Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3132/GDĐT-TrH | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 9 năm 2019 |
Kính gửi: | - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 24 quận huyện; |
Căn cứ công văn số 3892/BGDĐT-GDTrH ngày 28 tháng 8 năm 2019 về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2019 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ công văn số 2741/GDĐT-TrH ngày 08 tháng 8 năm 2019 về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2019 - 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo;
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2019 - 2020 như sau:
I. Đổi mới xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường
Nhà trường đổi mới xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, đi vào các trọng tâm cụ thể thực hiện các nội dung giáo dục trong nhà trường, bao gồm:
1. Kế hoạch năm học và các Kế hoạch giáo dục trong nhà trường (kế hoạch hoạt động và kế hoạch thời gian của các tổ, nhóm chuyên môn, kế hoạch hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thực tiễn, trải nghiệm sáng tạo, tư vấn hướng nghiệp…). Thực hiện đúng kế hoạch dạy học, đảm bảo đủ thời lượng dạy học, hoạt động giáo dục và chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình các bộ môn được Bộ GDĐT quy định, không dạy trước chương trình, không kết thúc chương trình dạy học trước thời gian quy định.
2. Trường học 2 buổi/ngày: Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, gửi về Phòng GDĐT (với trường THCS) và Phòng GDTrH (với trường THPT). Nhà trường thực hiện đúng quy định về nội dung và thời lượng dạy học của trường 2 buổi/ngày. Các trường dạy học 2 buổi/ngày có kế hoạch chi tiết và tách biệt giữa nội dung dạy học và hoạt động giáo dục chương trình chính khoá và buổi hai. Việc thực hiện tách biệt các chương trình này cần thể hiện rõ trong kế hoạch dạy học và sổ đầu bài. Trường chưa có quyết định dạy học 2 buổi/ngày, thực hiện thủ tục xin quyết định dạy học 2 buổi/ngày.
3. Kế hoạch thực hiện chương trình nhà trường (nếu có): Nhà trường thực hiện chương trình nhà trường khi nhà trường đã hoàn thành kế hoạch giáo dục phổ thông hiện hành của bộ Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày (nếu có) trên nguyên tắc: đảm bảo tinh thần tham gia tự nguyện của học sinh, phụ huynh và giáo viên; Nội dung chương trình bổ trợ cho mục tiêu giáo dục nhà trường và chuẩn kiến thức kỹ năng hiện hành; Nội dung, tài liệu chương trình đúng quy định của ngành và pháp luật của nhà nước.
Trong quá trình tổ chức thực hiện tại đơn vị các trường cần lưu ý:
- Các trường phổ thông có nhiều cấp học, lưu ý việc quản lý chuyên môn và xét tốt nghiệp cấp THCS do phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện. Đối với trường có nhiều cơ sở, cơ sở giáo dục trên địa bàn quận huyện nào thực hiện sinh hoạt chuyên môn và kiểm tra đánh giá học sinh theo quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện đó. Riêng công tác xét tốt nghiệp THCS được thực hiện tại cơ sở chính của nhà trường, các trường hợp khác trường gửi văn bản xin ý kiến về phòng Giáo dục Trung học.
- Nội dung dạy học phân hoá học sinh theo các khối tuyển sinh đại học, cao đẳng được thực hiện chủ yếu ở chương trình buổi hai của trường hai buổi/ngày và theo trình độ, nguyện vọng của học sinh.
- Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu;
- Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Giáo viên rà soát nội dung các trong chuẩn kiến thức, kỹ năng hiện hành xây dựng các chủ đề dạy học từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Tổ bộ môn trường THPT khi thực hiện các điều chỉnh chương trình theo hướng chủ động, linh hoạt và xây dựng các chủ đề dạy học cần có kế hoạch chi tiết báo cáo Hiệu trưởng và được chấp thuận trước khi thực hiện.
- Trường THCS khi thực hiện các điều chỉnh chương trình theo hướng chủ động, linh hoạt và xây dựng các chủ đề dạy học cần có kế hoạch chi tiết báo cáo Phòng GDĐT và được chấp thuận trước khi thực hiện. Phòng GDĐT có báo cáo tổng hợp việc thực hiện tại quận, huyện cho Phòng GDTrH mỗi cuối học kỳ.
- Thực hiện chương trình trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định, giáo viên sử dụng sách giáo khoa, các tư liệu, thông tin chính thức để xây dựng, soạn thảo nội dung dạy học. Sử dụng hoặc phối hợp sử dụng cùng với sách giáo khoa các bộ Tài liệu dạy học THCS các bộ môn (Vật lý, Toán, Hoá học…) các bộ sách dạy và học phát triển năng lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
- Tổ chức ôn tập cuối năm học cho các lớp cuối cấp
Tổ chức dạy học và ôn tập từ sau kiểm tra học kỳ II đến 23/5/2020: được thực hiện chính khoá, nhằm hoàn tất chương trình và củng cố, bổ sung, luyện tập, ôn tập.
Tăng cường hoạt hoạt động dạy học phân hóa trong chương trình dạy học buổi hai và chương trình nhà trường, đảm bảo học sinh tham gia chương trình dạy học 2 buổi/ngày được thụ hưởng, phát triển theo đúng năng lực và nhu cầu. Hạn chế việc tổ chức dạy học không phân hóa trong dạy học tăng cường (buổi 2) thuộc chương trình dạy học 2 buổi/ngày của nhà trường.
Việc tổ chức các chuyên đề ôn tập cần được thực hiện khoa học về nội dung và thời gian.
Thời gian học chính khoá của HS khối 12 được dùng để thực hiện và hoàn tất chương trình lớp 12. Việc ôn tập chương trình lớp 11 và lớp 10 được thực hiện trong thời gian ôn tập cuối năm học và trong chương trình buổi 2 (với các trường dạy 2 buổi ngày), chương trình ngoại khoá các chủ đề văn hoá theo hình thức tự nguyện (với các trường dạy 1 buổi ngày).
- Các điểm dạy thêm, học thêm trong khuôn viên nhà trường phải được cấp phép của cơ quan quản lý, thực hiện đúng quy định hiện hành và theo hướng dẫn trên trên trang mạng thông tin của Sở GDĐT (http://csdaythemhocthem.hcm.edu.vn/), như dạy học ôn tập tách biệt với chương trình chính khoá, HS tham gia tự nguyện và chọn lựa lớp theo trình độ, nguyện vọng…
II. Đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá
a. Tổ chức kiểm tra định kỳ:
- Tổ chức các kỳ kiểm tra nghiêm túc, đúng quy định, đúng lịch kiểm tra thống nhất, đúng thời lượng quy định, đúng nội dung và hình thức theo yêu cầu. đảm bảo kiểm tra được mục tiêu đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh.
Đối với cấp Trung học cơ sở: Theo hướng dẫn của phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện.
Các trường THPT Nam Sài Gòn, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, Trung học Thực hành Sài Gòn, THPT Lương Thế Vinh, THPT Diên Hồng, THPT Sương Nguyệt Anh xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng dẫn của Sở nếu đủ điều kiện.
Đối với cấp trung học phổ thông: thực hiện theo hướng dẫn của Sở.
- Điểm số: Hiệu trưởng theo dõi việc thực hiện kiểm tra tại đơn vị đúng quy định, điểm số kiểm tra phù hợp với trình độ học sinh. Hồ sơ, sổ sách điện tử: thực hiện theo quy định của Sở GDĐT.
b. Tăng cường đổi mới mạnh mẽ kiểm tra đánh giá trong nhà trường
- Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.Về các loại bài kiểm tra trong năm học của các môn học (kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ), cần có kế hoạch thực hiện vừa đủ số cột bài kiểm tra theo quy định của từng môn. Không kiểm tra liên tục, thường xuyên và không tăng số lượng bài kiểm tra quá mức quy định để tránh gây áp lực học tập căng thẳng lên học sinh. Nội dung và mức độ, độ dài của bài kiểm tra cần phù hợp với chương trình học và trình độ học sinh. Không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
- Việc đa dạng hoá hình thức các bài kiểm tra: Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành. Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên cần có kế hoạch chi tiết, rõ ràng, đầy đủ và thực hiện theo đúng các quy định về chuyên môn của Sở GDĐT trong đổi mới kiểm tra đánh giá của đơn vị.
- Đối với các bài kiểm tra định kỳ trên 45 phút (1 tiết), nhà trường, tổ /nhóm chuyên môn và giáo viên cần 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học; xây dựng nội dung đề kiểm tra bao quát, thực tiễn tiếp cận đánh giá năng lực học sinh. tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
- Kết hợp một cách hợp lí giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
c. Xây dựng và ban hành quy chế kiểm tra đánh giá
Nhà trường ban hành quy chế kiểm tra đánh giá học sinh đảm bảo tính khoa học, tính logic, tính chặt chẽ, quy định cụ thể các quy trình trình xây dựng đề kiểm tra, quy trình coi kiểm tra, quy trình chấm kiểm tra và quy trình nhập điểm và trả kết quả kiểm tra cho học sinh. Đảm bảo các nội dung sau:
Có quy định việc tổ chức các kỳ kiểm tra học tập của học sinh trong nhà trường (kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, kiểm tra lại). hình thức các bài kiểm tra theo hình tập trung trong nhà trường. Việc tổ chức kiểm tra tập trung các bài kiểm tra định kỳ cần được quy định cụ thể
Quy trình tổ chức: xây dựng ngân hàng đề, xây dựng và chịu trách nhiệm về đề chính thức, đề dự bị, tổ chức in ấn và bảo quản, bảo mật, lưu trữ đề kiểm tra.
Quy trình coi kiểm tra và chấm kiểm tra: quy định về coi kiểm tra, thống nhất về đáp án và biểu điểm, tổ chức chấm bài kiểm tra đảm bảo khách quan, chính xác, quy định về việc học sinh xem lại bài kiểm tra (nếu có) và thời gian học sinh xin chấm lại bài kiểm tra, quy định về việc tổ chức chấm lại bài kiểm tra và cách thống nhất, xác định lại điểm bài kiểm tra.
Quy định công bố kết quả kiểm tra và lưu trữ bài kiểm tra: thời gian và cách thức công bố điểm kiểm tra, công bố kết quả kiểm tra, thời gian và cách thức lưu trữ bài kiểm tra của học sinh.
Quy định trách nhiệm các thành viên trong nhà trường trong kỳ kiểm tra.
Quy trình xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá học sinh được công khai trong tập thể nhà trường.
III. Triển khai các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học
Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong nhà trường nhằm tiếp cận, hình thành và phát triển năng lực học sinh qua việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của nhà trường, cần thực hiện đồng bộ cân bằng trong nhà trường. Thực hiện chỉ thị của Ủy Ban nhân dân Thành phố “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
- Tiếp tục thực hiện triển khai các phương pháp dạy học tích cực: phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp nghiên cứu khoa học trong HS trung học, dạy học theo định hướng giáo dục STEM, dạy học trải nghiệm trong hoạt động dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
- Tổ chức dạy học theo chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm ngoài lớp, ngoài nhà trường. Tổ nhóm chuyên môn tăng cường tính chủ động trong việc tổ chức các chủ đề dạy học trải nghiệm. Triển khai dạy học tích hợp ở các mức độ khác nhau.
- Đẩy mạnh việc đổi mới hình thức và không gian dạy học trong trường phổ thông. Xây dựng các tiết học phòng bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện, các di tích lịch sử và cơ sở ngoài nhà trường.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và giáo dục học sinh. Điều chỉnh việc dạy học ứng dụng công nghệ thông tin theo hình thức truyền thụ kiến thức một chiều (đọc chép, chiếu chép).
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện lịch báo giảng trực tuyến, tổ chức các bài học, khóa học hay chủ đề dạy học trực tuyến. Thí điểm triển khai phần mềm Smartschool trong dạy học lịch sử, địa lý và giáo dục công dân trong nhà trường.
- Các tổ bộ môn tăng cường tổ chức các chuyên đề nhằm hướng dẫn HS tự học, thực hiện các nhiệm vụ học tập theo các hình thức dạy học do nhà trường triển khai. Bố trí, sắp xếp thời lượng để hướng dẫn học sinh đọc sách, tài liệu học tập, hình thành văn hóa đọc và phương pháp đọc khoa học cho học sinh.
IV. Đổi mới sinh hoạt hoạt chuyên môn giáo viên
Nhà trường bố trí, sắp xếp cho giáo viên thuận lợi tham gia sinh hoạt chuyên môn tối thiểu 2 lần/tháng. Nội dung sinh hoạt chuyên môn của tổ nhóm chuyên môn được cập nhật đổi mới về phương pháp hình thức tổ chức dạy học, tăng cường học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong họp chuyên môn.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn trong trường trung học, tập trung vào thực hiện đổi mới PPDH và KTĐG theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo nghiên cứu bài học.
Khi dự giờ giáo viên thực hiện các tiết dạy bài học, chủ đề dạy học, cần căn cứ vào kế hoạch dạy học bộ môn trong năm học và sử dụng “Phiếu ghi nhận, đánh giá bài dạy, chủ đề dạy học bậc trung học” đã được Sở GDĐT phổ biến từ năm học 2014 - 2015.
Triển khai hoạt động chuyên môn trên trang mạng Trường học trực tuyến với nội dung thiết thực phục vụ cho chuyên môn và nghiệp vụ của giáo viên. Tránh các nội dung, phương thức sinh hoạt hình thức không đạt hiệu quả. Thí điểm thực hiện mạng xã hội học tập.
Kết quả của buổi sinh hoạt chuyên môn là giải quyết một vấn đề dạy học khó, nghiên cứu một phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, một chủ đề dạy học, một ma trận kiến thức cho một chương một bài cụ thể, một buổi hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức hoạt động của giáo viên.
V. Tăng cường xây dựng hoạt động các Câu lạc bộ trong nhà trường
- Nhà trường đẩy mạnh xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ trải nghiệm sáng tạo, CLB Giáo dục STEM cho học sinh…...
- Phân công giáo viên phụ trách cố vấn hoạt động của các CLB. Việc phối hợp với đơn vị bên ngoài tổ chức hoạt động cần lưu ý cần đảm bảo tiêu chuẩn của báo cáo viên trực tiếp báo cáo, hướng dẫn cho học sinh (đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm và chuyên môn)
- Hoạt động câu lạc bộ đáp ứng nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt trong học tập, lao động và rèn luyện của học sinh. Đồng thời giúp học sinh rèn luyện những kỹ năng cơ bản trong học tập, công tác và trong quan hệ xã hội.
- Nhà trường thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả tối thiểu 2 câu lạc bộ học thuật trong hoạt động giáo dục của nhà trường. Thực hiện báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo định kỳ cuối mỗi học kỳ.
VI. Tiếp tục triển khai định hướng giáo dục STEM trong trường trung học
- Sở GDĐT tiếp tục triển khai hướng dẫn chuyên môn về GD STEM. (hướng dẫn đính kèm).
- Trong mỗi học kỳ của năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai Giáo dục STEM trong nhà trường với các hình thức chủ yếu sau:
a. Xây dựng chủ đề Giáo dục STEM ở các môn thuộc lĩnh vực STEM (Toán - Khoa học- công nghệ - Tin học) mỗi trường THPT và THCS tổ chức xây dựng và thực hiện tối thiểu 2 đề tài GD STEM tại mỗi trường và tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm. Đây là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu trong nhà trường. Theo cách này, các bài học, hoạt động giáo dục STEM được triển khai ngay trong quá trình dạy học các môn học STEM theo tiếp cận liên môn. Các chủ đề, bài học, hoạt động STEM bám sát chương trình của các môn học thành phần. Hình thức giáo dục STEM này không làm phát sinh thêm thời gian học tập.
- Tiếp tục triển khai xây dựng tại một số nhà trường một số phòng học bộ môn STEM (xây dựng mới hoặc lồng ghép, bổ sung từ các phòng học bộ môn sẵn có).
- Đưa việc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện GD STEM và hoạt động bồi dưỡng thường xuyên tại các nhà trường, sử dụng các tài liệu tham khảo phổ biến về GD STEM.
b. Hoạt động trải nghiệm STEM: Trong hoạt động trải nghiệm STEM, học sinh được khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn đời sống. Qua đó, nhận biết được ý nghĩa của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đối với đời sống con người, nâng cao hứng thú học tập các môn học STEM. Đây cũng là cách thức để thu hút sự quan tâm của xã hội tới giáo dục STEM. Các trường phổ thông có thể triển khai giáo dục STEM thông qua hình thức câu lạc bộ. Tham gia câu lạc bộ STEM, học sinh được học tập nâng cao trình độ, triển khai các dự án nghiên cứu, tìm hiểu các ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM. Đây là hoạt động theo sở thích, năng khiếu của học sinh, diễn ra định kỳ, trong cả năm học.
- Sở GDĐT hướng dẫn một số đơn vị phối hợp, tổ chức xã hội trong lĩnh vực giáo dục xây dựng, tổ chức các dịch vụ về GD STEM cho nhà trường và thẩm định về chuyên môn các đề tài, các chủ đề, các trang thiết bị về GD STEM của các đơn vị thực hiện dịch vụ GD STEM.
- Tổ chức một số cuộc thi chuyên môn về lĩnh vực GD STEM ở cấp trường, Cụm chuyên môn THPT, Phòng GDĐT và ở cấp Sở GDĐT (cuộc thi HS giỏi THCS về thực nghiệm khoa học tự nhiên, kỳ thi Olympic Tháng 4 TP.HCM bộ môn STEM, cuộc thi WMO).
c. Áp dụng tinh thần mô hình giáo dục STEM trong tổ chức hoạt động dạy - học ở tất cả các môn. Nhằm mục tiêu hình thành và phát triển thói quen tư duy STEM cho học sinh, giáo viên tất cả các bộ môn trong nhà trường áp dụng phương pháp, quy trình dạy học Giáo dục STEM trong quá trình dạy học và hoạt động giáo dục của nhà trường. các tổ bộ môn xây dựng chủ đề dạy học theo định hướng giáo dục STEM cụ thể đảm bảo các tiêu chí của một chủ đề STEM, đáp ứng được qui trình kỹ thuật trong học học ở bộ môn hoặc liên môn.
VII. Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học
- Góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học và đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; thúc đẩy giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.
- Hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật qua các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật giải quyết các vấn đề thực tiễn tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực năng lực. Tổ chức tốt hoạt động này là tiền đề triển khai các dự án nghiên cứu trong khuôn khổ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tổ chức thường niên.
- Xây dựng và phát triển Câu lạc bộ KHKT tại đơn vị nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm NCKH; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp NCKH, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động NCKH, học tập và trong cuộc sống.
- Hiệu trưởng phân công giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH. Giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH được tính giảm số tiết dạy trong thời gian hướng dẫn vận dụng theo quy định tại điều 11 thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 về quy định chế độ làm việc với giáo viên phổ thông và thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09 tháng 06 năm 2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông để có thời gian cho việc nghiên cứu, hướng dẫn học sinh, đi thực tế, thực hành, xây dựng báo cáo, chuẩn bị và tham dự cuộc thi, ... Đối với giáo viên có nhiều đóng góp tích cực và có học sinh đạt thành tích cao trong cuộc thi thì được xem xét ưu tiên các chế độ, được đề nghị xét tặng giấy khen, bằng khen và ưu tiên khi xét tặng các danh hiệu khác.
Nhận được công văn này, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị có kế hoạch triển khai thực hiện./.
| KT.GIÁM ĐỐC |
- 1Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 2Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2022 về khảo sát đánh giá hiệu quả tác động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Kế hoạch 4206/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” do tỉnh Kon Tum ban hành
- 1Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Công văn 3892/BGDĐT-GDTrH năm 2019 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 5Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2022 về khảo sát đánh giá hiệu quả tác động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 6Kế hoạch 4206/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” do tỉnh Kon Tum ban hành
Công văn 3132/GDĐT-TrH năm 2019 thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá năm học 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 3132/GDĐT-TrH
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 05/09/2019
- Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/09/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra