BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3158/TCT-CS | Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 175/CT-TTHT ngày 08/01/2013 của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đề nghị giải quyết vướng mắc về chính sách thuế GTGT đối với lô hàng thuốc phải thu hồi, tiêu hủy. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 hướng dẫn chi tiết về thuế GTGT thì:
“1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất”;
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 06/2012/TT-BTC nêu trên thì:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào...
2. Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu)...”
Tại Khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 quy định:
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:
Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.
Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần bồi thường do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật.
...”;
Tại Khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định:
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Căn cứ các quy định trên, để có cơ sở xử lý về thuế, Cục thuế đề nghị Công ty báo cáo đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xác định khoản tổn thất không được bồi thường; trong đó có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xác định không do lỗi chủ quan của Công ty, Công ty phải thu hồi và tiêu hủy thuốc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Trên cơ sở đó, nếu Công ty chứng minh không có sai sót trong quá trình mua lô hàng thuốc Pondil thì phần thiệt hại do phải thu hồi và tiêu hủy lô hàng thuốc nêu trên theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước không được tổ chức, cá nhân khác bồi thường là giá trị tổn thất trong trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường, đồng thời khoản chi phí đầu vào và thuế GTGT tương ứng đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN thì ý kiến xử lý của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh về thuế GTGT và thuế TNDN nêu tại công văn 175/CT-TTHT ngày 08/01/2013 nêu trên là phù hợp.
Đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh căn cứ quy định và tình hình thực tế để xử lý phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Bộ luật Dân sự 2005
- 2Công văn số 2932/YT-KH-TC ngày 28/04/2004 của Bộ Y tế về việc chính sách thuế nhập khẩu đối với thuốc chữa bệnh dùng cho người
- 3Luật Thuế giá trị gia tăng 2008
- 4Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- 5Thông tư 06/2012/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Nghị định 123/2008/NĐ-CP và 121/2011/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 6Công văn 8963/BTC-TCHQ năm 2014 về chính sách thuế đối với hàng hóa tiêu hủy do Bộ Tài chính ban hành
Công văn 3158/TCT-CS năm 2013 chính sách thuế đối với lô hàng thuốc phải thu hồi, tiêu hủy do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 3158/TCT-CS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 25/09/2013
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Cao Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/09/2013
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết