Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3384/BCT-CTĐP
V/v tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2022 là năm thứ hai triển khai Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2021-2025 và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) giai đoạn 2021-2025. Hai năm vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, công tác khuyến công cả nước nhìn chung vẫn đạt được những kết quả quan trọng, kịp thời hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, công tác khuyến công tại nhiều địa phương vẫn còn một số hạn chế: Tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động của các đơn vị trực tiếp triển khai nhiệm vụ khuyến công còn chưa ổn định, thống nhất; lực lượng cán bộ khuyến công chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, nhất là phương tiện làm việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ còn khó khăn, bất cập; mạng lưới cộng tác viên tại phần lớn các địa phương chưa được hình thành; kinh phí bố trí từ ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công còn thấp, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn.

Nhằm tăng cường các hoạt động khuyến công, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương; triển khai hiệu quả kế hoạch KCQG, khuyến công địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; xây dựng và phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn đến năm 2025 để tổ chức thực hiện (đối với các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt); nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương.

2. Sở Công Thương tổ chức triển khai kế hoạch KCQG và khuyến công địa phương đã được phê duyệt năm 2022 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đúng quy định; hỗ trợ các cơ sở CNNT tiếp tục vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid-19.

3. Định hướng hoạt động khuyến công hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu, nhất là các sản phẩm đã được trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia; phấn đấu xây dựng được các đề án điểm.

4. Tạo điều kiện cho Sở Công Thương phát huy vai trò tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn.

5. Lĩnh vực khuyến công gồm các hoạt động có tính kỹ thuật, phù hợp chức năng quản lý nhà nước của Sở Công Thương và gắn với công tác hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Do đó, đề nghị các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp, giao Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai các nhiệm vụ về khuyến công. Kiện toàn tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Chỉ đạo xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.

6. Tiếp tục tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để triển khai các nội dung theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ hoặc các nội dung phục vụ hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương với ngân sách trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển CNNT. Đánh giá, xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương cho các nội dung hoạt động nhằm thu hút được nhiều cơ sở CNNT tham gia đầu tư phát triển sản xuất.

7. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công; tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Công Thương, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- SCT các tỉnh/TP;
- Lưu: VT, CTĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3384/BCT-CTĐP năm 2022 về tăng cường chỉ đạo thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 3384/BCT-CTĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/06/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Sinh Nhật Tân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản