường hợp có mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là 0%) thì thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế chậm nhất là trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu hoặc nhập khẩu cuối cùng đối với trường hợp tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu theo quy định.

3. Quy định về vật tư sử dụng và thanh khoản đối với túi nhựa plastic để đóng gói hàng XK

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc trên của doanh nghiệp, để có cơ sở giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, đề nghị Hiệp hội gửi hồ sơ cụ thể về Tổng cục Hải quan (Cục Thuế XNK) để được hướng dẫn xử lý.

4. Khó khăn về quy định thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu

- Về việc điều chỉnh, bổ sung điểm b2, khoản 2, Điều 132: Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của Hiệp hội và đưa vào dự thảo sửa đổi Thông tư thay thế Thông tư số 194/2010/TT-BTC.

- Về việc bỏ quy định thực hiện xử phạt vi phạm hành chính: việc xử phạt hành chính khi người nộp thuế chưa nộp hồ sơ không thu thuế khi quá thời hạn 45 ngày là cần thiết, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

5. Khó khăn đối với doanh nghiệp ưu tiên khi thực hiện quy định tại Thông tư số 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 của Bộ Tài chính

a) Về kiến nghị tại Điều 5 - Điều kiện về quá trình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Tại Thông tư thay thế Thông tư số 63/2011/TT-BTC và Thông tư số 105/2011/TT-BTC dự kiến sửa đổi như sau:

“3. Doanh nghiệp bị coi là không đáp ứng điều kiện tuân thủ pháp luật nếu vi phạm một trong các điều kiện sau:

3.1. Doanh nghiệp bị tòa tuyên án, bị xử lý xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế.

3.2. Quá 3 lần bị các cơ quan hải quan, cơ quan thuế ấn định thuế kèm theo xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt mỗi lần vượt quá thẩm quyền của chi cục trưởng hoặc các chức danh tương đương, hoặc kèm theo các hình thức phạt bổ sung (như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc tiêu hủy, buộc đưa hàng hóa ra khỏi Việt Nam; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm).

3.3. Bị cơ quan hải quan xử lý về hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong kiểm tra hải quan, cung cấp thông tin hồ sơ doanh nghiệp.”

b) Về kiến nghị tại Điều 14 - Đánh giá lại gia hạn

Tại Thông tư thay thế Thông tư số 63/2011/TT-BTC và Thông tư số 105/2011/TT-BTC dự kiến sửa đổi như sau:

“3. Nếu kết quả đánh giá lại doanh nghiệp vẫn đáp ứng điều kiện quy định, có nguyện vọng tiếp tục được áp dụng chế độ và biện pháp ưu tiên thì Tổng cục hải quan căn cứ vào mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, ban hành quyết định gia hạn áp dụng chế độ và biện pháp ưu tiên đối với doanh nghiệp trong thời hạn từ 36 (ba mươi sáu) đến 60 (sáu mươi) tháng tiếp theo theo mẫu 05/DNUT ban hành kèm theo Thông tư này:

- 36 (ba mươi sáu) tháng đối với các doanh nghiệp ưu tiên có vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính nhưng vẫn đáp ứng các điều kiện theo quy định;

- 60 (sáu mươi) tháng đối với các doanh nghiệp không có vi phạm bị xử lý hoặc có 1 vi phạm trong mỗi lĩnh vực thuế, hải quan và bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền không vượt quá thẩm quyền của Chi cục trưởng”

c) Về kiến nghị tại Điều 20 - Áp dụng chế độ hoàn thuế trước, thanh khoản trước kiểm tra sau

Tại Thông tư thay thế Thông tư số 63/2011/TT-BTC và Thông tư số 105/2011/TT-BTC dự kiến sửa đổi như sau:

“Điều 22. Các ưu tiên trong giai đoạn thông quan

... 5. Các doanh nghiệp ưu tiên không phải đăng ký với cơ quan hải quan định mức tiêu hao nguyên vật liệu, không phải nộp báo cáo thanh khoản. Định kì hàng quý doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan báo cáo xuất - nhập - tồn nguyên vật liệu nhập khẩu trên cơ sở định mức doanh nghiệp tự xây dựng.”

6. Khó khăn về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ bảo hành máy móc, thiết bị mua ở nước ngoài có ký quỹ theo quy định về thu thuế Nhà thầu nước ngoài tại Thông tư 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính

Do Hiệp hội VASEP không cung cấp hồ sơ, tài liệu cụ thể nên Tổng cục Thuế không đủ cơ sở trả lời chi tiết cho Hiệp hội, chỉ trả lời về nguyên tắc như sau:

Tại điểm 1.2 Mục I Phần B Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam theo quy định về đối tượng chịu thuế GTGT:

“1.2 Trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: ...; hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa, kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng.”

Tại điểm 2.2 Mục I Phần B Thông tư số 134/2008/TT-BTC nêu trên quy định về đối tượng chịu thuế TNDN:

“2.2 Trường hợp hàng hóa được cung cấp dưới hình thức: …; hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.”

Tại điểm 1 Mục III phần B Thông tư số 134/2008/TT-BTC nêu trên quy định: “Bên Việt Nam nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2, Điểm 3 Mục III Phần B Thông tư này nếu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu tại Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư này.”

Căn cứ các quy định trên, việc cung cấp máy móc, thiết bị tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài kèm theo dịch vụ bảo hành (không phân biệt hoạt động bảo hành đã xảy ra hay chưa xảy ra) thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo quy định nêu trên. Bên Việt Nam (Bên nhập khẩu) có trách nhiệm nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài theo quy định tại Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư số 134/2008/TT-BTC.

Trường hợp còn vướng mắc đề nghị Hiệp hội gửi đầy đủ hồ sơ đến Tổng cục Thuế để được hướng dẫn cụ thể.

Tổng cục Hải quan trả lời để Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Tổng cục Thuế (để phối hợp);
- Cục TXNK, Cục KTSTQ (để phối hợp);
- Lưu: VT, GSQL(3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3537/TCHQ-GSQL năm 2013 vướng mắc của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3537/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/06/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản