Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2894/BNN-TCLN
V/v: Phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện “Dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh”

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi:

- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Thực hiện Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án điểm “điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức triển khai xây dựng “Dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh” (sau đây viết tắt là Dự án điểm) và đã phê duyệt Dự án điểm tại Quyết định số 2252/QĐ-BNN-TCLN ngày 28 tháng 9 năm 2011.

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện Dự án điểm có tính khả thi và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 4, Điều 1 thời gian thực hiện dự án từ tháng 8/2011 đến 6/2012; đồng thời, bảo đảm cân đối nguồn vốn ngân sách phù hợp với tổng khái toán 50 tỷ quy định tại Khoản 10, Điều 1 Quyết định số 1240/QĐ-TTg phân bổ kế hoạch vốn cho năm 2011 và năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định kinh phí thực hiện Dự án điểm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Dự án điểm “Điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh”.

2. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Cơ quan quản lý dự án: Tổng cục Lâm nghiệp

4. Thời gian thực hiện dự án: Từ tháng 8/2011 đến tháng 6/2012.

5. Mục tiêu:

a) Nắm được toàn diện về diện tích rừng; chất lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp (sau đây viết tắt là đất chưa có rừng) gắn với chủ quản lý cụ thể trên địa bàn 02 tỉnh.

b) Thiết lập được hồ sơ quản lý rừng của địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu theo đơn vị quản lý rừng và đơn vị hành chính các cấp phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất chưa có rừng hàng năm.

c) Kết quả của công tác điều tra, kiểm kê rừng đáp ứng được yêu cầu cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; phục vụ việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương; tạo cơ sở để thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

d) Đánh giá, tổng kết thực tiễn việc thực hiện dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh để rút ra được những bài học kinh nghiệm phục vụ triển khai thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên phạm vi toàn quốc.

6. Phạm vi và đối tượng điều tra, kiểm kê rừng

6.1. Phạm vi dự án: Toàn bộ diện tích đất có rừng và diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp thuộc địa bàn hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh.

6.2. Đối tượng điều tra, kiểm kê rừng:

a) Toàn bộ diện tích rừng và chất lượng rừng theo mục đích sử dụng của 03 loại rừng; diện tích đất chưa có rừng được giao và cho thuê với mục đích phát triển rừng.

b) Toàn bộ chủ rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng; trong đó diện tích được Nhà nước quyết định giao quản lý, sử dụng rừng, cho thuê rừng, đất chưa có rừng, hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và các đối tượng nhận khoán theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 15/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh.

7. Nội dung thực hiện

7.1. Điều tra rừng

a) Mục tiêu điều tra rừng nhằm phản ánh khách quan hiện trạng rừng tại thời điểm điều tra; bảo đảm sự thống nhất số liệu tổng diện tích các trạng thái và trữ lượng rừng; tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng của từng đơn vị hành chính; bảo đảm cho việc đánh giá chính xác tình hình quản lý, sử dụng rừng và chất lượng rừng của các chủ rừng.

b) Nội dung điều tra rừng

- Công tác chuẩn bị gồm: Thu thập bản đồ; ảnh vệ tinh SPOT 5 được chụp trong thời gian không quá 1 năm tính đến thời điểm điều tra; tài liệu và các trang thiết bị, nhân lực thực hiện.

- Điều tra xác định diện tích rừng trên bản đồ số (bao gồm cả hiện trạng rừng và đất chưa có rừng) theo trạng thái rừng (phân loại các trạng thái rừng) đến cho đơn vị hành chính cấp xã.

- Điều tra xác định trữ lượng rừng cho từng trạng thái rừng đối với rừng tự nhiên và cho các cấp tuổi đối với rừng trồng gồm: danh sách các trạng thái rừng, diện tích từng trạng thái rừng, trữ lượng bình quân của từng trạng thái rừng.

7.2. Kiểm kê rừng

a) Mục tiêu kiểm kê rừng nhằm nắm được toàn diện về diện tích rừng; chất lượng rừng và đất chưa có rừng gắn với chủ quản lý cụ thể và theo đơn vị hành chính (cấp xã, huyện, tỉnh).

b) Nội dung kiểm kê rừng:

- Công tác chuẩn bị phục vụ kiểm kê rừng (Phiếu tự kê khai rừng và đất chưa có rừng cho các chủ rừng và tổ công tác; bản đồ thành quả của điều tra rừng và các loại bản đồ khác, trang thiết bị, công cụ cần thiết có liên quan); thành lập các Ban chỉ đạo và tổ công tác triển khai thực hiện.

- Kiểm kê về diện tích, bao gồm: xác định phạm vi ranh giới, diện tích trên bản đồ và ngoài thực địa; kiểm kê diện tích rừng theo từng loại trạng thái rừng là cơ sở để lập biểu thành quả từ cấp xã; tổng hợp số liệu kiểm kê diện tích rừng theo các đơn vị quản lý lâm nghiệp, lập và tổng hợp các bảng biểu kiểm kê diện tích các trạng thái rừng theo đơn vị hành chính, theo 3 loại rừng và theo chủ quản lý rừng.

- Kiểm kê về trữ lượng, bao gồm: đối chiếu trữ lượng từng lô trạng thái với trữ lượng điều tra bình quân; kiểm kê bổ sung trữ lượng của các lô trạng thái có sai số lớn; tổng hợp kết quả kiểm kê trữ lượng cho các loại rừng và từng loại chủ quản lý.

- Tổng hợp kết quả kiểm kê rừng bằng phần mềm cơ sở dữ liệu theo hệ thống biểu cấp xã, huyện, tỉnh, cụ thể: số liệu kiểm kê rừng cấp xã được tổng hợp từ các chủ rừng theo các phiếu điều tra, kiểm kê rừng; số liệu kiểm kê rừng cấp huyện được tổng hợp từ số liệu của cấp xã; số liệu kiểm kê rừng cấp tỉnh được tổng hợp từ số liệu của cấp huyện.

7.3. Lập hồ sơ quản lý rừng

a) Lập Hồ sơ quản lý rừng cho từng tiểu khu rừng ngay sau kết quả kiểm kê rừng được nghiệm thu phục vụ cho quản lý ngành lâm nghiệp; cập nhật, thống kê diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm sau kiểm kê.

b) Hồ sơ quản lý rừng bao gồm những số liệu về diện tích, trữ lượng rừng; tình hình quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, bản đồ kèm theo thể hiện đến lô quản lý và các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch, dự án hoặc đề án liên quan và phương án điều chế rừng (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7.4. Các hoạt động hỗ trợ

a) Xây dựng các tài liệu và phần mềm hỗ trợ điều tra, kiểm kê rừng; lập cơ sở dữ liệu quản lý rừng.

b) Đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm hỗ trợ và các biện pháp kỹ thuật điều tra, kiểm kê. Dự kiến tổ chức 17 lớp, thời gian 40 ngày và 1000 người tham dự.

c) Tiếp nhận bản đồ hiện trạng quy hoạch sử dụng đất cấp xã năm 2010 với tổng số 278 xã và Ảnh vệ tinh Spot 5 đã được nắn chỉnh ở mức độ II (theo hệ tọa độ VN2000) phủ cho toàn tỉnh.

8. Thành quả đạt được

a) Hệ thống Bản đồ hiện trạng rừng và đất chưa có rừng theo 3 loại rừng, chủ quản lý và đơn vị hành chính được cập nhật đến tháng 6 năm 2012, bao gồm: Bắc Kạn 122 xã và 08 huyện; Hà Tĩnh 156 xã và 10 huyện, thị. Trong đó, tỷ lệ bản đồ cấp xã 1/10.000, cấp huyện 1/50.000, cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000. Toàn bộ bản đồ hiện trạng rừng cấp xã được lưu trữ ở dạng số. Trên bản đồ thể hiện chi tiết ranh giới các lô trạng thái rừng và đất chưa có rừng của từng chủ rừng kèm theo các thông tin về diện tích, trạng thái rừng của từng lô.

b) Hệ thống số liệu kiểm kê rừng (Bắc Kạn 122 xã, 08 huyện; Hà Tĩnh 156 xã và 10 huyện, thị) gồm: diện tích rừng và đất chưa có rừng theo 03 loại rừng, theo chủ quản lý; các trạng thái và trữ lượng rừng theo 03 loại rừng, theo chủ quản lý được tổng hợp từ xã đến huyện, tỉnh; độ che phủ rừng theo đơn vị hành chính. Toàn bộ số liệu kiểm kê rừng được sao in thành từng bộ và lưu trữ ở dạng số.

c) Hệ thống hồ sơ quản lý rừng các cấp, được quản lý dưới dạng cơ sở dữ liệu số, bao gồm số liệu và bản đồ.

d) Đề xuất, hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến điều tra, kiểm kê rừng.

đ) Báo cáo tổng hợp quá trình thực hiện dự án của từng tỉnh, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Các tài liệu khác có liên quan.

9. Nguồn kinh phí và tổng dự toán thực hiện dự án

9.1. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh do ngân sách nhà nước cấp và chi cho các hoạt động chủ yếu sau:

1) Chi cho các hoạt động điều tra rừng;

2) Chi cho các hoạt động kiểm kê rừng; trong đó:

a) Chi hoạt động kiểm kê rừng của đơn vị Trung ương;

b) Chi hoạt động kiểm kê rừng của đơn vị địa phương;

3) Chi cho hoạt động lập hồ sơ quản lý rừng;

4) Chi cho các hoạt động chuẩn bị: trang thiết bị phục vụ điều tra, kiểm kê; tiếp nhận ảnh vệ tinh và bản đồ nền; đào tạo tập huấn, hội nghị; xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, các phần mềm hỗ trợ điều tra, kiểm kê rừng;

5) Kinh phí cho các hoạt động khác như: giám sát đánh giá; quản lý dự án; xây dựng dự án và thẩm định dự án, trong đó: bao gồm cả chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo Điều tra, kiểm kê rừng và Trung ương và Ban chỉ đạo Điều tra, kiểm kê rừng của hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh.

9.2. Tổng kinh phí và phân bổ kinh phí thực hiện dự án điểm

Tổng dự toán kinh phí thực hiện dự án 49,997 tỷ đồng. Trong đó, được phân bổ nhiệm vụ triển khai như sau:

1) Điều phối dự án, quản lý và kiểm tra giám sát quá trình thực hiện; tổng hợp kết quả điều tra, kiểm kê rừng hai tỉnh: 3,274 tỷ đồng

2) Thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn: 23,243 tỷ đồng

3) Thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh: 23,480 tỷ đồng

10. Tổ chức thực hiện

1) Cục Kiểm lâm có trách nhiệm:

a) Tổ chức quản lý, điều phối triển khai Dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; tổng hợp kế hoạch kinh phí và tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục phê duyệt và tổ chức thực hiện việc giám sát, kiểm tra chặt chẽ nội dung, chất lượng và tiến độ Dự án điểm; tổ chức nghiệm thu thành quả điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh và tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn quốc.

2) Viện Điều tra quy hoạch rừng có trách nhiệm triển khai thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

3) Viện Sinh thái rừng và Môi trường, Trường Đại học lâm nghiệp có trách nhiệm triển khai thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Hồ sơ gửi kèm gồm: văn kiện dự án; thuyết minh dự toán kinh phí Dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng tại hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Tĩnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- Lãnh đạo TCLN;
- Cục Kiểm lâm;
- Lưu VT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị