Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 270 /BTTTT-ƯDCNTT
V/v hướng dẫn Mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các Chương trình, Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp, các cơ quan nhà nước đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tiếp theo.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về một mô hình chính phủ điện tử để làm định hướng chung cho các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong phát triển chính phủ điện tử của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn hướng dẫn về Mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Quý cơ quan phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng (để b/c);
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, ƯDCNTT.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN





Nguyễn Thành Phúc

 

HƯỚNG DẪN

MÔ HÌNH THÀNH PHẦN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ CẤP TỈNH
(Kèm theo Công văn số 270/BTTTT-ƯDCNTT ngày 06/02/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

PHẦN MỞ ĐẦU

Đặt vấn đề

Thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008, Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, Quyết định số 1605/2010/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, các tỉnh/thành phố đã và đang triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cải thiện chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp hướng đến phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh được giới thiệu trong tài liệu này là bước đi đầu tiên, tiếp cận theo hướng hỗ trợ các tỉnh/thành phố lập kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, có được một tầm nhìn chung xác định phát triển chính quyền điện tử.

Phạm vi áp dụng

Tài liệu là một hướng dẫn kỹ thuật, khái quát về các mối quan hệ của chính phủ điện tử và mô hình thành phần của chính phủ điện tử, nhằm mục đích giúp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hình thành nhận thức ban đầu về mô hình thành phần của chính quyền điện tử cấp tỉnh, từ đó, làm căn cứ cho việc lập kế hoạch, xác định mức độ trưởng thành, lựa chọn các dự án/nhiệm vụ ưu tiên triển khai, xem xét, đánh giá, đi tới quyết định lựa chọn phát triển các hệ thống thông tin của chính quyền điện tử của mình đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao khả năng thành công trong triển khai, giảm thiểu sự trùng lặp về nỗ lực và chi phí xây dựng các ứng dụng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng liên thông kết nối và tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử cấp tỉnh.

Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng bao gồm các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ

quan chính quyền các cấp có thể tham khảo tài liệu này để phát triển hệ thống thông tin của mình.

PHẦN 1. TỔNG QUAN VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

1. Sự hình thành và khái niệm chính phủ điện tử

Khởi đầu với quá trình cải cách hành chính được diễn ra vào những năm 70 của thế kỷ trước trong các nước phát triển, tiếp theo là quá trình chính phủ các nước đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động của các cơ quan chính phủ, khái niệm chính phủ điện tử đã ra đời vào những năm 90 cùng với những khái niệm khác như thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử, …

Vào những năm 1995-2000, chính phủ điện tử đã được các nước tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy phát triển và ngày càng được các nước coi như một giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cho đến nay chính phủ điện tử vẫn tiếp tục được các nước thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng hơn, các nước đã coi phát triển chính phủ điện tử là bắt buộc.

Ngày nay, với sự bùng nổ của các phương tiện di động, băng rộng, công nghệ… nên nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử đa dạng hơn, liên thông hơn dưới khái niệm chính phủ di động (m-government), chính phủ điện tử thế hệ 2 (e-government 2.0), chính phủ ở mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện (ubiquitous government).

Đã có rất nhiều tổ chức và chính phủ đưa ra định nghĩa “Chính phủ điện tử”. Tuy nhiên, hiện không có một định nghĩa thống nhất về chính phủ điện tử, hay nói cách khác, hiện không có một hình thức chính phủ điện tử được áp dụng giống nhau cho các nước. Các tổ chức khác nhau đưa ra những định nghĩa về Chính phủ điện tử của riêng mình. [[1]]

Trong tài liệu này, chính phủ điện tử được hiểu như sau:

Định nghĩa: Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ, phục vụ

người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

2. Người dân là trung tâm

Trong quá trình phát triển chính phủ điện tử, lấy người dân làm trung tâm là một định hướng cho phát triển. Khái niệm đó được hiểu như sau:

- Thông tin người dân cung cấp cho một cơ quan chính phủ sẽ được đưa đến và có giá trị tại các cơ quan khác của chính phủ;

- Các cơ quan chính phủ lấy người dân làm trung tâm chính trong toàn bộ các nỗ lực cung cấp thông tin, dịch vụ công của chính phủ;

- Người dân ngày càng được tham gia nhiều hơn vào quá trình quản lý của chính phủ, ra quyết định của các cơ quan chính phủ, và giám sát các hoạt động của chính phủ.

3. Các quan hệ tương tác trong chính phủ điện tử

Việc cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến, các quan hệ tương tác của chính phủ điện tử được xác định trong mô hình chính phủ điện tử dựa trên các quan hệ giữa các cơ quan chính phủ, người dân, doanh nghiệp, các cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm các quan hệ sau:

- Chính phủ và người dân (G2C);

- Chính phủ và các doanh nghiệp (G2B);

- Giữa các cơ quan chính quyền các cấp với nhau và trong các cơ quan chính phủ (G2G); giữa các cơ quan chính phủ với các cán bộ, công chức, viên chức (G2E). Quan hệ G2G và G2E thường được gọi chung là G2G.

Đôi khi người ta cũng xác định rõ cả chiều của quan hệ tương tác, như trong quan hệ giữa chính phủ và người dân, thì có quan hệ chính phủ với người dân (G2C) và quan hệ giữa người dân và chính phủ (C2G). Tương tự như vậy có quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp (G2B) và giữa doanh nghiệp với chính phủ (B2G).

Chính phủ và người dân (G2C):

Nhóm các dịch vụ của chính phủ đến người dân bao gồm việc phổ biến thông tin đến người dân, các dịch vụ cơ bản cho người dân, và các dịch vụ người dân thực hiện cho các cơ quan chính phủ.

- Các thông tin phổ biến đến người dân là các thông tin về các cơ quan chính phủ, thông tin về các quy định, chính sách, luật pháp… giúp cho người dân hiểu biết tốt hơn về cơ quan chính phủ và công việc của cơ quan, cũng như trợ giúp họ thực hiện tốt các dịch vụ hành chính.

- Các dịch vụ mà chính phủ thường cung cấp cho người dân là: Làm giấy khai sinh/khai tử/hôn nhân, làm mới hoặc gia hạn các loại giấy phép (lái xe, đăng ký quyền sở hữu nhà ở…), cũng như các dịch vụ trợ giúp người dân trong giáo dục, bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh, thư viện…

- Các dịch vụ mà người dân thường thực hiện cho các cơ quan chính phủ là: Khai thuế thu nhập, nộp tiền phạt, thay đổi nơi ở… Tiến tới người dân tham gia vào các công việc của các cơ quan chính phủ trong việc xây dựng chính sách, ra các quyết định, bầu cử trực tuyến…

Đối với chính phủ điện tử, việc cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân có thể được thực hiện ngoài giờ hành chính, tiến tới được thực hiện 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, tất cả 365 ngày trong năm. Các hình thức thực hiện dịch vụ ngày càng phải được cải thiện và tiến tới thực hiện trên nhiều phương tiện, ở bất cứ đâu thuận lợi cho người dân.

Chính phủ và các doanh nghiệp (G2B):

Có rất nhiều dịch vụ khác nhau giữa chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm việc cung cấp thông tin, các dịch vụ của các cơ quan chính phủ cho doanh nghiệp và các dịch vụ mà các doanh nghiệp phải thực hiện đối với chính phủ.

- Các cơ quan chính phủ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, phổ biến các quy định, các chính sách, các lệnh, các bản ghi nhớ… của các cơ quan chính phủ cho các doanh nghiệp.

- Các dịch vụ chính phủ thực hiện cho các doanh nghiệp thường là: Làm mới và gia hạn các loại giấy phép, các chứng nhận, thanh tra và kiểm tra…

- Các dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện cho các cơ quan chính phủ là: Nộp thuế, cung cấp thông tin thống kê kinh doanh, cung cấp thông tin và tham gia vào đấu thầu-mua bán trực tuyến…

Cả chính phủ và các doanh nghiệp cải thiện dần mối quan hệ giữa khu vực chính phủ và khu vực tư nhân, thiết lập mối quan hệ hợp tác trợ giúp chính phủ-doanh nghiệp trong chính phủ điện tử.

Đối với chính phủ điện tử, cũng như dịch vụ cho người dân, dịch vụ cho các doanh nghiệp tiến tới thực hiện ngoài giờ hành chính, tiến tới được thực hiện 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, tất cả 365 ngày trong năm. Các hình thức thực hiện dịch vụ ngày càng phải được cải thiện và tiến tới thực hiện trên nhiều phương tiện, ở bất cứ đâu thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G2G):

Trong quan hệ này chủ yếu nói đến việc thực hiện nâng cao hiệu quả làm việc, phối hợp giữa các cơ quan chính phủ với nhau, trong đó xác định:

- Các dịch vụ tương tác giữa cơ quan Trung ương và các cơ quan cấp tỉnh, như là một quan hệ dọc.

- Các dịch vụ tương tác giữa các Bộ, ban, ngành và các tổ chức của Chính phủ ở cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, như là một quan hệ ngang.

Đôi khi trong mối quan hệ G2G, người ta cũng nhắc đến việc thực hiện dịch vụ trực tuyến giữa các chính phủ với nhau (như trao đổi điện thoại trực tiếp, thực hiện gặp mặt qua hội nghị trực tuyến-video conference…) được sử dụng như công cụ trong mối quan hệ quốc tế và ngoại giao.

Chính phủ và các cán bộ công chức, viên chức (G2E):

Các cán bộ, công chức, viên chức trong chính phủ cũng là những người dân trong xã hội, nên các dịch vụ cung cấp cho người dân (G2C) cũng thực hiện cho các công chức chính phủ, ngoài ra các cơ quan chính phủ còn cung cấp các dịch vụ chỉ dành cho những người làm việc trong các cơ quan chính phủ, như cung cấp việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, học từ xa (e-learning), quản lý tri thức, cung cấp các thông tin về lương, hưu, mất sức…

4. Lợi ích của chính phủ điện tử

Một cách tổng quan, chúng ta có thể thấy lợi ích của chính phủ điện tử như sau:

- Nhìn từ phía các cơ quan chính phủ: Làm tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính phủ, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính phủ;

- Nhìn từ phía người dân, doanh nghiệp: Người dân và doanh nghiệp được các cơ quan chính phủ cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ một cách trực tuyến. Một cách cụ thể, người dân và doanh nghiệp ngày càng ít phải đến trực tiếp các cơ quan chính phủ;

- Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ. Nhờ các công cụ của công nghệ thông tin và truyền thông, cơ quan chính phủ nhanh chóng thu lượm được ý kiến của người dân và giúp người dân tham gia dễ dàng hơn trong quá trình ra quyết định của chính phủ.

Chi tiết hơn, các chuyên gia trên thế giới và các báo cáo về chính phủ điện tử các nước đã tổng kết nhiều lợi ích mà chính phủ điện tử mang lại. Cụ thể như sau:

- Tăng khả năng tiếp cận với chính phủ: Chính phủ điện tử hướng đến cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp ở mọi lúc (24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần), ở mọi nơi qua Internet, đồng thời người dân vẫn sử dụng các cách thức truyền thống như gặp trực tiếp, qua điện thoại, qua máy fax… Đối với người dân và doanh nghiệp, chính phủ điện tử là sự đơn giản hóa các thủ tục và tăng hiệu quả của quá trình phê duyệt. Đối với các cơ quan và nhân viên chính phủ, chính phủ điện tử là sự hỗ trợ hợp tác giữa các cơ quan nhằm đảm bảo đưa ra các quyết định một cách chính xác và kịp thời;

- Người dân sẽ cảm thấy hài lòng hơn: Các dịch vụ mà chính phủ cung cấp cho người dân sẽ tốt hơn, người dân thấy được tham gia vào đóng góp ý kiến vào các hoạt động của chính phủ thuận tiện hơn trước, được cung cấp thông tin kịp thời hơn về các hoạt động của chính phủ. Người dân sẽ thấy các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm rõ hơn, các hoạt động của chính phủ được người dân giám sát kịp thời;

- Các quy trình làm việc được tổ chức lại: Trước khi mỗi dịch vụ ứng dụng của chính phủ được thực hiện, các quy trình làm việc của các cơ quan chính phủ được phân tích, thiết kế lại cho rõ ràng để có thể áp dụng công nghệ thông tin, để trở thành trực tuyến. Chính nhờ điều này mà hiệu quả làm việc của các cơ quan chính phủ được tăng lên và giảm chi phí điều hành;

- Tăng năng suất lao động: Theo sự phát triển của chính phủ điện tử, các dịch vụ mà chính phủ cung cấp sẽ được trực tuyến và tích hợp dần, người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến ở mọi nơi. Việc tích hợp các dịch vụ ứng dụng của các cơ quan chính phủ sẽ làm tăng năng suất lao động và tính hiệu quả của các cơ quan chính phủ.

PHẦN 2. MÔ HÌNH THÀNH PHẦN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ CẤP TỈNH

Trong tài liệu này, chính phủ điện tử của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được hiểu là chính quyền điện tử cấp tỉnh.

1. Mục tiêu của mô hình thành phần

- Tạo một mô hình thống nhất mang tính định hướng cho các tỉnh phát triển chính quyền điện tử;

- Đảm bảo linh hoạt và khả năng đáp ứng đối với các thay đổi;

- Hỗ trợ xác định mức độ trưởng thành về chính quyền điện tử cấp tỉnh;

- Hỗ trợ việc lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, và dịch vụ công trực tuyến;

- Nâng cao khả năng tái sử dụng thay vì xây dựng mới từ đầu;

- Hỗ trợ việc lựa chọn các giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ, mức độ sẵn sàng về tài chính và nhân lực, xu thế phát triển của công nghệ.

2. Mô hình thành phần

Mô hình của chính quyền điện tử bao gồm các thành phần chính sau:

- Người sử dụng;

- Kênh truy cập;

- Giao diện với người sử dụng;

- Các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng nghiệp vụ;

- Lớp tích hợp;

- Các dịch vụ dùng chung;

- Cơ sở dữ liệu;

- Cơ sở hạ tầng;

- Phần quản lý, các nội dung hỗ trợ tất cả các thành phần trên.

Các thành phần chính của Mô hình thành phần được kết nối với nhau theo mô hình ở Hình 1:

Hình 1: Khái quát Mô hình thành phần của Chính quyền điện tử cấp tỉnh

Chi tiết của các thành phần

a) Người sử dụng

Là những người sử dụng các dịch vụ do các cơ quan chính phủ cung cấp bao gồm người dân; các doanh nghiệp; các cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

b) Kênh truy cập

Là các hình thức, phương tiện qua đó người sử dụng truy cập thông tin, dịch vụ mà chính phủ điện tử cung cấp. Các hình thức này bao gồm và không giới hạn bởi các trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử (website/portal), thư điện tử (email), điện thoại (cố định hoặc di động), máy fax, hoặc có thể đến trực tiếp gặp các cơ quan chính phủ. Trong đó:

- Trang thông tin điện tử: Là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.

- Cổng thông tin điện tử: Là điểm truy cập duy nhất của cơ quan trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dùng có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc hiển thị thông tin (Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước).

c) Giao diện với người sử dụng

Thành phần đảm bảo việc lấy người sử dụng làm trung tâm trong cung cấp dịch vụ. Thành phần này cung cấp các khả năng liên quan trực tiếp đến quản lý người sử dụng dịch vụ (cả bên ngoài lẫn bên trong), các nghiệp vụ tương tác với người sử dụng dịch vụ, nằm ở phía ngoài (front end) của một nghiệp vụ và là giao diện với nhiều đối tượng sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, thành phần này còn đảm bảo sự nhất quán về việc truy cập sử dụng dịch vụ, ứng dụng của người sử dụng dịch vụ trên các kênh truy cập khác nhau. Đây là thành phần đảm bảo sự thông suốt cho người sử dụng trong việc sử dụng đa kênh truy cập.

d) Các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng nghiệp vụ

Đây là thành phần cơ bản trong mô hình thành phần của chính quyền điện tử. Thành phần này bao gồm các dịch vụ công trực tuyến mà chính phủ điện tử cung cấp cho người dân, doanh nghiệp thể hiện trong mối quan hệ tương tác giữa các cơ quan chính phủ và người dân (G2C), và giữa các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp (G2B) đã nói ở trên. Trong đó,

- Dịch vụ hành chính công: Là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.

Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.

- Dịch vụ công trực tuyến: Là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác

của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. (Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ).

Trong tài liệu này, dịch vụ công trực tuyến giới hạn là các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan thuộc tỉnh (sở/ban/ngành, quận/huyện, phường/xã) cung cấp. Phụ lục 1 trong Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã liệt kê danh mục nhóm các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phần này cũng bao gồm các dịch vụ, ứng dụng phục vụ các cơ quan chính phủ, thể hiện quan hệ tương tác giữa các cơ quan chính phủ (G2G) ở trên. Nội dung này bao gồm và không giới hạn một số ứng dụng sau:

- Ứng dụng nghiệp vụ: Là các ứng dụng phục vụ tác nghiệp các nghiệp vụ của các cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan chính phủ.

- Các ứng dụng bên trong: Là các ứng dụng cung cấp các khả năng hỗ trợ việc quản lý hiệu quả và thực hiện các nghiệp vụ bên trong nhằm nâng cao khả năng quản lý tài nguyên (con người, tài sản hữu hình, tài chính, tài nguyên số, …) của các cơ quan, từ đó, góp phần nâng cao năng suất và hiệu suất hoạt động

của các cơ quan nhà nước nói chung, bao gồm các ứng dụng như:

+ Quản lý tài chính: Cung cấp các chức năng kế toán và tài chính, các thủ tục cho phép quản lý ngân sách, quỹ và việc chi tiêu, đầu tư của một cơ quan;

+ Quản lý nhân sự: Cung cấp các khả năng hỗ trợ việc tuyển dụng và quản lý nhân sự của một cơ quan;

+ Quản lý tài sản: Cung cấp các khả năng hỗ trợ việc mua sắm, kiểm soát và truy vết các tài sản của một cơ quan;

+ Quản lý tài nguyên số: Cung cấp các khả năng hỗ trợ sự tạo thành, quản lý và phân phối các tài sản sở hữu trí tuệ và tài sản số trong toàn bộ đơn vị;

+ Truyền thông: Cung cấp các khả năng đảm bảo việc truyền dữ liệu, thông điệp, thông tin ở các định dạng khác nhau và hỗ trợ nhiều giao thức khác nhau. Với xu thế hội tụ về công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay, một hệ thống truyền thông hội tụ cung cấp các khả năng cơ bản như sau: Hội thoại thời gian thực, tin nhắn tức thời, hội nghị thoại, hội nghị truyền hình, quản lý sự kiện/tin tức, quản lý cộng đồng, truyền thông thoại;

+ Cộng tác: Cung cấp các khả năng cho phép truyền thông tức thời và chia sẽ nội dung, lịch làm việc, thông điệp, ý tưởng, và quan điểm tại các cơ quan thuộc địa phương.

- Ứng dụng liên cơ quan: Là các ứng dụng thực hiện sự kết nối, chia sẽ thông tin, dữ liệu, tài liệu giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp. (Tham chiếu: Quyết định số 1605/QĐ-TTg , Phụ lục III, Danh mục nhóm các dự án, nhiệm vụ quy mô quốc gia). Ví dụ:

+ Quản lý văn bản và điều hành: Cung cấp khả năng thực hiện trao đổi văn bản điện tử chính thức giữa các cơ quan nhà nước với nhau, thay cho phương thức trao đổi văn bản giấy như hiện nay.

- Các ứng dụng cho cán bộ: Bao gồm các ứng dụng chỉ dành riêng cho các cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước nói chung, bao gồm:

+ Đào tạo từ xa: Nhóm các ứng dụng phục vụ nâng cao kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của địa phương từ xa thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hội tụ;

+ Cung cấp thông tin phục vụ cán bộ, công chức, viên chức: Cung cấp các thông tin về lương, hưu, mất sức… cho các cán bộ, công chức, viên chức của địa phương;

+ Quản lý tri thức: Là ứng dụng cung cấp khả năng xác định, thu thập và chuyển đổi các tài liệu, báo cáo và các nguồn thông tin khác thành các thông tin hữu ích hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

đ) Lớp tích hợp

Thành phần cung cấp khả năng tích hợp các ứng dụng và dịch vụ nói chung, nhằm tạo ra các dịch vụ tích hợp nhưng không phá vỡ cấu trúc, gián đoạn hoạt động của các ứng dụng/dịch vụ đang hoạt động. Thành phần này tạo cơ sở cho nhiều ứng dụng/dịch vụ khác nhau có thể giao tiếp với nhau một cách thông suốt trong một môi trường không thuần nhất về nền tảng phát triển các ứng dụng và dịch vụ, từ đó, hướng đến cung cấp các dịch vụ chất lượng cao theo cơ chế liên thông. Thành phần này còn cung cấp khả năng cho phép các hệ thống ứng dụng mới truy nhập vào các hệ thống ứng dụng có sẵn, nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực đã đầu tư vào các hệ thống và nền tảng có sẵn.

e) Các dịch vụ dùng chung

Đây là các dịch vụ được sử dụng chung cho nhiều cơ quan chính phủ trong tỉnh, hỗ trợ các ứng dụng nghiệp vụ và dịch vụ công trực tuyến. Đây là một thành phần quan trọng của mô hình, việc triển khai thành công các dịch vụ dùng chung sẽ góp phần đáng kể đảm bảo tránh lãng phí, đầu tư trùng lặp, nâng cao khả năng kết nối của các hệ thống khi sử dụng chung các dịch vụ cơ bản.

Một số ví dụ về dịch vụ dùng chung như dịch vụ thư mục (Directory service), dịch vụ định danh, xác thực, phân quyền truy cập.

g) Cơ sở dữ liệu

Thành phần này bao gồm các cơ sở dữ liệu (cũ và mới), các cơ sở dữ liệu này không tồn tại độc lập mà phục vụ cho các chương trình ứng dụng như các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng nghiệp vụ thuộc thành phần d) ở trên.

Cơ sở dữ liệu được định nghĩa là là tập hợp các dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông tin qua phương tiện điện tử. (Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005 của Quốc hội khóa XI).

h) Cơ sở hạ tầng

Thành phần cung cấp hạ tầng, phương tiện, nền tảng phục vụ cho người sử dụng và các ứng dụng, cụ thể bao gồm:

- Trang thiết bị người dùng cuối: Bao gồm máy tính cá nhân, máy tính xách tay, các thiết bị hỗ trợ cá nhân phục vụ công việc của các cán bộ, các trang thiết bị phục vụ việc truy cập thông tin, sử dụng dịch vụ của người dân và doanh nghiệp.

- Hệ thống mạng: Thành phần then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu hạ tầng kết nối các dịch vụ nền và các ứng dụng, dịch vụ, nhằm đáp ứng mục tiêu sẵn sàng phục vụ nhu cầu truyền nhận dữ liệu và khai thác thông tin của các cơ quan nhà nước. Cơ sở hạ tầng mạng đối với một địa phương đó là sự kết hợp của mạng diện rộng WAN, mạng thành phố/đô thị MAN, mạng cục bộ LAN, mạng riêng ảo (VPN), mạng Internet.

- Nền tảng, máy chủ: Bao gồm nền tảng là các hệ điều hành, các máy chủ khác nhau trong các hệ thống thông tin.

- Hệ thống an ninh, bảo mật: Là hệ thống được xây dựng và duy trì đảm bảo cho chính quyền điện tử cấp tỉnh thực hiện sứ mệnh/chức năng trọng yếu của mình trước sự tấn công, xâm nhập gây phá hoại/lợi dụng các hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử cấp tỉnh, dẫn đến gây hư hỏng/gián đoạn việc sử dụng các hệ thống này.

i) Phần quản lý, các nội dung hỗ trợ tất cả các thành phần trên

Thành phần này bao gồm các yếu tố phục vụ chung, hỗ trợ, tác động, duy trì tất cả thành phần ở trên. Thành phần này bao gồm và không giới hạn:

- Chính sách về An toàn, bảo mật thông tin: Được hiểu là một tập các tiêu chuẩn đảm bảo cung cấp các dịch vụ an toàn, bảo mật thông tin trong sử dụng các ứng dụng, dịch vụ của chính quyền điện tử cấp tỉnh. Các thành phần bộ phận của mô hình thành phần đều có các quan ngại về an toàn bảo mật thông tin cần giải quyết, và các giải pháp cần được phát triển và quản trị ở mức tổng thể để có thể áp dụng cho tất cả các thành phần thuộc mô hình.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật: Thành phần này được hiểu là các tiêu chuẩn kỹ thuật đi kèm với các thành phần trong mô hình thành phần. Các tiêu chuẩn được sử dụng nhằm đảm bảo khả năng tương tác liên thông giữa các thành phần. Các tiêu chuẩn kỹ thuật giới hạn sự lựa chọn các giao diện kết nối nhằm đảm bảo khả năng tương tác liên thông, tuy nhiên, việc giới hạn này phải đảm bảo tính linh hoạt trong việc lựa chọn giải pháp cho các ứng dụng/dịch vụ, không phụ thuộc vào các giải pháp/sản phẩm đóng kín.

- Quy định, quy chế: Thành phần này bao gồm các luật, quy định, quy chế của chính quyền địa phương quy định việc phát triển, quản lý, sử dụng, và duy trì các thành phần trong mô hình thành phần. Các quy định, quy chế thực hiện nhiệm vụ củng cố việc thực thi các thực hành, các tiêu chuẩn trong mô hình thành phần.

- Tổ chức và điều hành: Thành phần này bao gồm một cấu trúc và các quy trình thực hiện chức năng hỗ trợ ra quyết định liên quan đến phát triển chính quyền điện tử cấp tỉnh. Cụ thể hơn, thành phần này tạo cơ sở thực hiện việc phát triển, xem xét, sửa đổi bổ sung, thông qua các thành phần thuộc mô hình thành phần của chính quyền điện tử cấp tỉnh.

- Truyền thông và Đào tạo:

+ Truyền thông: Thực hiện chức năng truyền tải thông điệp về giá trị của việc sử dụng các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức về chính quyền điện tử nói chung cho các đối tượng liên quan.

+ Đào tạo: Đào tạo các chủ thể liên quan thực hiện việc lập kế hoạch phát triển chính quyền điện tử cấp tỉnh, triển khai phát triển các hệ thống trong chính quyền điện tử, và mua sắm tài sản trong chính quyền điện tử cấp tỉnh, nhận thức ý nghĩa của mô hình thành phần, và sẵn sàng xây dựng các ứng dụng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng thông tin tuân thủ theo các đặc tả quy định trong mô hình thành phần.

Chi tiết về các thành phần trong mô hình thành phần chính quyền điện tử được thể hiện ở Hình 2, Mô hình này được xây dựng dựa trên mô hình của Gartner.

Hình 2: Mô hình thành phần chi tiết của Chính quyền điện tử cấp tỉnh

 

DANH MỤC THUẬT NGỮ, TỪ VIẾT TẮT

Viết tắt/Thuật ngữ

Giải thích

e-Government

Chính phủ điện tử

Tỉnh

Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

G2B

Chính phủ và doanh nghiệp

G2C

Chính phủ và người dân

G2E

Chính phủ và cán bộ công chức, viên chức

G2G

Cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ

ICT

Công nghệ thông tin và Truyền thông

LAN

Mạng cục bộ

MAN

Mạng thành phố/đô thị

m-Government

Chính phủ di động

Người sử dụng

Người dân, doanh nghiệp đối với dịch vụ công trực tuyến, và cán bộ công chức, viên chức đối với các ứng dụng trong cơ quan chính phủ

u-Government

Chính phủ ở mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện

UNPAN

Mạng trực tuyến về hành chính công và tài chính của Liên hợp quốc

VPN

Mạng riêng ảo

WAN

Mạng diện rộng

 

 



[1] Tham khảo một số khái niệm khác về chính phủ điện tử:

- The use of information and communication technologies, and particularly the Internet, as a tool to achieve better government (OECD). (là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet, như là công cụ để đạt được chính phủ tốt hơn)

- ‘electronic Government’ means the use by the Government of web-based Internet applications and other information technologies, combined with processes that implement these technologies, to

(A) enhance the access to and delivery of Government information and services to the public, other agencies, and other Government entities; or

(B) bring about improvements in Government operations that may include effectiveness, efficiency, service quality, or transformation; (USA, E-Government Act 2002).

- ‘Chính phủ điện tử’ có nghĩa là chính phủ sử dụng các ứng dụng dựa trên nền tảng web của Internet và các công nghệ thông tin khác kết hợp với các quá trình ứng dụng các công nghệ đó, để

(A) Tăng tính truy cập và cung cấp thông tin và các dịch vụ cho mọi người, các tổ chức, và các cơ quan chính phủ khác;

hoặc

(B) Tạo ra những cải tiến trong hoạt động của Chính phủ, có thể bao gồm tính hiệu quả, hiệu lực, chất lượng dịch vụ, hoặc sự biến đổi. (Luật Chính phủ điện tử 2002, Mỹ). 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 270/BTTTT-ƯDCNTT năm 2012 hướng dẫn mô hình thành phần chính quyền điện tử cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 270/BTTTT-ƯDCNTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/02/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Thành Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản