Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2656/BNN-TCTS
V/v đề nghị sửa đổi danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 2011

 

Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phúc đáp công văn số 2994/BTNMT-TCMT ngày 15/8/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:

Loài tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) và loài hàu biển Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) là hai loài thuộc danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình xây dựng Quyết định nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuân thủ đầy đủ trình tự và đúng quy định ban hành văn bản pháp luật. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các nội dung quản lý chuyên ngành thuộc thẩm quyền Bộ ban hành. Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT ngày 01/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại được ban hành căn cứ Mục 3, Chương IV, Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2009) là văn bản ra đời sau Quyết định 57/2008/QĐ-BNN. Mặt khác, theo Luật Đa dạng sinh học và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học không quy định những văn bản về sinh vật ngoại lai đã ban hành trước đó được xử lý như thế nào nên Quyết định 57/2008/QĐ-BNN nói trên vẫn có hiệu lực thi hành.

Qua thực tế theo dõi, quản lý việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 972/BNN-TCTS ngày 14/4/2011 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý dự thảo Thông tư ban hành danh mục các loài ngoại lai xâm hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị đưa loài tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei ra khỏi danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Loài hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas không có tên trong dự thảo Thông tư ban hành danh mục các loài ngoại lai xâm hại gửi kèm công văn số 987/BTNMT-TCMT ngày 29/3/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có ý kiến về loài hàu Thái Bình Dương.

Sau khi Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn số 2258/BNN-TCTS ngày 09/8/2011 đề nghị sửa đổi Danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Ngày 22/8/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn cán bộ của Tổng cục Thủy sản sang làm việc với Tổng cục Môi trường, cung cấp đầy đủ các thông tin, hồ sơ cần thiết liên quan đến việc cho phép nuôi hai loài trên và đề nghị Tổng cục Môi trường xem xét, trình Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép rút tên hai loài trên khỏi danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy hai Bộ cần sớm có ý kiến thống nhất về việc này để tránh những thông tin không có lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chính phủ đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các quy định về việc khảo nghiệm, thử nghiệm các đối tượng mới có giá trị kinh tế cho nhập nội phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản. Tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương đã được khảo nghiệm và nuôi thử nghiệm để đánh giá nguy cơ rủi ro, xâm hại các loài bản địa (tại Bạc Liêu năm 2011, Nha Trang năm 2004, 2005 đối với tôm thẻ chân trắng và Bản Sen, Vân Đồn năm 2008 đối với hàu Thái Bình Dương). Thời gian nuôi khảo nghiệm, cách ly và sau đó cho phát tán cũng làm từng bước, rất thận trọng để đánh giá khả năng thích nghi phát triển quần đàn và tính chất nguy cơ xâm hại của chúng đối với các loài bản địa trong môi trường nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau. Thực tế, hai nguy cơ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo tại công văn 2994/BTNMT-TCMT về tôm chân trắng cho đến nay chưa thấy xảy ra ở Việt Nam. Trong tự nhiên, chưa nơi nào ven biển Việt Nam có xuất hiện quần đàn tôm thẻ chân trắng và không có xuất hiện dịch bệnh Taura trong tôm nuôi ở Việt Nam.

Trong quản lý sản xuất thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai công tác kiểm dịch nghiêm ngặt, chỉ những đàn tôm bố mẹ sạch bệnh mới được nhập nội và cung cấp cho người nuôi tôm chân trắng theo hình thức thâm canh, bán thâm canh ở những nơi có đủ điều kiện kiểm soát về môi trường và dịch bệnh. Ngày 18/7/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 1617/QĐ-BNN-TCTS hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm tôm sú và tôm chân trắng đảm bảo nuôi tôm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Về nguy cơ xâm hại của hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas trên lãnh thổ Việt Nam: Hàu Crassostrea gigas hiện đang được nuôi phổ biến ở nước ta có nguồn gốc là đàn giống nhập nội, tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Nha Trang, loài Crassostrea gigas là loài hàu phân bố tự nhiên ở Việt Nam, tên thường gọi là hàu ống, hàu dài phân bố ở các vùng biển sâu, độ mặn cao ở Hải Phòng và Quảng Ninh, mẫu vật hiện đang được lưu giữ tại Phòng Bảo tàng thủy sinh vật - Đại học Nha Trang, đây là một trong những loài bản địa. Mặt khác, loài hàu Crassostrea gigas có đặc điểm phân bố ở vùng có độ mặn cao, nhiệt độ thấp, vùng biển sâu, do vậy việc phát triển quần đàn lấn át các loài hàu bản địa khác là không xảy ra. Thực tế, cho đến nay giống hàu Thái Bình Dương cung cấp cho nuôi thương phẩm đều sản xuất từ trại giống, chưa có giống ngoài tự nhiên như các loài hàu bản địa khác. Nguy cơ xâm hại của hàu Thái Bình Dương đối với các loài khác (tương tự như nuôi trai xanh của Hà Lan) là không thể xảy ra. Hơn nữa, các loài hàu nói riêng và động vật thân mềm hai mảnh vỏ nói chung là sinh vật có lợi cho môi trường do chúng có khả năng làm sạch môi trường tự nhiên do ăn lọc sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ. Việc phát triển nuôi hàu Thái Bình Dương ở các vùng vịnh như Hạ Long, Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), … là góp phần làm sạch môi trường nước trong vịnh để duy trì cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho các vịnh. Ngoài ra, trong thực tế việc khai thác cạn kiệt các loài hàu bản địa ở các vùng ven biển Việt Nam đã làm giảm sút nguồn lợi đáng kể, nếu phát triển nuôi được hàu Thái Bình Dương để cung cấp làm thực phẩm sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi các loài hàu bản địa của nước ta.

Với các lý do trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét đưa loài tôm thẻ chân trắng Penaeus vannamei và loài hàu Thái Bình Dương Crassostrea gigas ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT.

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- Thứ trưởng Vũ Văn Tám (b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu (b/c);
- Tổng cục Thủy sản;
- Lưu: VT, TCTS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuân Thu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2656/BNN-TCTS đề nghị sửa đổi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại kèm theo Thông tư 22/2011/TT-BTNMT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2656/BNN-TCTS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/09/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Thị Xuân Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản