Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2808/BTP-PBGDPL
V/v tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2016

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thể thao, Văn hóa và Du lịch;
- Ủy ban Dân tộc;
- Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Qua theo dõi thông tin báo chí và nắm bắt thực tiễn gần đây cho thấy nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại, có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thậm chí cả khu vực đô thị. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con. Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời...). Một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chưa nhận thức được đây là hành vi bị cấm theo Luật hôn nhân và gia đình và sẽ bị xử lý theo pháp luật hoặc do ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu... Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Quý cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chú trọng triển khai một số biện pháp sau đây:

1. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong khi thực hiện nhiệm vụ cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân bằng hình thức phù hợp về những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết mang lại; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật hôn nhân và gia đình; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi Tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình; Pháp lệnh dân số; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã... Kết hợp tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với hành vi tảo hôn, hôn nhân cận huyết với tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành pháp luật.

2. Căn cứ vào định hướng tuyên truyền, phổ biến của Bộ Tư pháp, lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, bảo đảm ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để truyền tải đầy đủ đến cán bộ, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến cần tập trung vào các quy định của pháp luật có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy do các hành vi này gây ra để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Căn cứ vào Điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp như: Biên soạn tài liệu ngắn gọn, có hình ảnh minh họa; sử dụng mạng lưới thông tin, loa truyền thanh cơ sở; sinh hoạt câu lạc bộ; lồng ghép giao lưu, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, hòa giải ở cơ sở, các cuộc họp, lồng ghép trong hương ước, quy ước, tiêu chuẩn thôn văn hóa, gia đình văn hóa... Tiếp tục huy động, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật.

3. Đề nghị Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đến các ngành, các cấp; cung cấp đầy đủ kết quả thực hiện Đề án về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp trong triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình (trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết) cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình, viết tin, bài; gia tăng các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng hình thức phù hợp, sinh động, tập trung phản ánh những mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra cũng như những hậu quả pháp lý bất lợi đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

5. Đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc kịp thời nghiên cứu, tổng kết, cung cấp đầy đủ các thông tin, bằng chứng khoa học về những mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, huy động mạng lưới cán bộ, cộng tác viên y tế, kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kết hợp lồng ghép qua biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hoạt động tư vấn, can thiệp y tế, thực hiện các biện pháp dân số, kế hoạch hóa gia đình trong các chương trình, đề án được phê duyệt (Chương trình Mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình...) và trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực chuyên môn quản lý.

6. Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trực thuộc và các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho các đối tượng gắn với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý như: học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường hoặc trong quá trình xây dựng, triển khai các thiết chế văn hóa tại cơ sở cũng như triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

7. Đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình, viết tin, bài phỏng vấn, phóng sự, thiết lập chuyên trang, chuyên Mục để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, phản ánh tình hình và mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra.

8. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hội viên, thành viên của tổ chức mình, tham gia tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân; tích cực vận động, giáo dục, thuyết phục hội viên, thành viên và nhân dân tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, giám sát, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

9. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình, Điều kiện thực tiễn địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra các giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là các quy định, vấn đề có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này; tăng cường quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và những nội dung có liên quan cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả gửi Bộ Tư pháp.

Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Sở Tư pháp là đầu mối tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Nhận được Công văn này, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Quý Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương và cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, kịp thời tổng hợp kết quả trong Báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số điện thoại 04.62739468) để phối hợp tháo gỡ kịp thời.

 


Nơi nhận:
- Như trên:
- Bộ trưởng (để báo cáo):
- Tổ chức pháp chế các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương;
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Trợ giúp pháp lý, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (để biết và thực hiện):
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2808/BTP-PBGDPL năm 2016 tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 2808/BTP-PBGDPL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/08/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Phan Chí Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản