BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2749/TC/TCT | Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 2749 TC/TCT NGÀY 22 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ VIỆC XỬ LÝ THUẾ NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ, LINH KIỆN CHO SẢN XUẤT LẮP RÁP
Kính gửi | : Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Để giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đầu tư, bảo hộ sản xuất trong nước các mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành một số Quyết định sửa đổi tăng hoặc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu. Khi thiết kế mức thuế nhập khẩu của các mặt hàng, bên cạnh việc xem xét lợi thế cạnh tranh, khả năng phát triển trong tương lai, tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ đầu tư,... Bộ Tài chính cũng đã chú trọng đảm bảo nguyên tắc bảo hộ tối đa cho sản xuất trong nước bằng việc quy định thuế nhập khẩu của nguyên liệu, vật tư, linh kiện hợp lý với mức thuế nhập khẩu của thành phẩm.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng vẫn còn có một số trường hợp (chiếm tỷ lệ nhỏ) một số mặt hàng linh kiện, chi tiết rời hoặc nguyên liệu để sản xuất lấp ráp các sản phẩm cơ khí điện - điện tử có mức thuế nhập khẩu cao hơn thành phẩm. Những sản phẩm thường rơi vào tình trạng này gồm:
1. Mặt hàng mà doanh nghiệp nhập khẩu làm nguyên liệu, vật tư, linh kiện là mặt hàng trong nước đã sản xuất được trong một thời gian tương đối dài, chất lượng và số lượng đảm bảo, về lâu dài có khả năng cạnh tranh nên cần bảo hộ ở mức cao. Trong khi đó, mặt hàng là thành phẩm mới được đưa vào vào đầu tư sản xuất hoặc là mặt hàng dùng cho các chính sách đối tuượng xã hội cần ưu tiên nên thời gian qua đã đánh thuế ở mức thấp (những mặt hàng này dùng cho y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng).
2. Hoặc tuy cùng được sử dụng làm nguyên liệu, vật tư nhưng do không phải để sản xuất ra cùng một mặt hàng thành phẩm có mức thuế nhập khẩu đầu ra giống nhau mà là để sản xuất ra những mặt hàng khác nhau, có tỷ lệ nguyên liệu chiếm trong giá thành khác nhau, có mức thuế nhập khẩu đầu ra rất khác nhau nên mức thuế nhập khẩu của nguyên liệu có thể phù hợp với mặt hàng này lại không phù hợp với mặt hàng khác.
Ví dụ: mặt hàng dây điện trong nước đã sản xuất được, Biểu thuế nhập khẩu quy định mức thuế 20% để bảo hộ. Một số đơn vị nhập dây điện để sản xuất các sản phẩm điện, sản phẩm điện có rất nhiều mức thuế khác nhau từ 0% đến 30%. Vì vậy nếu nhập khẩu dây điện để sản xuất các sản phẩm điện có mức thuế nhập khẩu từ 20% trở lên thì hợp lý nhưng nếu nhập khẩu dây điện để sản xuất các sản phẩm điện có mức thuế nhập khẩu dưới 20% thì lại bất hợp lý.
3. Hoặc theo nguyên tắc phân loại của Danh mục Biểu thuế, cùng là nhập khẩu linh kiện để lắp ráp nhưng nếu nhập khẩu đồng bộ thì tính thuế theo nguyên chiếc, nhập không đồng bộ thì phân theo từng loại chi tiết linh kiện nên đã nảy sinh trường hợp, nếu mức thuế nhập khẩu nguyên chiếc thấp thì để có lợi các doanh nghiệp sẽ nhập đồng bộ và ngược lại v.v...
Để tiếp tục giải quyết những bất hợp lý cho những trường hợp có mức thuế nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, vật tư cao hơn thành phẩm như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/2001/CT-TTg ngày 28/11/2001 về việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tiếp theo các quyết định sửa đổi mức thuế nhập khẩu của một số nhóm mặt hàng đã ban hành, Bộ Tài chính sẽ rà soát, xây dựng lại toàn bộ mức thuế suất thuế nhập khẩu cho tất cả các nhóm/phân nhóm/mặt hàng của Biểu thuế nhập khẩu hiện hành theo mục tiêu hiệu quả, sắp xếp các nhóm/phân nhóm/mặt hàng theo từng ngành/tiểu ngành kinh tế và đưa ra mức thuế hợp lý nhất cho ngành/tiểu ngành đó trên cơ sở Danh mục Biểu thuế hài hoà ASEAN (AHTN). Ví dụ: có thể chia thành các ngành: trồng trọt/chăn nuôi/chế biến sản phẩm nông nghiệp/cơ khí/điện/điện tử/hoá chất/dệt may... và xây dựng mức thuế bảo hộ hiệu quả cho từng ngành này (mức thuế bảo hộ hiệu quả được xác định dựa trên mức thuế nhập khẩu xây dựng cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện đầu vào và thành phẩm đầu ra) trong đó đặc biệt chú trọng đảm bảo nguyên tắc bảo hộ tối đa cho sản xuất trong nước bằng việc quy định mức thuế nhập khẩu hợp lý giữa nguyên liệu, vật tư, linh kiện và thành phẩm.
Việc xây dựng lại mức thuế nhập khẩu như nêu trên sẽ giải quyết được hầu hết những bất hợp lý về thuế nhập khẩu giữa nguyên liệu, linh kiện với thành phẩm nhưng theo dự đoán thì lại có thể nảy sinh một số bất hợp lý mới khác (do nhu cầu cần bảo hộ cao đối với những mặt hàng non trẻ hoặc do sắp xếp xây dựng lại mức thuế theo hướng giảm dần thuế nhập khẩu những mặt hàng đã được bảo hộ quá cao và quá lâu, tăng thuế những mặt hàng công nghệ mới để khuyến khích đầu tư). Song các doanh nghiệp rơi vào những trường hợp này phải chấp nhận vì mục tiêu mà chúng ta cần là những ngành nghề, sản phẩm mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh, không bảo hộ một cách tràn lan.
Để việc xử lý phù hợp với thực tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 28/2001/CT-TTg nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các đơn vị, cơ sở sản xuất, lắp ráp được biết tình hình trên. Trường hợp các đơn vị sản xuất lắp ráp thấy có sự bất hợp lý về mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định cho nguyên liệu, phụ tùng nhập khẩu để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình thì có văn bản đề xuất để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý theo mẫu đính kèm công văn này gửi về Bộ tài chính (Tổng cục thuế 123 - phố Lò Đúc) trước ngày 30/3/2002. Trường hợp cần trao đổi chi tiết, xin liên lạc theo số máy điện thoại 9.719.474/9.719.475 hoặc số FAX: 9.712.286 (phòng thuế XNK - Tổng cục thuế).
Xin cám ơn sự phối hợp cộng tác của quý cơ quan.
| Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
Công văn 2749/TC/TCT của Bộ Tài chính về việc xử lý thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất lắp ráp
- Số hiệu: 2749/TC/TCT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 22/03/2002
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Phạm Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/03/2002
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết