Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3083/CHK-QLC
V/v tăng cường giám sát, quản lý người đến từ TPHCM và các vùng có dịch.

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi:

- Cảng vụ hàng không miền Bắc, Trung, Nam;
- Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP;
- Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam;
- Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP;
- Công ty cổ phần hàng không Vietjet;
- Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines;
- Công ty cổ phần hàng không Tre Việt;
- Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO);
- Công ty TNHH hàng không Lữ hành Việt Nam;
- Công ty CPHK lưỡng dụng Ngôi Sao Việt;
- Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 6641/BGTVT-CYT ngày 09/7/2021 và văn bản số 6870/BGTVT-CYT ngày 15/7/2021, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh, thành phố có dịch (danh sách các vùng dịch được công bố chính thức và cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế). Yêu cầu công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý khi đi công tác, trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch:

a) Khai báo y tế bắt buộc và cách ly y tế tại nhà trong thời gian 14 ngày kể từ ngày về địa phương (trừ trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ). Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà theo hướng dẫn của y tế địa phương nơi cư trú). Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

b) Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe phải hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đau họng hoặc mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.

2. Hạn chế tối đa việc đi công tác, di chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp... có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

3. Những cán bộ, công chức, viên chức tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, đến làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, đau họng hoặc mất vị giác... phái thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

4. Các hãng hàng không tăng cường khuyến cáo đối với hành khách trước khi di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch về các địa phương: các yêu cầu cách ly y tế tại nhà 14 ngày và phải thực hiện xét nghiệm 03 lần để hành khách được biết và cân nhắc trước khi di chuyển.

5. Cảng vụ hàng không: Triển khai các nội dung trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay.

Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để b/c);
- TTYTHK;
- Các Phòng, VP, TTHK;
- Lưu: VT, QLC (H 15b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Phạm Văn Hảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3083/CHK-QLC năm 2021 về tăng cường giám sát, quản lý người đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng có dịch do Cục Hàng không Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 3083/CHK-QLC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/07/2021
  • Nơi ban hành: Cục Hàng không Việt Nam
  • Người ký: Phạm Văn Hảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản