Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3289/BKHĐT-ĐTNN
V/v hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi:

- Cán Bộ và cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện quy định tại Điều 92 và Điều 93 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2023 như sau:

1. Định hướng xây dựng chương trình XTĐT năm 2023

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, diễn ra trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường (i) cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; (ii) Đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được khống chế, song vẫn tác động xấu đến các nền kinh tế; (iii) Xung đột Nga - U-crai-na tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lạm phát, suy giảm thương mại, đầu tư.

Nhằm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng chương trình XTĐT năm 2023 cần bám sát các định hướng sau:

(i) Tập trung thực hiện định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các tỉnh; định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng và địa phương.

(ii) Bám sát quan điểm chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị và các chương trình hành động của Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030[1]; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030[2]; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050[3]; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030[4].

(iii) Làn sóng đầu tư tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu và đặc biệt của khu vực Châu Á.

(iv) Đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư; ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

(v) Tùy vào lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển của từng địa phương, xúc tiến các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút FDI cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.

2. Một số yêu cầu cụ thể:

a) Về ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư:

- Các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch... Đẩy mạnh thu hút và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

- Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.

- Tùy thuộc vào điều kiện phát triển của mỗi địa phương, thu hút đầu tư các dự án mới phải bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa.

- Không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

b) Về đối tác: Tập trung thu hút đầu tư từ (i) các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA...) như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... (ii) ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

c) Về phương thức xúc tiến đầu tư: chủ động tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp với các đối tác; tăng cường các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến và ứng dụng công nghệ số (triển lãm số, dữ liệu trực tuyến, cổng thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư, truyền thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo... trong việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác[5]).

3. Biểu mẫu báo cáo

Biểu mẫu đề xuất chương trình XTĐT Quốc gia và dự kiến chương trình XTĐT của Bộ, ngành, địa phương năm 2023 thực hiện theo quy định tại Phụ lục C, Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.

4. Tiến độ xây dựng chương trình XTĐT năm 2023

Đề nghị quý Cơ quan gửi đề xuất các hoạt động thuộc chương trình XTĐT Quốc gia và dự kiến chương trình XTĐT của Bộ, ngành, địa phương năm 2023 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 5 năm 2022. Các đề xuất gửi sau thời hạn trên sẽ được tổng hợp vào chương trình XTĐT của năm 2024 theo đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế cấp tỉnh;
- Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc;
- Lưu VT, DTNN QV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Phương

 



[1] Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

[2] Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030

[3] Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

[4] Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

[5] OECD, Báo cáo “Xúc tiến đầu tư và Kinh tế số: Phân tích so sánh thực tiễn xúc tiến đầu tư của các nước OECD”, (2021)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3289/BKHĐT-ĐTNN năm 2022 hướng dẫn xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 3289/BKHĐT-ĐTNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/05/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Trần Quốc Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản