Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3483/TCHQ-TXNK
V/v xử lý vướng mắc ưu đãi thuế

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 948/2022/NSRP-HCM và công văn số 949/2022/NSRP-HCM ngày 7/7/2022 của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn kiến nghị giải quyết các vướng mắc về ưu đãi thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, công văn số 1316/HQTH-NV ngày 14/7/2022 của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ giải trình của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Ngày 9/6/2022, Tổng cục Hải quan có Thông báo số 2152/TB-TCHQ thông báo kết luận của Lãnh đạo Tổng cục về việc xử lý vướng mắc của Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn. Để xử lý vướng mắc của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nêu tại công văn số 948/2022/NSRP-HCM và công văn số 949/2022/NSRP-HCM ngày 7/7/2022, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tổ chức thực hiện theo đúng Thông báo số 2152/TB-TCHQ, cụ thể như sau:

1. Đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu miễn thuế vượt quá số lượng đã đăng ký tại các Danh mục hàng hóa miễn thuế

Đề nghị Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện rà soát tổng thể theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục tại điểm a mục I Thông báo số 2152/TB-TCHQ, trong đó phải xác định rõ căn cứ, cơ sở ấn định thuế, tiền chậm nộp và xử lý vi phạm hành chính (nếu có) đối với nhóm mặt hàng nhập khẩu miễn thuế vượt quá số lượng đã đăng ký tại các Danh mục hàng hóa miễn thuế.

2. Đối với nhóm mặt hàng nhập khẩu vượt số lượng được Bộ Công Thương xác nhận (Mặt hàng Ống GRP, bộ phận, phụ kiện ống GRP)

Đề nghị Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa thực hiện xử lý thuế đối với nhóm mặt hàng Ống GRP và bộ phận đường ống GRP theo đúng hướng dẫn tại điểm b mục I Thông báo 2152/TB-TCHQ, theo đó: Yêu cầu đối chiếu, rà soát với quy định tại Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/8/2012 và Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện xác định hàng hóa thuộc loại trong nước đã sản xuất được hay chưa sản xuất được.

Trường hợp xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được thì xem xét xử lý thuế theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản liên quan.

Trường hợp xác định hàng hóa thuộc loại trong nước đã sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu của Dự án Lọc Hóa dầu Nghi Sơn thì căn cứ Danh mục do Bộ Công Thương xác nhận về số lượng, chủng loại vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu của dự án theo GGU để thực hiện xử lý thuế.

3. Về việc xử lý cưỡng chế thuế khi thực hiện ấn định thuế

Căn cứ khoản 2 Điều 57 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:

“a) Tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá hạn thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;

b) Tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá hạn chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;

c) Tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh”.

Căn cứ khoản 5 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

Việc nộp dần tiền thuế nợ được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định số lần nộp dần và hồ sơ, thủ tục về nộp dần tiền thuế nợ”.

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 47 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định: “.... Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tờ khai hải quan mới phát sinh chỉ được thông quan khi người nộp thuế không còn nợ quá hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”.

Căn cứ điều 18 Thông tư 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính quy định: “Số lần nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ, thủ tục nộp dần tiền thuế nợ được thực hiện theo quy định tại khoản 67 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC”;

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 134 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 67 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định quy định: “Người nộp thuế đăng ký và cam kết nộp dần tiền thuế nợ theo mức sau:

a) Tiền thuế nợ từ trên 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, thời gian nộp dần tiền thuế tối đa không quá 3 tháng;

b) Tiền thuế nợ trên 1.000.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, thời gian nộp dần tiền thuế tối đa không quá 6 tháng;

c) Tiền thuế nợ trên 2.000.000.000 đồng, thời gian nộp dần tiền thuế tối đa không quá 12 tháng”.

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 134 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 67 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định: “Số tiền thuế nộp dần theo cam kết bao gồm tiền thuế nợ và tiền chậm nộp phát sinh”.

Căn cứ các quy định nêu trên, người nộp thuế phải thực hiện thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo đúng thứ tự quy định. Để được thông quan cho lô hàng mới phát sinh, người nộp thuế không có nợ quá hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Trường hợp Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang có khoản tiền thuế nợ và Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đề nghị chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế dừng thông quan đối với các lô hàng xuất nhập khẩu tiếp theo của Công ty là không có cơ sở xem xét, giải quyết. Trường hợp Công ty không có khả năng nộp khoản tiền thuế nợ một lần thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với toàn bộ khoản tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ thực hiện nộp khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

4. Để xử lý dứt điểm vướng mắc của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và các quy định của pháp luật có liên quan khẩn trương xem xét xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp theo đúng quy định; chỉ báo cáo Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý các vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền của đơn vị.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCT Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Cục KTSTQ (để p/h);
- Lưu: VT, TXNK (03b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nông Phi Quảng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3483/TCHQ-TXNK năm 2022 về ưu đãi thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3483/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/08/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nông Phi Quảng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản