Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 319/BNN-TCCB | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2012 |
Kính gửi: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Thực hiện Công văn số 96/LĐTBXH-BĐG ngày 11/1/2012 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI
1. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực phụ trách.
Trong năm 2011 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành xây dựng và ban hành một số văn bản sau:
- Báo cáo số 08/BC-BNN-TCCB ngày 04/1/2011 về tình hình thực hiện bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2010 trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT;
- Quyết định số 3036/QĐ-BNN-TCCB ngày 12/12/2011 phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kèm theo Quyết định là bản Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị.
- Báo cáo số 3863/BNN-TCCB ngày 30/12/2011 về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.
- Tham gia góp ý các dự thảo báo cáo của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ, của các Bộ ngành có liên quan đến công tác vì sự tiến bộ phụ nữ như góp ý dự thảo Báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng cuối năm 2011 và dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2012 của UBQG, dự thảo Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2011-2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của ngành
Bộ luôn xác định vấn đề bình đẳng giới là một trong những nội dung quan trọng khi xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Các chỉ tiêu về bình đẳng giới đã được đề cập trong xây dựng và thực hiện kế hoạch của Bộ, ngành. Nhìn chung, hầu hết các chỉ tiêu có thể lồng ghép nội dung bình đẳng giới đều đã được đưa vào và hướng dẫn trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch.
3. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bảng phân công nhiệm vụ cụ thể đến các đơn vị trực thuộc của Bộ để triển khai thực hiện.
Bộ đã cử 02 cán bộ tham gia lớp tập huấn về giới và lồng ghép giới trong công tác tổ chức do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào tháng 5/2011. Sau lớp tập huấn, các cán bộ này đã chuyển tải thông tin cập nhật đến các cán bộ của Vụ Tổ chức cán bộ, đặc biệt là vấn đề lập kế hoạch có trách nhiệm giới nhằm thúc đẩy công tác cán bộ nữ.
4. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
Công tác tuyên truyền, các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ được thường xuyên thực hiện bằng cách lồng ghép với hoạt động của các chương trình, dự án cũng như thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ đã tuyên truyền và gửi tài liệu “Hệ thống các văn bản quy định hiện hành về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” đến các thành viên của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như các Cục, Vụ, Trung tâm thuộc Bộ.
5. Công tác kiểm tra, đánh giá về thực trạng bình đẳng giới
Ngày 29/9/2011 đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến tiến hành kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ tại đơn vị cơ sở của Bộ Nông nghiệp và PTNT là Viện Di truyền nông nghiệp tại Hà Nội và Trạm thực nghiệm chuyển giao công nghệ tại Hưng Yên.
Trên cơ sở phân công của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ, đ/c Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Thành viên của Ủy ban quốc gia, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ủy Ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ tiến hành kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ tại Ban vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Hữu Lũng và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh Lạng Sơn vào ngày 9-10/11/2011;
Bộ đã cung cấp cho Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam số liệu thống kê và danh sách trích ngang nữ lãnh đạo, quản lý tại công văn số 3521/BNN-TCCB ngày 30/11/2011.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
1. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
- Các hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
+ Qui hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ: Có hướng dẫn cụ thể các đơn vị cơ sở thực hiện qui hoạch cán bộ nói chung và cán bộ nữ và tổ chức kiểm tra, đánh giá hàng năm.
+ Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới được quan tâm, trong đó chú trọng tới đảng viên nữ. Khuyến khích tăng tỉ lệ cán bộ cấp ủy là nữ.
+ Đối với Công đoàn các đơn vị đông nữ thì Trưởng Ban Nữ công đều được cơ cấu trong Ban Thường vụ công đoàn.
+ Hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện đề tài «Đề xuất một số giải pháp tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các Bộ, Ban, ngành, Đoàn thể Trung ương» theo yêu cầu tại công văn số 1053/ĐCT ngày 29/11/2011 của Đoàn Chủ tịch, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua việc cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn trực tiếp và thông qua bảng hỏi.
- Kết quả thực hiện chỉ tiêu của mục tiêu 1 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020:
Kết quả đạt được còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.
+ Tỷ lệ cán bộ nữ trong danh sách quy hoạch diện Bộ quản lý đã được Ban cán sự Đảng bộ phê duyệt tính đến tháng 8/2011 cán bộ nữ chiếm 12,5%.
+ Tỷ lệ nữ lãnh đạo các cấp hiện tại: cấp Thứ trưởng 9,1%; Cấp Vụ trưởng và tương đương: 8,7%; Cấp Phó Vụ trưởng và tương đương: 6%
+ Tỷ lệ nữ trong Ban chấp hành Đảng Bộ nhiệm kỳ 2010-2015 là 12,1%
+ Tỉ lệ nữ tham gia trong BCH công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2008-2013 là 29,3%.
2. Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động
- Các hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
+ Đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho nữ cán bộ công nhân viên chức:
Trong công tác tuyển dụng, sắp xếp tinh giản đội ngũ cán bộ đều chú ý đến vấn đề giới, yêu cầu loại bỏ mọi hình thức phân biệt giới không phù hợp trong tuyển dụng ở các đơn vị hành chính sự nghiệp; tạo điều kiện cho các cán bộ nữ được ổn định việc làm và được hưởng các chính sách trong khuôn khổ quy định của nhà nước.
Tham gia xây dựng những chính sách chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong đó có tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn;
Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn, từ đó nâng cao khả năng của người lao động, đặc biệt là người phụ nữ trong tìm việc làm và có thu nhập tốt hơn.
Khuyến khích các cá nhân và tập thể nữ cán bộ tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2011 tổ chức tại Hà Nội từ 15-17/10/2011. Đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ đã tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo. Tại Hội thảo «Phụ nữ sáng tạo: Cơ hội, thách thức và Giải pháp », đại diện 01 nữ lãnh đạo của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã có bài tham luận «Phụ nữ nông thôn:; tiềm năng sáng tạo, đóng góp cho phát triển nông nghiệp nông thôn». Tại Triển lãm, đã có 03 đại diện cá nhân và tập thể nữ từ các đơn vị thuộc Bộ tham gia triển lãm các sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho phụ nữ, tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ và được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Bằng khen của Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Chế Thị Đa và nhóm cộng sự - Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam; TS. Tạ Thị Bích Duyên – Viện Chăn nuôi)
+ Tăng cường thúc đẩy thực hiện chính sách đối với lao động nữ:
Tiếp tục triển khai Chương trình xóa đói giảm nghèo trong đó quan tâm đến phụ nữ là đối tượng yếu thế ở nông thôn.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các quy định về an toàn vệ sinh lao động đối với các đơn vị thuộc Bộ đều quan tâm đến việc thực hiện chính sách đối với người lao động nữ.
- Kết quả thực hiện chỉ tiêu của mục tiêu 2 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
Chỉ tiêu đặt ra là bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới được tạo việc làm mới thì Bộ đã đảm bảo thực hiện được chỉ tiêu này: Tuyển dụng viên chức nữ trong các đơn vị sự nghiệp của Bộ năm 2011 là 51,7%, tuyển dụng công chức của Bộ năm 2011 (trừ 03 Tổng cục) nữ chiếm khoảng 45%.
3. Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
- Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
+ Các dự án đào tạo đều ưu tiên nữ khi cử đi đào tạo ở nước ngoài. Khuyến khích các cơ sở bảo đảm tỉ lệ nữ được tham gia bồi dưỡng và đào tạo tương đương tỷ lệ nữ hiện có của Bộ.
+ Khuyến khích các đơn vị và các chị em tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường bồi dưỡng trình độ chính trị cao cấp và hành chính cao cấp để đáp ứng tiêu chuẩn, tạo nguồn cho công tác bổ nhiệm cán bộ nữ vào cấp lãnh đạo.
+ Mặc dù chưa có quy định cụ thể chỉ tiêu nữ tham gia vào các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng bậc, nâng ngạch công chức, viên chức nhưng đều có khuyến nghị các đơn vị ưu tiên cử cán bộ nữ nếu có cùng tiêu chuẩn và trình độ tương đương. Hội đồng xét thi nâng ngạch của Bộ khi xem xét cử cán bộ dự thi nâng ngạch cũng xem xét, ưu tiên đến cán bộ nữ.
- Kết quả thực hiện chỉ tiêu của mục tiêu 3 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.
Chỉ tiêu đặt ra nữ thạc sĩ đạt 40% và nữ tiến sĩ đạt 20% vào năm 2015. Chỉ tiêu này đã được thực hiện tốt trong năm 2011.
Kết quả: Trong năm 2011, có 645 cán bộ từ các đơn vị thuộc Bộ được cử đi đào tạo sau đại học, nữ chiếm khoảng 42%. Trong số đó có 192 cán bộ được cử đi đào tạo tiến sĩ, nữ chiếm 30% và 444 cán bộ được cử đi đào tạo thạc sĩ, nữ chiếm 48%. Trong tổng số 645 cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học có 175 người đi đào tạo ở nước ngoài, nữ chiếm khoảng 35%.
Nữ cán bộ được cử đi đào tạo về chính trị, hành chính, tin học, ngoại ngữ chiếm khoảng 42%.
Nữ cán bộ được cử đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, quản lý chiếm khoảng 40%.
4. Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
- Các hoạt động nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
+ Công tác chăm lo sức khỏe cho lao động nữ được cấp ủy, công đoàn các đơn vị quan tâm thường xuyên như việc đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn nơi làm việc;
+ Các đơn vị phối hợp với các trung tâm y tế và công đoàn ngành thực hiện tốt chương trình quốc gia về sức khỏe sinh sản phụ nữ, chương trình phòng chống HIV.
+ Công đoàn cơ quan Bộ đã tổ chức khám sức khỏe 1 lần/năm cho cán bộ nhân viên và chị em phụ nữ trong cơ quan.
- Kết quả thực hiện chỉ tiêu của mục tiêu 4 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.
Đảm bảo 100% cán bộ nữ mang thai và được tiếp cận với dịch vụ y tế; Trên 95% đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho lao động nữ.
5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Các hoạt động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
+ Ban hành Quyết định số 982/QĐ-BNN-TCCB về việc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo cơ cấu tổ chức mới: 01 đồng chí Thứ trưởng là Trưởng ban, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là Phó Ban và 01 đồng chí Phó Vụ trưởng là thường trực Ban, thành phần Ban có sự tham gia của lãnh đạo các Tổng cục và có sự bổ sung các thành viên mới thay thế các thành viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
+ Cử các cán bộ tham gia các lớp tập huấn về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.
- Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của mục tiêu 7 được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015 có 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần. Trong năm 2011 chỉ có một số cán bộ làm công tác bình đẳng giới của Bộ được tham gia tập huấn nghiệp vụ.
+ Tập huấn về giới và lồng ghép giới trong công tác tổ chức do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2011.
+ Hội thảo tập huấn về xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 từ ngày 30/8-1/9/2011 tại Hải Phòng.
+ Hội thảo mạng lưới cán bộ tham mưu, tư vấn về giới quý III vào ngày 19/9/2011 tại Hà Nội.
+ Tập huấn nâng cao kiến thức về Giới và Biến đổi khí hậu tổ chức từ 8-10/12/2011 tại Hà Nội.
+ Hội thảo của Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2012-Bình đẳng giới và Phát triển tổ chức vào ngày 16/12/2011 tại Hà Nội.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
Trong năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự ủng hộ và phối kết hợp của Đảng ủy, chính quyền và tổ chức công đoàn đặc biệt là Công đoàn ngành nông nghiệp và PTNT, các hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ và các Ban cơ sở được triển khai tương đối tốt. Các hoạt động giới bước đầu được lồng ghép vào chương trình công tác của đơn vị, vào quá trình xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách, vào một số các hoạt động của các dự án đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đặc biệt trong khu vực nông thôn.
2. Khó khăn, vướng mắc
Các thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ cũng như các Ban cơ sở chưa chủ động trong việc lập kế hoạch công tác, triển khai thực hiện, đánh giá tình hình thực hiện cho hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ.
Hoạt động của các Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp cơ sở chưa được thường xuyên và có hiệu quả. Phạm vi và kinh phí hoạt động còn hẹp, các đối tượng tham gia chủ yếu là lãnh đạo đoàn thể và phụ nữ. Việc lồng ghép giới vào trong các hoạt động của cơ quan đơn vị còn chậm và chưa phong phú.
Tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo các cấp và số cán bộ công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ còn thấp so với kế hoạch đặt ra.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Đề nghị Nhà nước sớm có quy định và cơ chế, chính sách cụ thể về cơ cấu, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ để các ngành, địa phương thực hiện thống nhất.
- Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ sớm ban hành hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy chế làm việc quy chế làm việc của bộ phận làm nhiệm vụ theo dõi bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở các Bộ, ngành.
- Đề nghị các Bộ ngành chức năng của Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về phân tách giới trong các hệ thống báo cáo thống kê và các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của cơ quan đơn vị./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Bình đẳng giới 2006
- 2Quyết định 3036/QĐ-BNN-TCCB phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 3Báo cáo 20/BC-BVHTTDL năm 2014 tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 4Công văn 2206/VPCP-KGVX báo cáo Quốc hội việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn 319/BNN-TCCB báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 319/BNN-TCCB
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/02/2012
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Đăng Khoa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra