Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 333/LĐTBXH-TCGDNN | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2022 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần; để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về tuyển sinh, đào tạo trong năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương án, giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch bệnh để sớm đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung đảm bảo kế hoạch, tiến độ và chất lượng đào tạo; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, đào tạo lại, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh ngay từ đầu năm, quan tâm tới đối tượng là bộ đội xuất ngũ, học sinh trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; xây dựng kế hoạch, tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (có phụ lục hướng dẫn kèm theo).
3. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả tuyển sinh định kỳ hằng tháng trên phần mềm Quản lý số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp có địa chỉ tại: http://qltuyensinh.gdnn.gov.vn theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Quý cơ quan./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC NGÀY HỘI TƯ VẤN TUYỂN SINH GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
(Kèm theo Công văn số 333/LĐTBXH-TCGDNN ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Thực hiện Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, để tổ chức tốt ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo quy định của Thông tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương một số nội dung như sau:
1. Mục đích tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh
- Tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, việc làm nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, học sinh các trường phổ thông về GDNN; định hướng cho học sinh có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tiếp cận học sinh tại các trường phổ thông để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn việc chọn ngành, nghề tại ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN; tạo điều kiện cho học sinh phổ thông được tìm hiểu, trải nghiệm về nghề nghiệp ngay tại nơi tư vấn hoặc tại cơ sở GDNN.
- Tạo điều kiện để các địa phương thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Yêu cầu đối với ngày hội tư vấn tuyển sinh
- Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN được tổ chức đa dạng, phong phú, thu hút sự tham gia của đông đảo các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh học sinh, các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), các cơ sở GDNN, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Nội dung chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức; bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh.
3. Một số gợi ý trong tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh
a) Về không gian, thời gian, địa điểm tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh
- Nên chọn địa điểm tổ chức tại các khu vực trung tâm, có không gian rộng cho tập trung đông người và phương tiện, thuận tiện giao thông (xe đưa đón học sinh). Nếu cơ sở GDNN trên địa bàn đáp ứng được điều kiện trên thì nên thực hiện tại cơ sở GDNN.
- Thời gian: Nên tổ chức trong 01 buổi hoặc 01 ngày. Trường hợp tổ chức trong 01 ngày cần lưu ý tổ chức việc ăn trưa cho học sinh.
b) Về thành phần tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh
- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (chủ trì); Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh và các sở, ban ngành có liên quan khác.
- Học sinh các trường phổ thông (trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên).
- Các cơ sở GDNN trên địa bàn hoặc các địa bàn lân cận và cựu học sinh, sinh viên tiêu biểu, thành đạt của các cơ sở GDNN.
- Trung tâm giới thiệu việc làm và các tổ chức, cá nhân liên quan (doanh nghiệp, nhà tài trợ...).
- Các doanh nghiệp tại địa phương và trên các địa bàn lân cận.
- Các cơ quan truyền thông, báo chí.
c) Về nội dung chương trình của ngày hội tư vấn tuyển sinh
Nội dung chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh phải phong phú, đa dạng, nên lồng ghép thêm các hoạt động bên lề sôi động. Tùy theo điều kiện thực tế, các địa phương có thể tham khảo về nội dung chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh với các hoạt động chính như sau:
- Hoạt động tập trung tại sân khấu chính:
+ Văn nghệ chào mừng (do học sinh các trường thực hiện).
+ Phát biểu khai mạc (của lãnh đạo địa phương hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
+ Phát biểu chỉ đạo, định hướng, tư vấn (của cơ quan cấp trên hoặc chuyên gia nếu có).
+ Biểu diễn kỹ năng nghề nghiệp (do các cơ sở GDNN thực hiện: Ví dụ biểu diễn văn nghệ, nghệ thuật (lĩnh vực văn hóa nghệ thuật); biểu diễn các kỹ năng máy tính, đồ họa (lĩnh vực công nghệ thông tin); biểu diễn kỹ năng pha chế đồ uống (lĩnh Vực khách sạn, nhà hàng, du lịch); biểu diễn kỹ năng điều khiển, lập trình rô bốt (lĩnh vực điện tử, cơ điện tử) v.v...
+ Tôn vinh cựu học sinh, sinh viên tiêu biểu, thành đạt; chia sẻ thành công của những cựu học sinh, sinh viên tiêu biểu (nếu có).
+ Trao học bổng của các cơ sở GDNN cho những học sinh phổ thông tiêu biểu đã đăng ký vào học GDNN (nếu có).
- Hoạt động tại các gian hàng của cơ sở GDNN: Cơ sở GDNN tham gia ngày hội tuyển sinh đảm trách hoạt động gian hàng của cơ sở mình bao gồm các hoạt động như: Giới thiệu về cơ sở GDNN; giới thiệu ngành, nghề đào tạo; trình diễn kỹ năng nghề nghiệp; xem các Video clip mô tả nghề nghiệp; tư vấn tuyển sinh, phát tài liệu, tờ rơi quảng cáo; tặng quà lưu niệm (túi, bút, sách, vở...) v.v...
- Hoạt động của trung tâm giới thiệu việc làm: Giới thiệu việc làm, giới thiệu nhu cầu việc làm các ngành, nghề cần thiết của địa phương và các tỉnh lân cận, trong nước và quốc tế, phục vụ xuất khẩu lao động...
- Hoạt động thăm quan trải nghiệm thực tế tại các cơ sở GDNN (nếu có): Tùy theo điều kiện, địa phương có thể tổ chức, lựa chọn một số cơ sở GDNN để có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh các trường phổ thông tại cơ sở GDNN (thăm quan, tìm hiểu, thực hành một số kỹ năng, thao tác nghề nghiệp v.v...).
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch dự toán kinh phí công tác tuyển sinh và tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để được xem xét phê duyệt thực hiện. Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN có thể tổ chức từ một đến nhiều lần trong năm tùy vào điều kiện của từng địa phương.
- Lưu ý đến các chi phí: Xe đưa đón học sinh từ các trường phổ thông tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh; tiền nước uống, ăn trưa cho giáo viên và học sinh nếu có.
- Ngoài nguồn ngân sách, địa phương có thể huy động sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, các nhà tài trợ; các cơ sở GDNN có gian hàng tham gia ngày hội để đảm bảo kinh phí tổ chức hoạt động./.
- 1Công văn 1398/BGDĐT-GDTC năm 2020 về hướng dẫn điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Công văn 4808/BGDĐT-GDTrH năm 2021 thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Công điện 136/CĐ-BGDĐT năm 2022 về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp do Bộ Giáo dục và Đào tạo điện
- 1Quyết định 522/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 1398/BGDĐT-GDTC năm 2020 về hướng dẫn điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử trí trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Thông tư 05/2021/TT-BLĐTBXH quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Công văn 4808/BGDĐT-GDTrH năm 2021 thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5Chỉ thị 01/CT-TTg về đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Công điện 136/CĐ-BGDĐT năm 2022 về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp do Bộ Giáo dục và Đào tạo điện
Công văn 333/LĐTBXH-TCGDNN về đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 333/LĐTBXH-TCGDNN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 16/02/2022
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Lê Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/02/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra