Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2742/BGDĐT-QLCL
V/v tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2023

 

Kính gửi:

- Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Giám đốc các Đại học, Học viện;
- Hiệu trưởng các Trường Đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 (gọi tắt là Kỳ thi) giữ ổn định về cơ bản như năm 2022, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và làm một trong các căn cứ xét tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là tuyển sinh). Kỳ thi diễn ra tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh và khoảng 250.000 giáo viên, viên chức, công chức của ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan; các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Để tổ chức tốt Kỳ thi và công tác tuyển sinh Bộ GDĐT đề nghị Giám đốc các Sở GDĐT, Giám đốc các Đại học, Học viện, Hiệu trưởng các Trường Đại học tập trung triển khai các công việc sau đây:

I. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Tăng cường tuyên truyền nhằm thông tin kịp thời, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, những nội dung cơ bản của Kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2023; phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành (gọi chung là Quy chế thi, tuyển sinh) và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

2. Khẩn trương ban hành các văn bản liên quan đến công tác tổ chức Kỳ thi thuộc thẩm quyền và tham mưu các cấp chính quyền các giải pháp chỉ đạo để bảo đảm tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn:

- Tham mưu ban hành Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh tại địa phương.

- Thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi, bố trí các Điểm thi, phòng thi tại địa phương bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi và tạo thuận lợi cho thí sinh.

- Xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh tại địa phương; trong đó, lưu ý xây dựng phương án dự phòng để ứng phó, xử lý các tình huống bất thường, nhất là phương án dự phòng cho trường hợp thời tiết cực đoan, khắc nghiệt hoặc phát sinh thiên tai, dịch bệnh.

3. Lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm để tham gia tổ chức thi và thanh tra, kiểm tra thi, nhất là những khâu mang tính then chốt trong quá trình tổ chức Kỳ thi như in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia tổ chức thi theo kế hoạch. Trong quá trình tập huấn cần tổng hợp các điểm mới, dự báo các tình huống có thể xảy ra và cách xử lý tình huống để phổ biến cho những người tham gia (khuyến khích có bài kiểm tra sau tập huấn và cá thể hóa đối tượng tập huấn) bảo đảm các thành phần tham gia tổ chức Kỳ thi đều nắm vững quy chế, thuần thục nghiệp vụ. Quán triệt và khuyến khích những người tham gia tổ chức thi thực hiện phương châm bốn ĐÚNG và ba KHÔNG: Đúng quy chế và hướng dẫn; Đúng/đủ quy trình; Đúng vị trí và chức trách; Đúng thời điểm (kịp thời xử lý tình huống bất thường); Không lơ là, chủ quan; Không tự ý xử lý tình huống bất thường; Không căng thẳng, áp lực thái quá.

4. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, bố trí các nguồn lực thực hiện các khâu của Kỳ thi và các hoạt động liên quan bảo đảm tiến độ kế hoạch, theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT. Trong đó, chú trọng lựa chọn địa điểm, thiết bị và xây dựng các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật phục vụ các khâu tổ chức thi, nhất là việc sử dụng các phần mềm, thiết bị máy móc trong chấm thi, phúc khảo và lưu giữ, bảo quản đề thi, bài thi tại những địa điểm diễn ra hoạt động tổ chức Kỳ thi.

5. Chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung yêu cầu và cơ chế phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan trong tổ chức Kỳ thi. Đối với công tác bảo đảm an ninh an toàn cho Kỳ thi, cần lưu ý một số nội dung sau:

- Thống nhất thực hiện hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Văn bản số 3101/ANCTNB&QLCL ngày 01/5/2023 của Cục Quản lý chất lượng - Bộ GDĐT và Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an (đính kèm Công văn này thay thế Văn bản số 2369/ANCTNB&QLCL ngày 18/5/2021).

- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai các giải pháp phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi, nhất là trong bối cảnh đang có sự diễn biến trở lại hoạt động quảng cáo, mua bán các loại thiết bị ngụy trang, thiết kế tinh vi, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại bí mật, dễ sử dụng để gian lận thi cử. Yêu cầu các Hội đồng thi chỉ đạo các Điểm thi phổ biến đầy đủ, kiểm tra và nhắc nhở thí sinh để bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức. Các trường hợp vi phạm (dù vô tình hay cố ý) đều sẽ bị xử lý theo quy định.

6. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ theo đúng kế hoạch và hướng dẫn của Bộ GDĐT; nghiêm túc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm nguyên tắc mọi khâu của Kỳ thi đều phải được thanh tra, kiểm tra với mục tiêu ngăn chặn, phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm (nếu có) liên quan đến tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh.

II. Đối với các cơ sở giáo dục đại học

1. Bố trí đầy đủ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác thanh tra Kỳ thi theo điều động của Bộ GDĐT; chủ động phối hợp với Sở GDĐT địa phương trong mọi hoạt động liên quan.

2. Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển sinh, bảo đảm quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch phương án tuyển sinh, các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của đơn vị theo quy định của Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GDĐT.

3. Phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT; quán triệt đầy đủ tinh thần trách nhiệm và tập huấn kỹ nghiệp vụ cho những người tham gia công tác tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023.

Bộ GDĐT đề nghị Giám đốc các Sở GDĐT, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an); Giám đốc các Đại học, Học viện; Hiệu trưởng các Trường Đại học nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp để tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh năm 2023 đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, QLCL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2742/BGDĐT-QLCL tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 2742/BGDĐT-QLCL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/06/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản