Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3027/BNN-HTQT
V/v: Hoàn chỉnh Đề cương chi tiết dự án “Phát triển Hệ thống tưới Bắc sông Chu Nam sông Mã”, vay vốn ADB.

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ngày 20/10/2011 Bộ NN&PTNT đã nhận được công văn số 7370/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự án Hồ chứa nước Cửa Đạt thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng và ý kiến đóng góp của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hoàn chỉnh Đề cương chi tiết, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vốn vay ADB tài khóa 2011, cụ thể như sau:

1. Tên dự án: “Phát triển Hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã”. Tên tiếng Anh “Development of the Northern Chu and Southern Ma Rivers Irrigation Systems project”.

2. Cơ quan tài trợ: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).

3. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Mục tiêu của dự án:

a. Mục tiêu dài hạn:

Nâng cấp và xây dựng hệ thống công trình phục vụ hệ thống tưới tiêu để tăng sản lượng nông nghiệp trong khu vực Bắc ông Chu, Nam sông Mã của tỉnh Thanh Hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

b. Mục tiêu ngắn hạn:

- Xây dựng hệ thống kênh tưới Chính Bắc, Chính Nam để tưới cho 17.650 ha và tưới tạo nguồn cho 10.674 ha nằm giữa Bắc sông Chu và Nam sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa.

- Hỗ trợ cho người nông dân chủ động trong sản xuất, tăng sản lượng và năng suất và dẫn đến tăng thu nhập từ nông nghiệp cho hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi trong vùng dự án và nâng cao hiệu quả tưới.

- Tăng cường năng lực quản lý, giám sát chất lượng nước và chia sẻ thông tin cho các bên liên quan nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất.

5. Các kết quả chủ yếu của dự án

- Nâng cao năng lực để quản lý tài nguyên nước và quản lý tưới hiệu quả và Cải thiện chính sách, thể chế và thị trường: Các hoạt động được hỗ trợ trong phần này gồm (a) hỗ trợ kỹ thuật để thành lập những nhà cung cấp dịch vụ có khả năng ổn định về tài chính bằng cách hỗ trợ Sở NN&PTNT lập các kế hoạch kinh doanh và tái cơ cấu các Công ty quản lý thủy nông để trong tương lai các Công ty này sẽ hoạt động là đơn vị tự chủ và ổn định về tài chính; (b) hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho Sở NN&PTNT và các Công ty Quản lý thủy nông tăng cường quản lý tài nguyên nước và quản lý hệ thống tưới bền vững; (c) hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực và sự tham gia của các nhóm và hiệp hội người sử dụng nước tham gia vào quản lý tưới và phát triển cơ sở hạ tầng nội đồng theo mô hình hỗ trợ phát triển nông thôn (RDS) nội đồng; và (d) hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng, dân tộc thiểu số và phát triển giới.

- Cải thiện cơ sở hạ tầng tưới: bao gồm (a) các công trình xây lắp và khôi phục các kênh chính và kênh nhánh, các nhà quản lý, (b) trang thiết bị điện và điều tiết kênh.

- Tăng cường tiếp cận và sử dụng các vật tư, dịch vụ và thông tin nông nghiệp, bao gồm (a) đánh giá, đào tạo và xây dựng năng lực để hỗ trợ khuyến nông; (b) hỗ trợ phát triển các thửa ruộng trình diễn; và (c) mua sắm thiết bị và cải thiện cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ cho các nông trại giống.

6. Thời gian dự kiến thực hiện: từ 2012 đến 2017

7. Tổng mức đầu tư: Tổng mức đầu tư của dự án là 143,2 triệu USD, trong đó:

- Vay ADB 110 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi (ADF).

- Chính phủ đối ứng 33,2 triệu USD. Chiếm 23,4%.

Trong đó: Vốn đối ứng Trung ương cấp phát 28,2 triệu USD, địa phương 5 triệu USD (phần đối ứng cho các công tác hỗ trợ phát triển nông thôn (RDS), xây lắp kênh cấp 2, cấp 3 nội đồng và chi phí đền bù cho các kênh này).

8. Nguồn và cơ chế tài chính

+ Vốn vay ADB: 110 triệu USD:

a) Hợp phần thủy lợi: 77,11 triệu USD.

- Chi phí xây dựng: 76,47 triệu USD chiếm 69,5% vốn ODA.

- Chi phí khác: 0,64 triệu USD chiếm 0,58% vốn ODA.

b) Nâng cao năng lực để quản lý tài nguyên nước và quản lý tưới hiệu quả và cải thiện chính sách, môi trường thể chế và thị trường: 4,193 triệu USD.

- Tăng cường năng lực, quản lý tài nguyên nước (Bao gồm cả phần hỗ trợ phát triển giới và dân tộc thiểu số): 1,86 triệu USD chiếm 1,7% vốn ODA.

- Hỗ trợ phát triển hệ thống tưới: 2,33 triệu USD chiếm 2,1%.

c) Tăng cường tiếp cận và sử dụng các vật tư, dịch vụ và thông tin nông nghiệp: 1,125 triệu USD chiếm 1,113%.

d) Hỗ trợ thực hiện dự án (Tư vấn hỗ trợ, đào tạo, thiết bị) 7,858 triệu USD chiếm 7,1%.

e) Dự phòng: 17,44 triệu USD chiếm 15,8%.

f) Phí ngân hàng 2,14 triệu USD chiếm 1.92%.

+ Vốn đối ứng của Chính phủ: 694,5 tỷ VNĐ (33,2 triệu USD).

Trong đó:

Vốn đối ứng Trung ương 28,2 triệu USD đối ứng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (cấp phát).

Đối ứng địa phương 5 triệu USD (phần đối ứng cho các công tác hỗ trợ phát triển nông thôn (RDS), xây lắp kênh cấp 2, cấp 3 nội đồng và chi phí đền bù cho các kênh này).

Vốn đối ứng Chính phủ được chia cho các hạng mục sau:

- Đối ứng cho hợp phần công trình thủy lợi: 199,5 tỷ VNĐ.

- Đối ứng cho hợp phần nâng cao năng lực quản lý: 9,64 tỷ VNĐ.

- Đối ứng cho hợp phần tiếp cận và sử dụng các vật tư dịch vụ và thông tin nông nghiệp: 2,59 tỷ VNĐ.

- Đối ứng cho hoạt động hỗ trợ thực hiện dự án: 162,67 tỷ VNĐ.

- Chi phí đền bù: 420,2 tỷ VNĐ.

- Dự phòng: 40,1 tỷ VNĐ.

9. Địa điểm thực hiện dự án: Tỉnh Thanh Hóa, bao gồm 6 huyện: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy và Thọ Xuân.

10. Tổ chức thực hiện:

Tổ chức thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, cụ thể như sau:

- Bộ NN&PTNT là cơ quan Chủ quản dự án, chịu trách nhiệm điều hành chung toàn bộ dự án.

- Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi là Chủ dự án, thực hiện chức năng điều phối chung toàn dự án, giám sát chất lượng và tiến độ thực hiện dự án, hướng dẫn các cơ quan thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà tài trợ và phù hợp với quy định trong nước, tổng hợp kế hoạch vốn đối ứng và thanh toán, giải ngân vốn ODA.

- UBND tỉnh chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.

- Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (ICMB3) thuộc Bộ NN&PTNT đóng tại Thanh Hóa là cơ quan sẽ có trách nhiệm: (a) quản lý các hợp đồng ICB; (b) trao và quản lý các gói thầu đấu thầu cạnh tranh trong nước (NCB) để thi công Kênh Chính Bắc và các kênh nhánh; và (c) chuẩn bị các báo cáo về các công trình tại hiện trường.

- Sở NN&PTNT Thanh Hóa có trách nhiệm:

+ Thành lập Ban Quản lý dự án trực thuộc (a) quản lý các gói thầu đấu thầu cạnh tranh quốc tế (ICB); (b) trao thầu và quản lý các gói thầu đấu thầu cạnh tranh trong nước NCB để thi công Kênh Chính Nam và các kênh nhánh; và (c) thực hiện chương trình phát triển nông thôn (RDS) cho hội dùng nước và hoạt động khuyến nông.

+ Thành lập Ban quản lý hợp phần đền bù, di dân và tái định cư (PR-PMU) cho dự án và các hội đồng đền bù cấp tỉnh để thực hiện các hoạt động đền bù tái định cư.

Theo công văn ngày 18/10/2011 của ADB, để đảm bảo cho dự án được sử dụng khoản vay trong năm 2011 dự án sẽ được đàm phán vào cuối tháng 10/2011. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin gửi Đề cương chi tiết của dự án và các tài liệu liên quan, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- NHNNVN;
- Bộ Tài chính;
- UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Vụ KH, TC;
- Cục QLXDCT;
- TCTL;
- Ban CPO Thủy lợi;
- Lưu: VT, HTQT (NTD12).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3027/BNN-HTQT về hoàn chỉnh Đề cương chi tiết dự án Phát triển Hệ thống tưới Bắc sông Chu Nam sông Mã, vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 3027/BNN-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/10/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hoàng Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản