Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2695/TTCP-VP | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012 |
Kính gửi: | - Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ; |
Thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ, vừa qua, các Bộ, ngành Trung ương đã cùng với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, kiểm tra và thống nhất chấm dứt việc xem xét giải quyết và không thụ lý giải quyết một số khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài mà qua rà soát đã kết luận rằng các vụ việc đó đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, thấu tình, đạt lý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8061/VPCP-KNTN ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thủ tục chấm dứt việc xem xét giải quyết và không thụ lý đối với các vụ việc nói trên như sau:
1. Về quy trình:
- Bước 1. Họp liên ngành tại địa phương: Căn cứ Biên bản thống nhất với các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ trì, tổ chức họp bàn với các sở, ngành hữu quan, với sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và một số tổ chức thành viên ở địa phương (như Hội Luật gia, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh …) và đại diện Bộ, ngành hữu quan ở Trung ương để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị về phương án giải quyết. Đối với những vụ việc đặc biệt phức tạp hoặc người khiếu nại là đối tượng chính sách, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo cấp ủy để có sự lãnh đạo thống nhất;
- Bước 2: Tổ chức đối thoại: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan (Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Xây dựng …) tiến hành tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo trên tinh thần công khai, dân chủ, qua đó vận động, thuyết phục người dân thực hiện phương án giải quyết. (Nếu qua đối thoại mà phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ việc thì phải xem xét giải quyết lại để vụ việc đó được giải quyết đúng quy định của pháp luật và thấu tình, đạt lý);
- Bước 3: Ra thông báo: Đối với những vụ việc qua đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục mà người khiếu nại, tố cáo đồng ý với phương án giải quyết, thì ra thông báo kết thúc việc giải quyết, chấm dứt khiếu nại, tố cáo; nếu đương sự không đồng ý thì ra thông báo chấm dứt thụ lý, xem xét, giải quyết vụ việc. Đồng thời, cơ quan ra thông báo sẽ lập hồ sơ trích ngang về nội dung vụ việc và quá trình giải quyết để công khai trên Cổng Thông tin điện tử của địa phương và thông báo cho các cơ quan hữu quan (Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, cơ quan báo chí ở địa phương).
Việc thông báo công khai về việc chấm dứt thụ lý xem xét, giải quyết vụ việc là cơ sở để nếu người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì tất cả các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sẽ trả lời người khiếu nại, tố cáo một cách nhất quán và cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, vi phạm pháp luật.
2. Về thẩm quyền ra thông báo:
Theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nào đã ra quyết định giải quyết thì địa phương đó sẽ ra thông báo chấm dứt thụ lý xem xét, giải quyết; những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ nào đã ra quyết định giải quyết thì Bộ đó sẽ ra thông báo chấm dứt thụ lý, xem xét, giải quyết.
3. Đề nghị lưu ý khi triển khai:
Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài là công việc rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, việc thực hiện quy trình ra thông báo chấm dứt phải được thực hiện đầy đủ và hết sức thận trọng. Đề nghị các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt lưu ý việc tạo sự đồng thuận giữa Trung ương với địa phương, giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chú trọng chất lượng của quá trình giải quyết. Cần xác định việc ra thông báo chấm dứt vừa là sự tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa là điểm dừng của vụ việc khiếu nại, tố cáo, đánh dấu sự giải quyết dứt điểm vụ việc trên thực tế.
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG THANH TRA |
Công văn 2695/TTCP-VP hướng dẫn ra thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo sau rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP
- Số hiệu: 2695/TTCP-VP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 19/10/2012
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Văn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/10/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra