Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3282/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 4544/VPCP-QHĐP ngày 20/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:

- Cử tri cho rằng nhà nước đang tiến hành số hóa các lĩnh vực, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, thu thập thông tin cá nhân theo Đề án của Chính phủ để hoàn thiện dữ liệu quốc gia trong quản lý dân cư là phù hợp xu thế phát triển, đề nghị quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Cử tri bức xúc tình trạng bị gọi điện thoại đe dọa và dùng sim rác gọi đe dọa, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của Bộ TTTT hay trách nhiệm của cơ quan nào để bảo vệ người dân trước tình trạng này.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:

Về việc cử tri cho rằng nhà nước đang tiến hành số hóa các lĩnh vực, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, thu thập thông tin cá nhân theo Đề án của Chính phủ để hoàn thiện dữ liệu quốc gia trong quản lý dân cư là phù hợp xu thế phát triển, đề nghị quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển chính phủ số, chuyển đổi số nói chung trong giai đoạn hiện nay. Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành giai đoạn 2021- 2022, đã có trên 20 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số nói chung như: xác thực, định danh điện tử; khai thác sử dụng dữ liệu dân cư; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng và các chính sách về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực như: giáo dục, việc làm, thư viện, di sản văn hóa, nông nghiệp… Tiêu biểu như: Luật giao dịch điện tử năm 2023; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ về Quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính...

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển chính phủ số, chuyển đổi số được hiệu quả.

b) Cử tri bức xúc tình trạng bị gọi điện thoại đe dọa và dùng sim rác gọi đe dọa, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông hay trách nhiệm của cơ quan nào để bảo vệ người dân trước tình trạng này

Đúng là trong thời gian vừa qua về tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đã diễn ra gây bức xúc cho xã hội, dư luận.

Cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, cuộc gọi mạo danh, có dấu hiệu lừa đảo là hiện tượng không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới (theo báo cáo của công ty cung cấp giải pháp Hiya khảo sát trong Quý 2/2023, hệ thống của Hiya trên toàn cầu đã ghi nhận 6,5 tỷ cuộc gọi bị phản ánh là cuộc gọi không mong muốn (cuộc gọi rác/cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo)- tương ứng trung bình 70 triệu cuộc/ngày).

Ở Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận hơn 570 nghìn phản ánh trong đó có hơn 104 nghìn phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo (chiếm ~ 18% tổng số phản ánh).

Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh việc tập trung triển khai các quy định của pháp luật (Nghị định 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử,...) Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm theo đó: trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý hơn 11 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư bao gồm:

Hơn 3,55 triệu thuê bao đã được chuẩn hoá.

Hơn 7,5 triệu thuê bao đã bị khoá 1 chiều, 2 chiều, thu hồi.

- Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Trung bình mỗi tháng các DNVT chặn, khóa 31 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Trong 6 tháng đầu năm 2023 các DNVT đã thực hiện chặn 291 triệu tin nhắn rác.

- Các DNVT đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) vào tháng 8/2022 cam kết cùng thực hiện loại bỏ SIM rác tồn kênh (đến nay đã thu hồi được 265.000 số tương đương 26.500 số/tháng) và xử lý các thuê bao gọi rác (đến nay đã thu hồi được 290.000 số tương đương 29.000 số/tháng).

- Theo dõi, giám sát tình trạng cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn), 100% các phản ánh đều được chuyển tới các nhà mạng để xử lý.

- Thực hiện giải pháp hỗ trợ người dùng khi không muốn nhận quảng cáo thông qua việc đăng ký (miễn phí) tới Danh sách không quảng cáo: Người dân đăng ký từ chối nhận quảng cáo (thông qua cú pháp nhắn tin DK DNC gửi 5656 (miễn phí) nếu không có nhu cầu. Hiện nay, hệ thống có hơn 857 nghìn thuê bao đăng ký. Địa chỉ (https://khongquangcao.ais.gov.vn).

- Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin), các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo. Chủ động theo dõi, thường xuyên cảnh báo tới người dân thông qua cổng thông tin điện tử Chongthurac.vn về các hình thức, giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn, cuộc gọi.

- Thực thi quy định về quảng cáo chính danh (brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ. Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã cấp 2.344 tên định danh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an triển khai các biện pháp:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ đó rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao; Triển khai các biện pháp (thông báo, nhắn tin, tổ chức làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ) với mục tiêu trước ngày 30/8/2023 cơ bản xử lý xong, bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng ≥10 SIM/giấy tờ.

- Chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc, các đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra diện rộng về công tác quản lý thông tin thuê bao trong năm 2023 nhằm xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng để tình trạng một thuê bao có nhiều SIM sai quy định và các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều SIM (lớn hơn 10, 100, 1000 SIM).

- Chỉ đạo các Nhà mạng thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác (áp dụng các công nghệ mới) để đạt hiệu quả tối đa việc chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác; Chủ động theo dõi, kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới.

- Với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3282/BTTTT-VP năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 3282/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/08/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản