Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 338/BNN-CB
V/v: Xuất, nhập khẩu và một số biện pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ đường năm 2012

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi: Bộ Công Thương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được công văn số 02/2012/HHMĐ ngày 09/02/2012 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị về việc cho xuất khẩu đường và một số biện pháp điều hành sản xuất tiêu thụ đường năm 2012. Sau khi xem xét Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:

1. Về xuất khẩu đường:

Cân đối cung cầu năm 2012 như sau:

- Nguồn cung:                                        1.570.000 tấn

Bao gồm: Sản xuất năm 2012:                1.400.000 tấn

Tồn kho năm 2011:                                100.000 tấn

Nhập khẩu (Theo thỏa thuận WTO):         70.000 tấn

- Tổng cầu: 1.400.000 tấn và luân chuyển cuối năm: 100.000 tấn

- Cân đối cung cầu: Dư 70.000 tấn.

Tuy nhiên, hàng năm lượng đường nhập lậu rất lớn, nên lượng đường các nhà máy cung ứng ra thị trường thực tế thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tổng hợp lượng đường công nghiệp đã cung ứng ra thị trường (Bao gồm đường các nhà máy bán ra và đường nhập khẩu chính ngạch theo hạn ngạch thuế quan) 5 năm gần đây chỉ vào khoảng 1,1 đến 1,2 triệu tấn/năm, như vậy khả năng dư thừa đường năm 2012 sẽ cao hơn nhiều so với 70.000 tấn.

Đồng thời năm 2012, sản lượng đường sản xuất lớn, lượng đường tồn kho trong vụ sản xuất nhiều, làm ứ đọng vốn trong điều kiện Nhà nước lại đang thắt chặt về tín dụng, nên các nhà máy đường rất khó khăn về vốn sản xuất.

Để giảm áp lực trong khâu lưu thông và tạo điều kiện cho các nhà máy đường thu hồi vốn phục vụ sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý trước mắt cho xuất khẩu đường với số lượng từ 100.000 đến 150.000 tấn. Về thủ tục cấp giấy phép cho các doanh nghiệp sẽ do Bộ Công Thương chủ động giải quyết. Bộ Nông nghiệp và PTNT xin gửi kèm theo đây danh sách các doanh nghiệp có công văn xin xuất khẩu đường mà Bộ đã nhận được. Đề nghị Bộ Công Thương quy định về chế độ báo cáo đối với các đơn vị liên quan, đảm bảo hàng tháng 2 Bộ nắm được số lượng đường thực tế đã xuất, để có biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời khi cần thiết.

2. Về điều hành nhập khẩu đường:

Đồng ý với đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, quy định thời gian thực hiện nhập khẩu 71.000 tấn đường trong hạn ngạch thuế quan bắt đầu từ tháng 6/2012, vì từ nay đến tháng 5 đang là chính vụ sản xuất, lượng đường tồn kho nhiều, các doanh nghiệp sản xuất đường gặp khó khăn về vốn cho sản xuất, cần ưu tiên để tiêu thụ đường trong nước.

3. Về điều hành thị trường đường trong nước:

- Do đường sản xuất 6 tháng mà tiêu thụ trong cả năm, hiện nay các nhà máy đường đang rất khó khăn về vốn sản xuất. Để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá đường trong nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200.000 tấn đường với thời gian 6 tháng, về cơ chế, trước mắt là tạo điều kiện cho các nhà máy tăng hạn mức tín dụng tương ứng với số lượng đường tạm trữ để các nhà máy đảm bảo vốn sản xuất.

- Hiện nay, giá đường bán trên thị trường cao hơn rất nhiều so với giá bán ra của các nhà máy. Đề nghị Bộ Công Thương rà soát, kiểm tra hệ thống phân phối đường, có kế hoạch xây dựng, kiểm soát chuỗi phân phối, đảm bảo giá đường trên thị trường tương ứng với giá bán của nhà máy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Về điều hành sản xuất và tiêu thụ đường trong những năm tới

Để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong hội nhập, vừa qua tất cả các nhà máy đường đều mở rộng công suất, nên sản lượng đường sản xuất hàng năm sẽ vượt so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mặt khác, theo hiệp định hợp tác của Chính phủ với 2 nước Lào và Campuchia, hiện nay một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy đường tại nước bạn, đường sản xuất ra chủ yếu cũng tiêu thụ tại Việt Nam, gồm:

- Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: đầu tư nhà máy đường tại Lào công suất 7.000 TMN dự kiến tháng 11/2012 sẽ vào sản xuất.

- Công ty TNHH NIVL (Long An): Có kế hoạch đầu tư 3 nhà máy đường tại Cam Pu Chia, 2 nhà máy đã được cấp giấy phép. Trong đó, 01 nhà máy công suất thiết kế 7.000 TMN đã xây dựng, dự kiến cuối tháng 3/2012 sẽ vào hoạt động với công suất ban đầu 3.000 TMN.

- Ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác cũng đang khảo sát, nghiên cứu để đầu tư xây dựng nhà máy đường tại Lào và Cam Pu Chia (Hòa Phát, Kim Hà Việt, đường Biên Hòa...)

Như vậy, từ năm tới lượng đường sản xuất trong nước sẽ luôn vượt so với nhu cầu tiêu thụ. Để đảm bảo sản xuất ổn định, đề nghị Bộ Công Thương chủ trì xây dựng chiến lược xuất khẩu đường đến năm 2020.

Trên đây là một số ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xuất, nhập khẩu đường và một số biện pháp điều hành sản xuất tiêu thụ đường.

Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (B/c);
- Lưu VT, CB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần

 

DANH SÁCH

CÁC DOANH NGHIỆP CÓ CÔNG VĂN XIN XUẤT KHẨU ĐƯỜNG
(Kèm theo công văn số 338/BNN-CB ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Các doanh nghiệp chưa được cấp giấy phép:

 

Doanh nghiệp

Số lượng
(tấn)

1

Công ty TNHH một thành viên Tố Như

6.000

2

Công ty XNK Hùng Tiến

40.000

3

Công ty CP xây dựng và Thương mại Gia Hưng

6.000

4

Công ty TNHH Hoa Phong

18.000

5

Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lan

30.000

6

Công ty CP SX - XNK Đông Á

15.000

7

Công ty TNHH Kim Hà Việt

40.000

8

Doanh nghiệp tư nhân Thanh Liên

10.000

 

Tổng cộng

165.000

2. Các doanh nghiệp đã cấp giấy phép xuất khẩu tháng 1/2012

 

Doanh nghiệp

Số lượng
(tấn)

1

Công ty TNHH MTV VILTAS Thái Bình

5.000

2

Công ty TNHH TM tổng hợp Nghĩa Anh

15.000

3

Công ty Cổ phần Thông Việt

2.000

4

Công ty Cổ phần TM và Dịch vụ Cuộc sống Việt

5.000

5

Công ty TNHH Vận tải XNK TM Hương Tùng

3.000

 

Tổng cộng

30.000