Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 264/BCT-TTTN | Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2023 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ Công Thương xin báo cáo về công tác chuẩn bị Tết ngành Công Thương và dự báo tình hình thị trường hàng hóa Tết như sau:
I. Đánh giá chung thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão
- Đánh giá chung: Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa lại nền kinh tế, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới. Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, như: (i) Xung đột lợi ích, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; (ii) Lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; (iii) Giá dầu thô và một số vật tư chiến lược biến động bất thường; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực trên thị trường thế giới gia tăng...; Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và chủ động, linh hoạt, sâu sát, kịp thời của Chính phủ; sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Cùng với sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước (tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm 2021), sức mua của thị trường trong nước đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2022 đạt khoảng 5.679.875 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021.
Tuy chịu ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới có biến động tăng, nhưng nhờ vào nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong nước dồi dào; việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý và công tác bình ổn thị trường hàng hóa được triển khai tốt nên thị trường hàng hóa tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Đánh giá về nguồn cung: Tình hình thời tiết các tháng cuối năm ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Đàn lợn, đàn gia súc, gia cầm đang giữ được nhịp tăng trưởng nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các hàng hóa phục vụ Tết khác nguồn cung dồi dào, đa dạng, hiện được các địa phương chuẩn bị tốt.
Đánh giá về nhu cầu: Năm nay tăng trưởng kinh tế trong nước tốt, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tuy nhiên, những lo ngại về kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm 2023 ảnh hưởng tới kinh tế trong nước cũng tác động đến tâm lý người dân. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán thua lỗ nhiều ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới suy giảm gây ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. Nhìn chung, người dân, người lao động có mức thu nhập trung bình sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, tập trung vào các mặt hàng chính, thiết yếu trong dịp Tết, trong khi đó, bộ phận người dân có thu nhập cao hơn vẫn sẵn sàng chi tiêu cho Tết và hướng đến nhiều loại hàng hóa nhập khẩu với mẫu mã đa dạng, giá thành cao hơn phân khúc hàng sản xuất trong nước. Dự kiến sức mua trong nước sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm trước.
Về thời gian mua sắm: Năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau nên nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tập trung trong thời gian ngắn và cao điểm từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 01 (tức ngày 22 đến ngày 29 tháng Chạp) để phục vụ các đợt lễ từ ngày ông Công, ông Táo đến cận Tết. Nhu cầu hàng hóa sẽ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, các mặt công nghiệp tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao, hoa cây cảnh phục vụ trang trí Tết.
Xu hướng giá cả: Hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi, nguồn cung hàng hóa dồi dào nên giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu tương đối ổn định và có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước). Nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng trong thời gian qua nên giá một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm thiết yếu như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chế biến... năm nay tăng nhẹ so với năm trước. Tại nhiều địa phương, Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đã được triển khai, trong đó chú trọng đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như mặt hàng thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, dầu ăn, trứng, đường... nên nguồn cung mặt hàng này sẽ được bảo đảm trong dịp Tết để đáp ứng nhu cầu của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đẩy mạnh tiêu thụ hàng dịp cuối năm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thường có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sẽ góp phần giữ giá hàng hóa không có biến động lớn.
Tại các chợ dân sinh, theo quy luật hàng năm, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... sẽ có biến động tăng trong những ngày cận Tết do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ nguồn cung trong nước dồi dào và việc triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại nên mức tăng sẽ không cao.
Dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... tăng khoảng 5-10% so với ngày thường, một số mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước. Tại các điểm bán hàng bình ổn, giá cả được niêm yết rõ ràng và doanh nghiệp đã cam kết bán theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định trong dịp Tết. Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.
(Tình hình thị trường một số mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết theo phụ lục đính kèm)
II. Công tác chỉ đạo và kế hoạch phục vụ Tết của ngành Công Thương
- Theo chức năng nhiệm vụ và sự phân công của Chính phủ, để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu; đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
- Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, ngày 8 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, An Giang; đại diện lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn, Tổng công ty và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương. Ngay sau Hội nghị, Bộ Công Thương đã gửi Thông báo số 296/TB-BCT ngày ngày 8 tháng 12 năm 2022 về kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị đến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan để khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ về chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
- Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương. Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động (Cần Thơ, Đồng Nai), cung ứng/vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi (như tại Kiên Giang, Bình Thuận)...
- Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết (cụ thể theo phụ lục đính kèm). Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
III. Tình hình chuẩn bị hàng hóa và các chương trình phục vụ Tết của các địa phương
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, các địa phương đã và đang tích cực, chủ động triển khai công tác chuẩn bị Tết, cụ thể như sau:
Tại các địa phương, các doanh nghiệp đã huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... ngay từ rất sớm. Đến nay đã có khoảng gần 50 địa phương có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết. Trong đó, tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, giá trị tổng lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-20% so với năm trước.
Nhằm đa dạng hóa nguồn hàng, các địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đưa các nông sản thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, điển hình như: Hội nghị kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác năm 2022 với khoảng 500 gian hàng trưng bày và hơn 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ 42 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia; Hội chợ đặc sản vùng - miền Việt Nam và Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 tại Hà Nội... và nhiều sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa được tổ chức tại các địa phương khác. Điểm mới của chương trình năm nay là tập trung thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến thông qua website www.ketnoicungcau.vn, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, chương trình tập trung hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm dịch vụ được bình chọn Thương hiệu vàng Thành phố, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, hàng nông sản đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc..., qua đó đã góp phần tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản cho các địa phương, tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết.
Năm nay, Tết Nguyên đán Quý Mão chỉ sau Tết dương lịch khoảng 20 ngày, thời gian mua sắm Tết được rút ngắn so với Tết 2022 nên thị trường Tết cũng khởi động sớm hơn. Tại nhiều hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op, MM Mega Market, WinCommerce, Aeon... đã hoàn thành kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ lên 20%-30% so với tháng kinh doanh thường với đa dạng các chủng loại hàng hóa và mức giá để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Như vậy, với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam.
2. Chương trình bình ổn thị trường
Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) được nhiều địa phương triển khai trong những năm qua đã mang lại ý nghĩa to lớn với đời sống người dân, giúp ổn định tâm lý và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Công Thương và các văn bản chỉ đạo khác, đến nay đã có khoảng gần 50 tỉnh, thành phố có báo cáo/kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, trong đó có 23 địa phương thực hiện chương trình BOTT.
Một số địa phương như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... tiếp tục thực hiện Chương trình BOTT cả năm. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm được ưu tiên để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, thuốc trị bệnh thông thường, thiết bị y tế phòng chống dịch, sinh phẩm test nhanh... cũng được một số địa phương triển khai thực hiện dự trữ và bình ổn giá. Nhìn chung, các địa phương đã có ý thức xây dựng kế hoạch từ khá sớm và bắt đầu triển khai thực hiện do năm nay, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau.
Ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình BOTT, UBND các địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình như: Hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại/tổ chức tín dụng; vay vốn với lãi suất 0% hoặc có thể hỗ trợ chi phí một số hạng mục trong chương trình như chi phí thuê mặt bằng, chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông tại địa phương hoặc chi phí vận chuyển, cấp phát logo miễn phí... Điều này đã khuyến khích, mở rộng nhiều doanh nghiệp thực hiện Chương trình và cam kết bình ổn giá mà không cần hoặc ít sử dụng tới sự hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước. Hầu hết các hệ thống phân phối tại địa phương tiếp tục cam kết cung cấp hàng chất lượng có nguồn gốc xuất xứ là hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến trong danh mục hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường với giá bán thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường theo từng thời điểm.
Bên cạnh các điểm bán hàng cố định thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình bình ổn thị trường, Sở Công Thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các chuyến bán hàng Tết, điểm bán hàng lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất và đến các khu vực vùng sâu, vùng xa... với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.
Không chỉ chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường, các địa phương còn kết hợp triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, đồng thời chú trọng đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm; triển khai một số chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm an toàn, chất lượng bằng các hình thức linh hoạt, trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
3. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT ngày 07/11/2022 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Theo đó, chỉ đạo lực lượng QLTT tại các địa phương xác định rõ tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, xây dựng Kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ trưởng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT trong đợt cao điểm. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chính như: tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống...; giám sát chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt... nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, các thành phố lớn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính và phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ....qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Thực hiện Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT trong thời gian qua, lực lượng QLTT toàn quốc đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, trang thiết bị y tế... Đồng thời, yêu cầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
4. Công tác thông tin tuyên truyền
Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được các địa phương chú trọng trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn với giá cả phù hợp; không tăng giá bất hợp lý; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết để người tiêu dùng an tâm mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Ngoài ra, các địa phương trong cả nước duy trì, triển khai các chương trình khuyến mại, tổ chức bán hàng thường xuyên, liên tục, đa dạng các hình thức bán hàng, các điểm bán hàng phải được trang trí, sắp xếp gọn gàng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường.
(Tình hình chuẩn bị Tết của một số địa phương theo phụ lục đính kèm)
1. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18 tháng 11 năm 2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung nguồn lực bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, trong đó quan tâm việc bảo đảm nguồn cung mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ.
- Chỉ đạo các Sở ban ngành chức năng trên địa bàn như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thực phẩm sản xuất, chế biến, cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rượu, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
- Chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; - Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ dịch bệnh, công tác phòng chống rét đậm, rét hại trên vật nuôi, cây trồng kịp thời phát hiện và xử lý, không để dịch lây lan, bùng phát.
- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các Chương trình phục vụ Tết, thông tin giá cả, thị trường; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn mùa lễ hội.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tiếp tục chỉ đạo các ngành nông nghiệp địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng); chú trọng bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu nông sản thiết yếu phục vụ sản xuất cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán để bảo đảm ổn định cả về chất lượng và giá cả hợp lý.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng nhất tới mặt hàng thịt lợn, thịt bò để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
4. Bộ Tài chính:
- Cân đối nguồn ngân sách nhà nước cho các địa phương nhằm thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu.
- Tiếp tục rà soát các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với chi phí thực tế phát sinh; đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Chủ động, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin đầy đủ, chính xác, chính thống, tránh đưa tin cá biệt, không đầy đủ, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người sản xuất chân chính, gây tác động bất lợi, làm xáo trộn thị trường.
- Xử lý nghiêm các đơn vị thông tin đại chúng đưa tin không đầy đủ, chưa chính xác, làm tổn hại tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, của người sản xuất và gây tác động bất lợi cho thị trường.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi.
7. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Chỉ đạo 02 Nhà máy lọc dầu ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Trên đây là báo cáo tình hình thị trường hàng hóa và công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của ngành Công Thương, Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ PHỤC VỤ TẾT CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP
1. Tình hình thị trường, giá cả một số mặt hàng thiết yếu
Thị trường thóc, gạo nội địa dịp cuối năm khá sôi động do nhu cầu cho các dịp lễ, Tết cuối năm bắt đầu tăng. Nguồn cung thóc, gạo đã được chuẩn bị từ sớm do năm nay, khoảng cách Tết âm lịch và Tết dương lịch khá gần nhau. Ước nguồn cung cho dịp lễ, Tết cuối năm tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2-3% so với cùng kỳ hàng năm. Các loại gạo tẻ chất lượng cao và nếp đặc sản tiếp tục được các doanh nghiệp, địa phương thu gom từ sớm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhất là các loại gạo đặc trưng như ST24, ST25, nếp Tú Lệ, tám Điện Biên... Nhìn chung, các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước và bám sát nhu cầu thị trường nên tình hình cung - cầu, giá cả thị trường không có biến động lớn, bảo đảm đủ lượng cung ứng cho thị trường và không xảy ra tình trạng bất thường
Tổng hợp báo cáo tại một số địa phương cho thấy, mặt hàng lương thực tiếp tục là một trong những nhóm hàng được thực hiện trong Chương trình bình ổn thị trường, do đó, giá bán và chất lượng tại các điểm bán bình ổn được xác nhận và đảm bảo.
Về giá: Tại hầu hết các địa phương, giá cả các loại gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-10% (tùy thời điểm và khu vực) so với ngày thường, gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định. Giá gạo tẻ và gạo nếp phổ biến ở mức:
|
| Đơn vị: đồng/kg |
| Miền Bắc | Miền Nam |
Gạo tẻ chất lượng cao | 20.000 - 43.000 | 18.000 - 45.000 |
Gạo nếp | 25.000 - 33.000 | 23.000 - 35.000 |
Dự báo trong thời gian tới, giá các loại gạo nguyên liệu xuất khẩu sẽ tương đối ổn định. Đối với các loại gạo tẻ chất lượng cao và nếp, tuy nguồn cung ổn định và đa dạng mặt hàng, song giá có thể tăng nhẹ, nhất là những ngày cận Tết do nhu cầu tiêu dùng cao.
- Sản lượng sản xuất trong nước: Nguồn cung mặt hàng thực phẩm trong năm 2022 tương đối dồi dào nhờ hoạt động chăn nuôi thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng không tăng đột biến. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trái phép, không rõ nguồn gốc bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cả về số lượng và chất lượng, an toàn thực phẩm. Mặt hàng thịt lợn, sau khi có sự phục hồi về sản xuất năm 2021 đã tiếp tục có sự tăng trưởng về tổng đàn và sản lượng xuất chuồng. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, thủy hải sản tiếp tục tăng so với năm trước. Tuy nhiên, theo truyền thống, người tiêu dùng vẫn có xu hướng tiêu dùng nhiều thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, tình hình dịch bệnh, thời tiết vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng thực phẩm. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, tổng sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 5,25% so với năm 2021 (trong đó trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 122,8 nghìn tấn, tăng 1,6% so với năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 474,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 4.427,1 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 2.028,4 nghìn tấn, tăng 4,5%); sản lượng trứng trên 18,29 tỷ quả, tăng 4,4%. tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 9 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021 (trong đó khai thác khoảng 3,8 triệu tấn, giảm 2%; nuôi trồng 5,2 triệu tấn, tăng 7,3%).
- Mặt hàng thịt lợn: Trong năm 2022, giá thịt lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn chỉ tăng nhẹ vào hai thời điểm (dịp sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần do nhu cầu tăng cao và đầu quý II/2022 do ảnh hưởng biến động của giá, thị trường thế giới, chi phí đầu vào tăng), sau đó đã giảm trở lại từ tháng 8 và giữ ổn định trong tháng 9 do nguồn cung dồi dào. Trong quý IV năm 2022, mặc dù chi phí chăn nuôi cao, song giá thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn có xu hướng giảm dần do tiêu thụ chậm lại và nguồn cung dồi dào.
Từ đầu tháng 01/2023 đến nay, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Nguyên nhân của tình trạng giảm giá những ngày cận Tết chủ yếu là do nguồn cung dồi dào đặc biệt có tình trạng tồn đọng lợn quá lứa do người dân chờ xuất bán dịp Tết nhưng chưa bán do giá rẻ, giá lợn hơi tại thị trường Trung Quốc giảm sâu trong khi tại một số khu công nghiệp có tình trạng công nhân phải nghỉ Tết sớm; nhu cầu tiêu thụ chậm, giá các thực phẩm thay thế cũng thấp... Giá lợn hơi hiện nay thấp hơn khoảng 3%-7% so với dịp sát Tết Nhâm Dần.
Giá thịt lợn hiện phổ biến ở mức:
|
| Đơn vị: đồng/kg |
| Lợn hơi | Lợn mông sấn |
Miền Bắc | 51.000 - 53.000 | 85.000 - 90.000 |
Miền Nam | 50.000 - 52.000 | 80.000 - 90.000 |
Dự kiến, giá sản phẩm thịt lợn có thể tăng trở lại vào những ngày sát Tết so với hiện nay nhưng mức tăng không lớn do các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi sẽ đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
- Giá các sản phẩm gia cầm: Giá các sản phẩm gia cầm năm 2022 không còn tình trạng ở mức thấp kỷ lục như năm trước. Do chi phí chăn nuôi tăng cao nên giá trung bình các sản phẩm gia cầm năm nay cao hơn khoảng 10-20% so với năm trước, riêng thời điểm đầu quý II/2022, giá gà lông trắng cao hơn so với cùng kỳ gấp 2-3 lần (cùng kỳ năm 2021, giá gà lông trắng có thời điểm chỉ ở mức 7.000-9.000đ/kg). Giá các sản phẩm gia cầm ở mức cao vào cuối Quý II/2022, giảm trong quý III/2022, sau đó tăng nhẹ vào quý IV/2022 và hiện ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Giá trứng gia cầm sau khi tăng mạnh trong Quý II và Quý III năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ dịp Trung Thu tăng cũng đã giảm trở lại vào dịp cuối năm. Giá các sản phẩm trứng gia cầm cũng có xu hướng ổn định, hiện phổ biến ở mức 25.000 - 30.000đ/chục. Tuy mặt bằng giá gia cầm cao hơn năm trước nhưng người chăn nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí chăn nuôi tăng mạnh, tiêu thụ chậm.
- Giá thịt bò: Giá thịt bò các loại khá ổn định trong cả năm vừa qua (chỉ tăng nhẹ vào dịp sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần), hiện phổ biến từ 250.000 - 270.000đ/kg (thịt bò loại I), tương đương so với cùng kỳ năm trước. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều hơn thịt bò nhập khẩu do giá và chất lượng khá cạnh tranh với thịt bò nội địa. Năm nay, giá thịt bò có xu hướng tăng chậm hơn so với năm trước và dự kiến sẽ tăng khoảng 10-15% từ sau ngày 23 Tết Âm lịch, giá sẽ giữ ở mức cao trong những ngày ngay sau Tết do đây là mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo thông lệ thị trường hàng năm, giá thịt bò sẽ ổn định trở lại sau Rằm tháng Giêng.
- Rau củ quả: Năm nay, thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng cao nên nguồn cung dồi dào. Sản lượng rau năm 2022 ước đạt 19 triệu tấn, tăng 670 nghìn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, trong quý IV/2022, do ảnh hưởng của mưa kéo dài tại miền Nam và lạnh sâu tại miền Bắc, sâu bệnh phát triển khiến nguồn cung mặt hàng này có xu hướng giảm trong khi chi phí đầu vào, giá vật tư tăng cao nên giá rau xanh tại các địa phương có xu hướng tăng cao hơn mọi năm. Đồng thời, do lưu thông trong nước ổn định, trong những tháng cuối năm Trung Quốc dần gỡ bỏ chính sách Zero Covid nên giá các mặt hàng trái cây cũng có xu hướng phục hồi, giúp người dân sản xuất có lãi. Hiện nay, thời tiết tại các tỉnh trên cả nước đang có diễn biến thuận lợi, những cơ sở sản xuất, trồng trọt đang tích cực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cung ứng ra thị trường nên giá rau xanh đã có xu hướng giảm nhẹ, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Một số loại trái cây đặc trưng vào dịp Tết như bưởi Diễn, Phật thủ, chuối tiêu, xoài cát Hòa Lộc... năm nay tiếp tục được mùa nên giá tương đối ổn định. Dự báo nhu cầu bắt đầu tăng từ 23 tháng Chạp nên giá sẽ tăng hơn ngày thường từ 10-15%.
- Bia, rượu: Hiện nay, nguồn cung dồi dào nhưng do sức mua mặt hàng bia vẫn còn khá chậm, nhiều nhà kinh doanh phải tổ chức các chương trình khuyến mại để thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, do tháng 10, 11 vừa qua giá bia, rượu cũng được điều chỉnh tăng cao khi nguyên liệu đầu vào cũng tăng, vì vậy giá cả nhìn chung vẫn cao hơn so với cùng kỳ Tết 2022. Các hệ thống siêu thị MM Mega Market, Emart, Aeon... cũng áp dụng giá ưu đãi với một số mặt hàng bia Tết nhưng số lượng mặt hàng khuyến mại hạn chế, mức giảm giá khoảng 3%-4%. Dự báo giá các sản phẩm này tại các cửa hàng bán lẻ sẽ ổn định trong những ngày cận Tết. Theo báo cáo từ các địa phương, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bia, rượu có xu hướng giảm nhẹ so với năm trước.
- Thực phẩm chế biến: Các doanh nghiệp sản xuất đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để phục vụ người dân nghỉ lễ và biếu, tặng dịp Tết Nguyên đán. Đối với các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, nguồn cung có xu hướng tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước, người dân có xu hướng tiêu dùng tập trung hơn vào ngày sát Tết và dự báo giá tiếp tục tăng nhẹ trong dịp sát Tết.
Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo: Nguồn cung do các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu các mặt hàng bánh, mứt, kẹo tương đối dồi dào. về giá cả, hiện giá các sản phẩm có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường, chủ yếu là các dòng sản phẩm thuộc phân khúc dành riêng cho Tết. Dự báo giá sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới. Năm nay, thị trường bánh mứt kẹo chủ yếu tập trung vào phân khúc bình dân và hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong kinh doanh và tiêu dùng. Bên cạnh đó, mua sắm trên các phương tiện trực tuyến hoặc tự làm, biếu tặng các sản phẩm bánh, mứt handmade cũng đang là xu hướng được người tiêu dùng ưa thích, đặc biệt là các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng từ các thương hiệu uy tín.
- Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết: Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã chuẩn bị tốt nguồn hàng từ 1, 2 tháng trước với chủng loại phong phú. Năm nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm, chương trình kích cầu, giới thiệu đặc sản vùng miền trong đó các mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết được tập trung giới thiệu đến người tiêu dùng. Các chương trình này vừa giúp các nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm cũng giúp người dân mua sắm được các sản phẩm đặc sản địa phương, mang tính vùng miền, quê hương có hương vị và chất lượng đều tốt hơn so với nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Lượng tiêu thụ các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc...đã bắt đầu tăng nhưng giá cả tương đối ổn định, chưa tăng nhiều so với tháng thường do nguồn cung dồi dào nhưng có xu hướng tăng nhẹ 3-5% so với năm trước do chi phí đầu vào tăng (mức tăng này đã được điều chỉnh và duy trì trong năm 2022). Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm của nước ngoài (nho khô úc, hồng dẻo Hàn Quốc, chà là khô...) tiếp tục được người tiêu dùng ưa thích và phần lớn được đặt mua thông qua phương thức mua hàng trực tuyến do tính tiện dụng, thuận tiện. Tuy nhiên giá các sản phẩm qua kênh này tương đối cao nên chủ yếu phục vụ những người dân có thu nhập cao. Dự báo trong thời gian tới nhu cầu tiêu dùng tăng nhưng giá nhóm hàng này tương đối ổn định hoặc có thể tăng nhẹ khoảng 5% so với tháng thường.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong những ngày đầu năm 2023, xảy ra sự cố tại phân xưởng RFCC của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) làm giảm công suất chung của toàn Nhà máy, dẫn đến giảm sản lượng xăng dầu khoảng 25% so với kế hoạch trong tháng 01/2023 (khoảng 200.000 m3 xăng dầu). Ngay sau khi nhận được thông tin từ NSRP báo cáo về sự cố kỹ thuật của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8544/CĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2022 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Theo đó, chỉ đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam chỉ đạo 02 nhà máy sản xuất xăng dầu tăng công suất ở mức tối đa, đồng thời sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác nếu có để bù đắp tối đa lượng thiếu hụt cho các khách hàng; chỉ đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương khắc phục sự cố, ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng xăng dầu cho khách hàng, thị trường; chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã khắc phục xong sự cố, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được đảm bảo.
Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo dõi sát và đôn đốc NSRP trong quá trình khắc phục sự cố tại phân xưởng RFCC của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn Chỉ đạo Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng công suất ở mức tối đa có thể, đồng thời sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác (nếu có) để bù đắp tối đa lượng thiếu hụt cho các khách hàng; Chỉ đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung xăng dầu, tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường giai đoạn trước, trong và sau Tết Âm lịch 2023 và đến hết Quý I năm 2023. Ngoài ra, thực hiện đúng tiến độ, tổng nguồn xăng dầu đã được Bộ Công Thương phân giao năm 2023. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước.
2. Công tác chuẩn bị Tết tại một số địa phương
Sở Công Thương TP Hà Nội đã xây dựng và chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023 từ tháng 9/2022. Theo đó: Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết): gạo 290.100 tấn; thịt lợn 57.900 tấn, Thịt gà: 19.200 tấn, thịt bò: 16,050 tấn, trứng gia cầm 387 triệu quả, rau củ 322.500 tận; thực phẩm chế biến 15.900 tấn; thủy hải sản 15.900 tấn; trái cây 156.000 tấn, bánh mứt kẹo 500 tấn; Rượu bia nước giải khát 67 triệu lít... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2022).
Hiện nay, các doanh nghiệp đã khai thác chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%-30% so với Kế hoạch Tết 2022 tùy theo từng mặt hàng, tại các điểm bán hàng lượng hàng hóa đã được tăng cường 15%- 40% sẵn sàng phục vụ của người dân. Các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 02 tháng trước Tết với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương TP Hà Nội đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động như:
(i) Đưa vào vận hành thêm 25 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 86 điểm bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố;
(ii) Tổ chức các Hội chợ xuân, chương trình Tết như: Hội chợ nông sản phục vụ Tết Nguyên đán, Chương trình Happy Tết năm 2023, 05 hội chợ xuân của các đơn vị tổ chức sự kiện, 91 điểm chợ Hoa Xuân, trên 20 sự kiện, hội chợ, phiên chợ Tết, tuần hàng giới thiệu sản phẩm tại các quận, huyện, thị xã;
(iii) Tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán qua nhiều hình thức như tổ chức hội chợ, tuần hàng trái cây nông sản, tham gia các hoạt động kết nối giao thương... giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Kết quả: Hỗ trợ giới thiệu trên 2500 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội; hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 420.000 tấn;
(iv) Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố: Thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023. Qua đó, đã vận động 37 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 13.800 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội, trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể. Nhằm hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương đã tổng hợp và gửi thông tin nhu cầu vay vốn của 09 đơn vị tham gia Chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng tới các tổ chức tín dụng để chủ động kết nối vay vốn ngân hàng.
Năm 2022 Tết Nguyên đán 2023, Thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hưởng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia 04 Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 là 73 Doanh nghiệp, gồm: 39 Doanh nghiệp tham gia Chương trình Lương thực, thực phẩm, 11 Doanh nghiệp Mùa khai giảng, 07 Doanh nghiệp Sữa, 12 Doanh nghiệp Dược phẩm, 04 doanh nghiệp các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn cung hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết chủ yếu từ 2 nguồn chính, gồm các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (chiếm 25-43% nhu cầu thị trường, tăng 10% so với tháng thường); các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ... (chiếm 57-75% nhu cầu thị trường).
- Nguồn vốn dự trữ: Các doanh nghiệp tham gia Chương trình chuẩn bị nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa như sau:
Nguồn vốn dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 02 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với Tết Nhâm Dần 2022; trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.000 tỷ đồng (tăng 10% so với năm trước). Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 12.000 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.200 tỷ đồng.
Với số vốn chuẩn bị như trên, các doanh nghiệp đảm bảo được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch Thành phố giao, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% - 54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm (chiếm 54,5%), trứng gia cầm (46,7%), thực phẩm chế biến (22,1%), thịt gia súc (20,2%), dầu ăn (21,4%)...
Hiện có 225/232 chợ truyền thống, 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị (105 siêu thị tổng hợp và 131 siêu thị chuyên ngành), 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động (còn 07/232 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do một số chợ cơ sở vật chất xuống cấp, đang chờ nâng cấp, sửa chữa; một số chợ dự kiến chuyển đổi công năng hoặc đang dự kiến giải tỏa, di dời).
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 02 - 03 lần so với tháng thường. Đồng thời, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở Công Thương vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể: Từ ngày 20 - 27/12 tháng Chạp âm lịch: mở cửa từ 7h đến 23h đêm; Từ ngày 28 - 29/12 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm; Ngày 30 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6h sáng đến 12h trưa. Khai trương năm mới: 08h sáng mồng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 - mùng 5 Tết Nguyên đán: mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Mùng 6 Tết Nguyên đán: hoạt động kinh doanh bình thường.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...Đồng thời, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Chương trình Shopping Season đợt 2 năm 2022, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự báo sẽ không biến động lớn. Mùa đông năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, không xuất hiện dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Hàng hóa phục vụ dịp Tết năm nay khá dồi dào. Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp như hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp đầu mối phân phối các mặt hàng thiết yếu đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 20-25% so với cùng kỳ.
Để bảo đảm nguồn cung thị trường dịp trước trong và sau Tết, Sở Công Thương Hải Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 21/11/2022 về việc thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023. Theo đó phân công cụ thể trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có liên quan, góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa như: “Tháng khuyến mại Hải Phòng 2022”, "Tuần lễ giới thiệu miến dong và các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa tỉnh Bắc Kạn năm 2022"...
Sở Công Thương Hải Phòng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Cục Thống kê Hải Phòng rà soát lại nguồn cung các hàng hóa lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổng hợp danh sách các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguồn hàng ổn định và có khả năng tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối của Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về chương trình bình ổn và tình hình giá cả, cung - cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Tình hình thị trường trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng: Về thị trường giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tương đối ổn định, không có biến động. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như gạo thường, gạo nếp, thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, trứng rau củ quả, bánh mứt kẹo, rượu bia, mắm muối... tại các siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố phong phú, dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Sở Công Thương đã làm việc, trao đổi với một số đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, các trung tâm thương mại, các siêu thị, chợ lớn, đặc biệt là các đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm về chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Qua tổng hợp, nhìn chung, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của doanh nghiệp năm nay tăng 20-30% so với năm trước. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng. Cụ thể: Gạo, nếp các loại: 352 tấn; Thịt các loại: hơn 4.000 tấn (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn); Thực phẩm chế biến, đóng hộp: 647 tấn; Thực phẩm khô: 288 tấn; Bánh kẹo mứt hạt dưa các loại: 796 tấn; Rau, củ quả các loại: gần 900 tấn.
- Việc cung ứng hàng hóa ra thị trường tập trung vào các kênh phân phối:
Các doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị với giá trị dự trữ khoảng gần 915 tỷ đồng;
Thương nhân kinh doanh tại 04 chợ thuộc Sở như: Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối Hòa Cường và các chợ trên địa bàn thành phố tham gia dự trữ với giá trị ước khoảng 740 tỷ đồng;
Các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ với giá trị ước trên 645 tỷ đồng.
- Xăng dầu: Hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố gồm 08 kho và hệ thống các cửa hàng bán lẻ với tổng lượng dự trữ xăng dầu nhập gần 1,2 triệu m3. Lượng tiêu thụ xăng dầu trung bình trên địa bàn thành phố khoảng 90 ngàn m3/tháng. Dịp Tết do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, dự kiến tăng 20%. Các đơn vị đầu mối, phân phối đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
- Tổ chức bán hàng thịt lợn (heo) phục vụ Tết: vận động 03 doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng, phân phối thịt heo tham gia tổ chức bán thịt heo bình ổn (Nhà nước có hỗ trợ một phần chi phí tổ chức bán hàng) tại 18 điểm; Thời gian thực hiện: trong 03 ngày giáp Tết Nguyên đán, dự kiến từ ngày 18/01/2023 - 20/01/2023 (ngày 27-29 tháng Chạp Âm lịch).
Để chủ động trong việc dự trữ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường, cân đối cung cầu trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch về công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường. Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, hàng hóa đa dạng, lượng cung hàng hóa theo từng nhóm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn.
Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến dồi dào, lưu thông hàng hóa thuận lợi. Hiện nay, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã bắt đầu triển khai kế hoạch nhập hàng phục vụ nhu cầu mua sắm lễ và Tết Dương lịch 2023. Hoạt động tại các chợ cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, nguồn cung hàng hóa tăng vào các ngày lễ gia tăng. Nhu cầu thị trường chưa có nhiều biến động.
Về Chương trình bình ổn thị trường: Tổng số các doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn tính đến nay có 17 doanh nghiệp. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỷ đồng (trong đó: Giai đoạn 1 gồm 3 tháng cuối năm 2022 hơn 998 tỷ đồng; Giai đoạn 2 gồm 3 tháng đầu năm 2023 hơn 1.237 tỷ đồng). Cụ thể theo từng nhóm mặt hàng:
- Nhóm I. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống/giải khát, sản phẩm phục vụ nhà bếp: có 16 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 2.235 tỷ đồng (Giai đoạn 1 hơn 998 tỷ đồng; Giai đoạn 2 hơn 1.237 tỷ đồng).
- Nhóm II. Nhóm hàng do doanh nghiệp đề xuất: có 02 doanh nghiệp đăng ký tham gia các mặt hàng gồm khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh và quần áo may mặc. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 1,345 tỷ đồng (Giai đoạn 1 hơn 611 triệu đồng; Giai đoạn 2 hơn 733 triệu đồng).
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo xây dựng Kế hoạch quản lý cung ứng hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023 của địa phương, tổ chức các địa điểm bán hàng hóa Tết truyền thống và hoa cây kiểng tập trung cho các tiểu thương, hợp tác xã, nông dân có nhu cầu.
Nhằm bảo đảm công tác bình ổn thị trường vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Sở Công Thương đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động thực hiện kế hoạch dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Thị trường hàng hóa dịp Tết trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có nhiều biến động. Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu nhộn nhịp triển khai, đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023. Dự kiến các ngày sát tết, nhân dân tại các địa phương, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Vinh mới bắt đầu mua sắm Tết cho gia đình khiến các chợ, siêu thị cửa hàng trên địa bàn sôi động hơn ngày thường và xu hướng tăng giá nhưng mức tăng phù hợp với quy luật thị trường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, khan hiếm hàng hóa, gây sốt trên thị trường. Một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao vào những ngày giáp Tết như hoa quả, cây cảnh phục vụ Tết... giá bán tăng khoảng 10-30% so với ngày thường.
Như vậy, theo nhu cầu tiêu dùng các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, sức mua hàng hóa tăng khoảng 15% - 30% so với các tháng khác, tức tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 8.200 tỷ đồng/tháng. Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự kiến nhu cầu tiêu dùng của người dân và cân đối với nguồn cung trong tỉnh cũng như từ các địa phương khác để bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng công nghệ phẩm tiêu dùng, xăng dầu.
3. Công tác chuẩn bị Tết tại một số doanh nghiệp
3.1. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội
Năm nay, Habeco dự kiến sản lượng sản xuất các loại sản phẩm bia, rượu của Tổng công ty trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 như sau:
- Sản phẩm bia: Sản lượng bia các loại phục vụ thị trường cả nước trong dịp Lễ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến khoảng 105 triệu lít. Trong đó: Bia chai (thương hiệu Hà Nội): Sản lượng sản xuất dự kiến khoảng 7.775 lít, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước; Bia lon (thương hiệu Hà Nội): Sản lượng sản xuất dự kiến khoảng 65.380 lít, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; Bia hơi: Sản lượng sản xuất dự kiến khoảng 15.224 lít, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước; Bia địa phương: Sản lượng sản xuất dự kiến khoảng 17.304 lít, tăng 12,2%) so với cùng kỳ năm trước.
- Sản phẩm rượu: Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Rượu & Nước giải khát Hà Nội (Halico) dự kiến chuẩn bị khoảng 600 nghìn lít rượu các loại để phục vụ bán hàng Tết, trong đó sản phẩm chủ yếu là Rượu Vodka Hà Nội, Rượu Hà Nội can pet... và các loại rượu mùi như: Rượu Thanh Mai, rượu Chanh; Rượu Chanh; Rượu Lúa mới, Rượu Nếp mới,...
Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác tiêu thụ trong dịp lễ Tết sắp tới và các lễ hội đầu năm, Habeco đã triển khai đồng bộ chiến dịch Tết năm 2023 với nhiều chương trình như: Chương trình khuyến mại dành cho người tiêu dùng “Bật nắp ngay đón triệu lộc vàng” cho sản phẩm Bia Hà Nội vàng và xanh lon 330ml triển khai từ ngày 01/11/2022 đến hết ngày 28/2/2023; lắp đặt và vận hành 24 quầy Bia Hà Nội Tết ở 13 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,...
3.2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
- Đối với mặt hàng xăng dầu: Trong những ngày đầu tháng 1/2023, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật và Dung Quất không nhập được dầu thô do thời tiết xấu nên cả 2 Nhà máy lọc dầu đều hoạt động ở công suất thấp. Để tăng tối đa nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, hiện tại BSR đã tăng công suất lên 110%, NSRP dự kiến cũng sẽ tăng công suất trở lại sau khi khắc phục sự cố. Về hệ thống bán lẻ, PVOIL đã nhập khẩu tăng thêm 40.000 m3 xăng dầu để đảm bảo đủ nguồn cho toàn hệ thống PVOIL trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
- Đối với mặt hàng LPG: Tại thị trường trong nước, trong các tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu thụ LPG của các tháng cận và sau Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm do nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp giảm mạnh do có nhiều nhà máy có lịch nghỉ Tết dài từ giữa tháng 1/2023 đến giữa tháng 2/2023. Dự kiến nhu cầu tháng 1-2/2023 chỉ đạt khoảng 170-190 nghìn tấn/tháng, thấp hơn so với các tháng thông thường khoảng 10-20 nghìn tấn và xấp xỉ bằng với các tháng cùng kỳ 2022.
Về hoạt động kinh doanh LPG của PV GAS: Duy trì ổn định hoạt động sản xuất của các nhà máy GPP Dinh cố và Cà Mau và cung cấp cho thị trường khoảng 25-30 ngàn tấn/tháng, tiếp tục duy trì các hợp đồng term mua LPG cho năm 2023 và cân đối các hợp đồng spot tùy theo nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn hàng theo cam kết, đồng thời góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
3.3. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn cả nước trong dịp trước, trong và sau Tết, trên cơ sở dự báo, phân tích nhu cầu tại các vùng, miền và phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2023 tại Công văn số 8164/BCT-TTTN ngày 20/12/2022 của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chủ động triển khai công tác đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài và trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất/Nghi Sơn) để ổn định nguồn cung, tiến hành nhập hàng về 07 điểm kho: Quảng Ninh, Nghệ An (đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh/thành phố và miền núi phía Bắc); Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, một phần nhập trực tiếp từ Dung Quất (đáp ứng cho các tỉnh/thành phố miền Trung và Tây Nguyên); thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đáp ứng cho miền Đông và Tây Nam Bộ.
Dự kiến trong tháng 01/2023 (tháng Tết) và tháng 02/2023 (sau Tết), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có kế hoạch nhập khoảng 1,83 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (tăng 6,7% so với tổng nguồn tối thiểu bình quân tháng được phân giao) và tiếp tục lập kế hoạch mua hàng cho tháng 03/2023 để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ của Tập đoàn trong dịp trong và sau Tết Nguyên đán.
Với hệ thống phân phối rộng khắp toàn quốc bao gồm gần 2,2 triệu m3 kho bể và hơn 5.000 điểm bán của hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc và thương nhân nhận quyền bán lẻ, Tập đoàn sẽ nỗ lực phấn đấu đảm bảo đủ nguồn hàng, cung ứng đầy đủ lượng hàng cho các cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của Tập đoàn và theo hợp đồng đối với các thương nhân nhận quyền, khách hàng đã ký với Tập đoàn.
3.5. Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam
Tổng công ty thuốc lá Việt Nam có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như sau:
- Sản phẩm thuốc lá điếu: Tổng sản lượng dự trữ chuẩn bị cung ứng cho thị trường vào khoảng 577 triệu bao, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
- Sản phẩm bánh kẹo các loại: Tổng sản lượng dự trữ chuẩn bị cung ứng cho thị trường dự kiến là 1.190 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng tiêu dùng, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ các hoạt động sau:
- Chủ động đánh giá nhu cầu của thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm, dự trữ nguyên vật liệu hợp lý nhằm duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong giai đoạn cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; giám sát chặt chẽ công tác bán hàng và phân phối, đảm bảo nguồn hàng được dự trữ đủ, cơ cấu giá hợp lý, tránh không để thay đổi giá hoặc thiếu lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường.
- Tăng cường kiểm soát đảm bảo chất lượng sản phẩm trong sản xuất và lưu thông.
- Tiếp tục làm tốt công tác dự báo, kiểm soát nguồn cung, giá cả đầu vào và thành phẩm, rà soát định mức tiêu hao nguyên phụ liệu, tiết giảm chi phí trong bối cảnh các loại chi phí tăng cao; nghiên cứu sử dụng nguyên phụ liệu nội địa thay thế một phần sản phẩm nhập khẩu góp phần giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa.
3.6. Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố (SaiGon Co.op)
Nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, tất cả hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc đều đã hoàn tất kế hoạch tăng tỷ lệ lượng hàng dự trữ lên 30-50% so với tháng kinh doanh thường, tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, bánh mứt các loại, nước mắm, bánh kẹo, rau củ quả, thủy hải sản...
Để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, từ ngày 31 tháng 12 năm 2022, tất cả gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm của Liên hiệp HTX TM TP.HCM (Saigon Co.op) bao gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Sense City ... cùng khởi động chương trình khuyến mãi Tết trên toàn quốc với chủ đề “Khai Tết xanh - Gieo lộc lành”. Theo đó, các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op sẽ giảm giá liên tục từ đầu tháng 12 đến cận Tết Nguyên đán với điểm nhấn là giảm giá đến 50% cho hơn 12.000 sản phẩm. Vào những ngày cận Tết, Co.opmart, Co.opXtra tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân, duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng... Saigon Co.op sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.
Bên cạnh chương trình khuyến mãi, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op còn tăng giờ mở cửa phục vụ Tết, cụ thể từ 14 - 16/01/2023 (tức 23-25 Tết) phục vụ khách hàng từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Từ 17 - 20/01/2023 (tức 26 - 28 Tết) phục vụ từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Ngày 21/01 (tức 30 Tết) từ 6 giờ đến 12 giờ trưa. Mùng 1 hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op tạm dừng phục vụ. Từ Mùng 2 đến mùng 5 Tết phục vụ trong buổi sáng, mùng 6 Tết hoạt động bình thường. Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra tại các tỉnh thành sẽ linh hoạt theo điều kiện thực tế từng địa phương.
3.7. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)
Nhằm tận dụng tốt cơ hội kinh doanh, ngay từ giữa năm 2022, Hapro đã tập trung xây dựng chương trình kinh doanh phục vụ Tết nguyên đán Quý Mão 2023 được duy trì thực hiện qua nhiều năm, cụ thể như sau:
Số lượng các mặt hàng: Ngoài 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo,), rượu bia - nước giải khát... Trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn,... Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.
- Tham gia chương trình Bình ổn thị trường: Thời gian thực hiện chương trình bình ổn: Từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023.
Mặt hàng Bình ổn: 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình Bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo), rượu bia - nước giải khát..;
Địa điểm tham gia chương trình bình ổn: 57 điểm bán hàng trên địa bàn TP. Hà Nội mang thương hiệu BRGMart, Haprofood /BRGMart;
Nguồn kinh phí để triển khai dự trữ hàng hóa thực hiện chương trình bình ổn: Doanh nghiệp chủ động về vốn; mặt hàng tham gia bình ổn thị trường; chủ động đăng ký giá bán với liên Sở Tài chính - Công Thương (công khai thông tin trên website của liên Sở) trên tiêu chí: giá bán các mặt hàng này không được điều chỉnh tăng quá 5% khi thị trường có biến động. Giá điều chỉnh tăng phải được đăng ký lại với Liên sở và sẽ được công khai thông tin trên website của Liên sở.
3.8. Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C & Go)
Tập đoàn Central Retail (GO!, Big C, Tops Market) dự báo khả năng từ nay tới cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tích cực, sôi động ngang hoặc hơn so với các dịp cuối năm trước đại dịch. Trên cơ sở đó, GO!, Big C đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dồi dào nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái tết đủ đầy, không lo về giá.
Đối với các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chuyên phục vụ nhu cầu cho Tết như bánh kẹo, bia nước ngọt, thịt nguội, trái cây nhập khẩu, hamper, đồ trang trí Tết, Tập đoàn Central Retail đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ Quý II/2022 và dự trữ hàng từ đầu tháng 10/2022, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng; Đối với hàng thực phẩm tươi sống, Tết Quý Mão 2023, Tập đoàn Central Retail dự kiến sẽ giới thiệu tới người tiêu dùng tất cả các danh mục món ăn Tết, bao gồm các sản phẩm theo mùa (bánh Chưng, bánh Tét, bánh Giầy, bánh Pía, Lạp xưởng, chả lụa...) và các món ăn chế biến sẵn truyền thống (Xôi gấc, Canh Khổ Qua Nhồi Thịt, Gà Luộc, Nem, kho tàu...). GO!, Big C cũng tăng cường các mặt hàng sử dụng hàng ngày như thịt lợn và thịt bò, cá, hải sản, rau và trái cây.
Đồng thời, để giúp người tiêu dùng dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp, Central Retail tiếp tục tích cực đẩy mạnh cung cấp hàng hóa Tết qua kênh thương mại điện tử, qua các app bán hàng của GO! & Big C, Zalo, Telesales 19001880... và triển khai nhiều gói chiết khấu giảm giá cho các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu, giỏ quà tết. Hệ thống siêu thị cũng tăng cường thời gian bán hàng để phục vụ khách: Từ ngày 06/01/2023 đến 20/01/2023: tăng thời gian mở cửa từ 7:00 đến 23:00; Ngày 21/01/2023 (30 Tết): Mở cửa từ 7:00 đến 14:00; Nghỉ mùng 1 Tết và mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết (từ 10:00 đến 22:00); Từ mùng 3 Tết, hệ thống mở cửa hoạt động bình thường./.
- 1Thông báo 386/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 770/VPCP-KTTH năm 2016 báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 12/CT-BGTVT năm 2016 tăng cường đảm bảo công tác vận tải hành khách, hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Thông báo 386/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 3Công văn 770/VPCP-KTTH năm 2016 báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 12/CT-BGTVT năm 2016 tăng cường đảm bảo công tác vận tải hành khách, hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 6Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2021 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 19-CT/TW năm 2022 về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 8Chỉ thị 03/CT-BTC năm 2022 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 do Bộ Tài chính ban hành
- 9Chỉ thị 10/CT-BCT thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công thương ban hành
- 10Chỉ thị 22/CT-TTg năm 2022 về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn 264/BCT-TTTN về báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 264/BCT-TTTN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 18/01/2023
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Đỗ Thắng Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra