Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3352/BNN-CB
V/v đề xuất phương án giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho XK

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Ngày 20 tháng 9 năm 2011, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có công văn số 135/2011/CV-VASEP về việc đề xuất phương án miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để tăng cường nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Căn cứ vào chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 và quy hoạch chế biến thủy sản đến năm 2020 cho thấy việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu là cần thiết và góp phần quan trọng để giữ vững nhịp độ tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng như phát huy hiệu quả năng lực sản xuất của nhà máy chế biến, tạo thêm việc làm, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước cho chế biến xuất khẩu. Việc miễn/giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu không phải là vấn đề vướng mắc chính của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vì theo quy định họ được hoàn thuế toàn bộ; mà bất cập chính là các thủ tục thanh khoản để hoàn thuế đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khó khăn lớn nhất ở chỗ, khi doanh nghiệp chưa chế biến hết số nguyên liệu nhập khẩu quá thời hạn 275 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan hải quan đến ngày thanh khoản (Thông tư số 194/2010/TT-BTC), thì phải tiến hành các thủ tục vay tiền tạm đóng thuế, sau khi xuất khẩu xong mới được làm thủ tục hoàn thuế, các thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng nhất trí với đề nghị của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại công văn số 135/2011/CV-VASEP ngày 20/9/2011; Đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu theo từng nhóm đối tượng thủy sản phù hợp với tình hình thực tế vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản vừa không tổn hại đến sản xuất trong nước. Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc hoàn thuế của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện đơn giản hóa các thủ tục thanh khoản hoàn thuế để doanh nghiệp chế biến tái xuất khẩu thủy sản không phải ứng tiền tạm đóng thuế như hiện nay. Đó chính là rào cản, vướng mắc nhất trong việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, để tránh gian lận thương mại trong việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài nhưng khi xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, kiểm tra, giám sát theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hóa, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định tại Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại (Điều 40 Vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu).

Trên đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu VT, CB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3352/BNN-CB đề xuất phương án giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3352/BNN-CB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/11/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Vũ Văn Tám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/11/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản