Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3099-TC/TCĐN

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 3099 TC/TCĐN NGÀY 05 THÁNG 9 NĂM 1996 VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VỐN NĂM 1997 ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN VAY VỐN NƯỚC NGOÀI

Kính gửi:

- Các Bộ và cơ quan ngang Bộ
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Thực hiện Chỉ thị số 442/TTg ngày 3/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1997; Thông tư số 38 TC/NSNN ngày 18/7/1996 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1997 nhằm góp phần thực hiện Luật ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, địa phương triển khai việc xây dựng kế hoạch vốn năm 1997 của các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài như sau:

1. Các yêu cầu chung:

Các Bộ, địa phương và các Chủ dự án căn cứ và các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Danh mục các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép; Các Hiệp định đã ký và dự kiến sẽ ký trong năm 1996 với nước ngoài có khả năng thực hiện rút vốn trong năm 1997 để xây dựng kế hoạch rút vốn vay nước ngoài và kế hoạch bố trí vốn đối ứng cho các dự án.

Trong việc triển khai xây dựng kế hoạch cần phân tích cụ thể theo từng dự án và nguồn sử dụng: Tổng vốn cho dự án (bao gồm vốn ngoài nước và trong nước), thời gian thực hiện dự án, kim ngạch đã thực hiện luỹ kế đến cuối năm 1996, dự kiến thực hiện và rút vốn trong năm 1997; Mục đích sử dụng để cấp phát cho đầu tư XDCB, chi thường xuyên về hành chính sự nghiệp (giáo dục, y tế, văn hoá...), cho vay lại.

Dự tính kế hoạch 1997 cần phải nêu rõ những dự án và tổng số vốn chắc chắn thực hiện được trong năm 1997; những dự án và tổng số vốn không có khả năng chắc chắn.

2. Đối với việc lập kế hoạch rút vốn vay bằng ngoại tệ từ bên ngoài:

Để đảm bảo kế hoạch rút vốn vay bằng ngoại tệ từ bên ngoài lập ra sát với tình hình sử dụng vốn thực tế của các dự án, trên cơ sở các Hiệp định vay vốn đã ký kết và dự kiến sẽ ký chính thức trong năm 1996 với các Chính phủ và các tổ chức quốc tế thông qua các chương trình dự án cụ thể đã được Chính phủ cho phép; Lịch rút vốn của các dự án theo các Hiệp định đã ký và tình hình triển khai thực hiện các dự án, đề nghị các Bộ, địa phương chủ quản dự án chỉ đạo các chủ dự án tiến hành xây dựng kế hoạch của đơn vị mình, kế hoạch đề ra phải đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:

- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch rút vốn năm 1996 theo từng nguồn cụ thể bao gồm ước tính trị giá khối lượng thực hiện rút đến hết năm 1996, trị giá khối lượng chuyển sang năm 1997 và phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đã được giao.

- Phân tích cụ thể các chỉ tiêu như tên công trình, dự án; Nguồn vốn sử dụng (các chính phủ và các tổ chức quốc tế); Thời gian hoàn thành; Tổng số mức vốn được duyệt và cơ quan ra quyết định phê duyệt.

- Dự kiến kế hoạch rút vốn năm 1997 phân theo mục đích sử dụng: Phần rút bằng tiền, phần dành cho XDCB, phần dành cho chi thường xuyên về hành chính sự nghiệp và cho vay lại.

3. Đối với việc lập kế hoạch vốn đối ứng trong nước:

Vốn đối ứng trong nước sử dụng cho các dự án vay vốn nước ngoài là một bộ phận quan trọng gắn liền với dự án, được phản ánh trong Hồ sơ dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và sử dụng chủ yếu cho các mục đích chi trong nước để thực hiện dự án như khảo sát thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, xây lắp và một số khoản chi nhằm mục đích phục vụ cho việc chuẩn bị thực hiện dự án.... Tuỳ theo tính chất của từng dự án nằm trong kế hoạch rút vốn vay nước ngoài hàng năm (Ngân sách cấp phát, cho vay lại), việc bố trí nguồn vốn đối ứng trong nước cho các dự án này có thể được Ngân sách cấp phát hoặc chủ dự án phải tự huy động từ các nguồn khác nhau để đảm bảo thực hiện thành công dự án.

Vốn đối ứng, tuy không lớn so với tỷ trọng của dự án nhưng lại ảnh hưởng đến các thủ tục triển khai đầu tiên của dự án. Lâu nay, được xác định vốn đối ứng thường không sát với thực tế và không đồng bộ với kế hoạch rút vốn vay nước ngoài, các dự án vay thường ký sau khi đã có kế hoạch Ngân sách hoặc do các khoản chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Vì thế, có trường hợp dự án đã rút vốn vay song vì không có vốn đối ứng ghi trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước nên không bố trí được nguồn để các dự án triển khai thực hiện làm ảnh hưởng tới tiến độ rút vốn, thực hiện công trình theo kế hoạch đề ra.

Để tạo điều kiện cho các chủ dự án chủ động trong việc xác định nguồn vốn huy động từ các nguồn khác nhau bổ sung phần vốn đối ứng cho các dự án vay vốn nước ngoài nói chung và đặc biệt là Ngân sách Nhà nước chủ động bố trí về vốn đối ứng cho các dự án được Ngân sách Nhà nước cấp phát nói riêng, các cơ quan sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cần căn cứ nhu cầu thực tế về vốn đối ứng để thực hiện các dự án, tổng giá trị vốn đối ứng trong nước mà phía Việt Nam phải bỏ ra được quy định trong các Hiệp định vay vốn ký với bên cho vay, Hồ sơ dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mà trong đó có quy định phần vốn trong nước để tiến hành xây dựng kế hoạch về vốn đối ứng năm 1997, kế hoạch đề ra phải bảo đảm:

- Chi tiết số lượng vốn đối ứng trong nước cho từng nguồn vốn nước ngoài (cụ thể như WB, ADB, OECF...)

- Nguồn sử dụng vốn đối ứng: Ngân sách Nhà nước cấp phát hay đơn vị tự huy động. Đối với các chương trình, dự án Ngân sách Nhà nước cấp phát sẽ được xem xét cân đối vào NSNN năm 1997; Đối với các dự án cho vay lại đề nghị phản ánh rõ nguồn sử dụng là nguồn tự có của đơn vị, vốn vay ngân hàng, tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn huy động khác...

- Đối với mỗi nguồn sử dụng cần chi tiết cụ thể theo mục đích sử dụng để thực hiện dự án như chi khảo sát thiết kế, đền bù, xây lắp...

Để đảm bảo kịp thời đưa vào kế hoạch vốn năm 1997, đề nghị các cơ quan nói trên tập trung xây dựng các kế hoạch này gửi cho Bộ Tài chính (2 bản, 1 bản cho Vụ Tài chính Đối ngoại và 1 bản cho Tổng cục Đầu tư phát triển) chậm nhất vào ngày 25/9/1996. Sau khi xem xét trên cơ sở cân đối các nguồn thu chi Ngân sách, Bộ Tài chính sẽ thông qua nội dung kế hoạch trên vào ghi vào kế hoạch ngân sách năm 1997. Nếu sau thời gian đó mà không có ý kiến của các cơ quan trên thì Bộ tài chính coi như đơn vị không có kế hoạch và sẽ không bố trí kế hoạch này cho đơn vị (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách).

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ trực tiếp với Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại, điện thoại 8262788, 8241431) để giải quyết.

 

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3099-TC/TCĐN của Bộ Tài chính về việc xây dựng kế hoạch vốn năm 1997 đối với các dự án vay vốn nước ngoài

  • Số hiệu: 3099-TC/TCĐN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/09/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản