Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3161/TCHQ-GSQL
V/v nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phục vụ sản xuất của doanh nghiệp FDI

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Theo quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương v/v công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì doanh nghiệp FDI không được thực hiện quyền phân phối "Dầu thô và dầu đã qua chế biến bao gồm dầu mỏ và các dầu thu được từ các khoáng bitum, ở dạng thô, dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bitum…" (số thứ tự 4 Phụ lục số 03); không được thực hiện quyền nhập khẩu đối với một số chủng loại thuộc nhóm hàng hóa "Dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum, trừ dầu thô; các chế phẩm chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác, có chứa hàm lượng từ 70% trở lên là dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum, những loại dầu này là thành phần cơ bản của các chế phẩm đó; dầu thải" (sau đây gọi tắt là dầu, mỡ bôi trơn).

Căn cứ quy định tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) và ý kiến của Bộ Công Thương tại công văn số 1680/BCT-XNK ngày 6/3/2014 (gửi kèm theo), để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI khi nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn để vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị của chính doanh nghiệp phục vụ sản xuất sản phẩm hữu hình theo hoạt động sản xuất đầu tư, tránh trường hợp nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng có thể bán trên thị trường hoặc sử dụng vào mục đích khác, trong khi Bộ Công Thương chưa ban hành văn bản hướng dẫn chung việc nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phù hợp với lộ trình đã công bố tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT dẫn trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục hải quan khi nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phục vụ sản xuất cho chính doanh nghiệp FDI như sau:

1/ Về hồ sơ hải quan:

Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, hướng dẫn doanh nghiệp nộp, xuất trình thêm:

- Giấy phép đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư: Nộp 1 bản sao, xuất trình bản chính; (nộp lần đầu tiên khi nhập khẩu mặt hàng dầu, mỡ bôi trơn).

- Văn bản đề nghị nhập khẩu của doanh nghiệp. Trong đó, kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng của từng mặt hàng; đồng thời cam kết tính xác thực và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp FDI về sử dụng dầu, mỡ bôi trơn nhập khẩu đúng mục đích, không sử dụng vào mục đích khác: nộp 1 bản chính.

2/ Nhiệm vụ của Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận tờ khai nhập khẩu:

- Kiểm tra, đối chiếu giữa bản sao và bản chính của Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư; kiểm tra nội dung mục tiêu dự án đầu tư phải thể hiện sản xuất sản phẩm hữu hình;

- Kiểm tra sự phù hợp về chủng loại, số lượng dầu, mỡ bôi trơn nhập khẩu với mục đích sản xuất của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp nộp đủ các chứng từ nêu trên và xác định việc nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phù hợp với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì thực hiện tiếp các bước thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa theo quy định, không yêu cầu doanh nghiệp phải có công văn xác nhận của Bộ Công Thương.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố được biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ Công Thương (để p/hợp);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3161/TCHQ-GSQL năm 2014 về nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phục vụ sản xuất của doanh nghiệp FDI do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3161/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/03/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Vũ Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản