BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3241/BTP-ĐKGDBĐ | Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2010 |
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 23 tháng 7 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP). Theo quy định tại khoản 5 Điều 46 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương. Do vậy, để phát huy tốt vai trò của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP trong thực tiễn và thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ban hành kèm theo Quyết định số 2366/QĐ-BTP ngày 08/9/2010, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung sau đây:
1. Tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến và quán triệt sâu sắc, toàn diện nội dung của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đến cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và môi trường, Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và môi trường, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2. Ban hành văn bản chỉ đạo việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất các quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP tại địa phương, trong đó tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
a) Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và môi trường, các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm, đặc biệt là sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và môi trường trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình đăng ký, tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Chương trình, Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao sự hiểu biết, kiến thức pháp lý của người dân, doanh nghiệp về ý nghĩa, lợi ích của đăng ký giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm;
c) Lựa chọn, phân công, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại Sở Tư pháp; bố trí nguồn kinh phí cần thiết để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình phục vụ người dân, doanh nghiệp;
d) Chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản tại địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
đ) Giao Sở Tư pháp chủ trì việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP tại địa phương nhằm kịp thời đề xuất biện pháp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định.
3. Thực hiện tốt chế độ tổng hợp, báo cáo 6 tháng và hàng năm về kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm của địa phương, trong đó có số liệu cụ thể về kết quả đăng ký, đánh giá vai trò của Sở Tư pháp trong việc giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, từ đó đề xuất giải pháp và bài học kinh nghiệm để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm
- 2Quyết định 2366/QĐ-BTP năm 2010 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 3Công văn 498/CĐKGDBĐ-QLNV năm 2014 hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm ban hành
Công văn 3241/BTP-ĐMDN thực hiện Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 3241/BTP-ĐMDN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 14/09/2010
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Đinh Trung Tụng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/09/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực